Ông Phạm Văn Băng, Giám đốc đối ngoại công ty TNHH Phụ liệu may mặc Daiho (trụ sở ở Bình Dương), cho biết gia đình ông vừa qua đã mua lại toàn bộ công ty Daiho Garment Accessories Co.LTD của Hàn Quốc với bề dày 20 năm tại Việt Nam và biến tất cả hoạt động của công ty này thành một doanh nghiệp (DN) 100% vốn Việt Nam trong lĩnh vực cung ứng phụ liệu dệt may – chuyên sản xuất về nút áo.
Khó từ bên trong
Thị trường nội địa đang là mục tiêu mà DN này muốn thâm nhập ngoài thị trường nước ngoài đang có ở Mỹ, Myanmar, Hàn Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Ấn Độ. Theo ông Băng, công ty của ông muốn được tiếp cận với các DN dệt may lớn của Việt Nam nhưng lại không hề dễ dàng.
Hầu hết các DN dệt may lớn trong nước chủ yếu gia công cho các công ty nước ngoài. Và các khách hàng nước ngoài thường chỉ định công ty cung cấp phụ liệu may cho họ. Cho nên, những DN cung cấp phụ liệu trong nước rất khó tiếp cận một khi thương hiệu còn nhỏ bé.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh bên lề hội thảo về xây dựng thương hiệu dệt may Việt tổ chức ở Tp.HCM ngày 11/4, ông Phạm Văn Băng chia sẻ thêm: Ngoài việc may gia công cho các thương hiệu nước ngoài, gần đây có một số DN lớn trong nước như May Nhà Bè, May 10, Việt Tiến… là những DN đã có thương hiệu riêng và tự kiểm soát được nguyên phụ liệu may. Công ty của ông muốn tiếp xúc với các DN như vậy.
“Phía trước chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm. Công ty sẽ vừa hoạt động vừa khảo sát vừa cải cách, cải thiện hệ thống sản xuất, hệ thống quản lý để nâng tầm thương hiệu của DN tại Việt Nam. Các công ty sản xuất phụ liệu dệt may quan tâm nhất là đầu ra, khi đầu ra ổn định thì tiến độ sản xuất sẽ tốt hơn. Chính vì vậy, công ty chúng tôi muốn tiếp cận những DN dệt may lớn trong nước để tạo an toàn về đầu ra”, ông Băng nói.
Xoay quanh những khó khăn trong việc phát triển thương hiệu của các DN trong lĩnh vực cung cấp nguyên phụ liệu dệt may Việt hiện nay, một chuyên gia trong ngành cho rằng vấn đề băn khoăn nhất là sự chỉ định của các khách hàng nước ngoài.
Nhiều công ty may gia công không thể tự quyết định trong chuyện mua nguyên phụ liệu. Đây chính là rào cản đối với những DN sản xuất nguyên phụ liệu ở trong nước.
Mặt khác, đối với những công ty có thể tự quyết định được việc mua nguyên phụ liệu dệt may, giá thành của các DN cung cấp trong nước lại không thể cạnh tranh lại với nguồn cung từ Trung Quốc hay Hàn Quốc. Vì vậy, vấn đề này cũng là một rào cản.
Thay đổi phương thức kinh doanh là điều cần làm với DN dệt may Việt |
Cần thay đổi tư duy
Ngoài những vấn đề khó khăn nêu trên đối với DN nguyên phụ liệu dệt may nội địa, theo giới chuyên gia, các DN nội trong ngành dệt may nói chung hiện nay nên phát triển phương thức OBM (sở hữu nhãn hiệu riêng) bên cạnh việc nâng cao hiệu quả phương thức FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm).
Đơn cử như công ty cổ phần Garmex Sài Gòn cách đây 3 năm đã nhượng quyền một thương hiệu tại Mỹ chuyên hàng thể thao, có hệ thống phân phối ở 7 tiểu bang và mua bán trực tuyến trên Amazon.
Việc nhượng quyền này sẽ tạo chuỗi sản xuất kinh doanh khép kín từ khâu thiết kế, phát triển mẫu đến phân phối vào các đại lý, siêu thị. Phương thức trên sẽ giúp công ty giảm thiểu sự lệ thuộc nguồn cung do tự thiết kế, phát triển, cũng như chủ động hoạch định chiến lược sản xuất, giảm thiểu rủi ro “mùa vụ”, tạo ổn định nguồn hàng và kéo dài biên lợi nhuận. Về lâu dài, thương hiệu này có thể thâm nhập vào các thị trường mục tiêu khác như Úc, Nga và Việt Nam…
Được biết, hình thức kinh doanh OBM trong ngành dệt may là DN phải tự thiết kế, lựa chọn nguyên phụ liệu, sản xuất và phân phối bằng thương hiệu của chính DN. Hiện nay, một số DN bắt đầu bỏ gia công để chuyển đổi hình thức sang OBM nhưng chủ yếu nhắm vào thị trường nội địa.
Một số thương hiệu đã bắt đầu định hình và được nhận diện khá tốt, thậm chí có những thương hiệu được bày bán trong các trung tâm thương mại, được người tiêu dùng ngầm khẳng định là thương hiệu cao cấp.
Tuy nhiên, khi đưa ra chiến lược phát triển theo hướng mở ra nhiều dòng sản phẩm cho các phân khúc thị trường và có nhóm đối tượng tiêu dùng khác nhau, đa phần DN đều lúng túng và gặp vướng mắc. Đó là những vướng mắc trong xây dựng cấu trúc và quản trị đa thương hiệu, đặc biệt đối với DN gia đình.
Thực tế cho thấy nếu không thay đổi phương thức kinh doanh, nhất là việc xây dựng thương hiệu thì “kiếp làm thuê” hay “kiếp gia công” sẽ mãi còn đeo bám đối với nhiều DN dệt may Việt.
Điều này đòi hỏi DN dệt may trong nước phải thay đổi tư duy kinh doanh, nhưng cũng cần có các chính sách khuyến khích DN may mặc chuyển đổi từ phương thức gia công sang FOB, OBM hay ODM (tự thiết kế bán hàng) như ưu đãi tín dụng để mua nguyên phụ liệu do Việt Nam sản xuất.
Ngoài ra, điều DN mong mỏi là cần có chính sách khuyến khích các DN dệt may có kinh nghiệm tham gia dịch vụ hỗ trợ chuyển đổi, như phát triển mẫu, nguyên phụ liệu…
Việc chuyển đổi không chỉ gia tăng giá trị thặng dư mà còn là động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may Việt.
Thế Vinh