Bộ Công Thương vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng đường.
Đề nghị điều tra chống bán phá giá với đường Thái Lan (Ảnh: Internet) |
Bộ Công Thương cho biết kể từ khi bỏ hạn ngạch thuế quan cho ASEAN, lượng đường mía nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam đã tăng rất nhanh, đạt gần 500.000 tấn trong 5 tháng đầu năm 2020 (lượng nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2019 chỉ là 55.000 tấn, cả năm 2019 là 300.000 tấn).
Sản lượng đường niên vụ 2018/2019 của ngành mía đường là gần 1,1 triệu tấn. Niên vụ 2019/2020, sản lượng đường của tất cả các doanh nghiệp sản xuất đường của Việt Nam đều sụt giảm rất mạnh (ước đạt chưa tới 800.000 tấn), thiệt hại là nghiêm trọng, đáp ứng đầy đủ tiêu chí để khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại.
Trước tình hình trên, ngành mía đường đang chuẩn bị và nhiều khả năng sẽ sớm nộp hồ sơ đề nghị Bộ Công Thương khởi xướng điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với đường mía. Hiệp hội Mía đường cho biết mong muốn áp dụng biện pháp tự vệ theo quy định tại Nghị định thư ASEAN về đối xử đặc biệt với gạo và đường hoặc theo Hiệp định Tự vệ của Tổ chức thương mại Thế giới.
Bộ Công Thương đã phân tích kỹ ưu, nhược điểm của từng biện pháp, đồng thời khuyến nghị ngành mía đường đi theo hướng điều tra chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp. Tuy nhiên, do biện pháp CBPG và chống trợ cấp chỉ áp dụng với Thái Lan nên ngành mía đường cho rằng vẫn tồn tại nguy cơ một số doanh nghiệp nhập khẩu đường thô từ Thái Lan về Lào, Campuchia để tinh luyện (chi phí luyện đường chiếm khoảng 10% giá thành) rồi xuất khẩu sang Việt Nam nhằm lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.
Ngành mía đường cho rằng với quan hệ đặc biệt Việt - Lào, Việt - Campuchia, Việt Nam sẽ khó có khả năng đánh thuế chống lẩn tránh vào các hoạt động như vậy. Xuất phát từ đây, ngành mía đường vẫn mong muốn đề xuất áp dụng biện pháp tự vệ.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng hiện nay, Việt Nam mới chỉ mở cửa thị trường đường cho đường nhập khẩu từ ASEAN, biện pháp phòng vệ thương mại nếu được áp dụng nên hướng vào những nước này. Bên cạnh đó, do Thái Lan là nước xuất khẩu chính, lại có nhiều bằng chứng cho thấy Thái Lan đang trợ cấp rất lớn cho ngành đường dẫn đến đường Thái Lan có thể bán phá giá không chỉ trong khu vực mà cả toàn cầu. Vì vậy, Bộ Công Thương nhận thấy giải pháp triệt để nhất, công bằng nhất là khởi xướng điều tra vụ việc chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường Thái Lan.
Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất tiếp tục thuyết phục ngành mía đường hoàn thiện hồ sơ theo hướng điều tra áp dụng biện pháp CBPG và chống trợ cấp đối với đường Thái Lan. Sau đó, nếu xuất hiện tình trạng nhập khẩu từ Lào và Campuchia để lẩn tránh biện pháp CBPG và chống trợ cấp như ngành đường quan ngại thì sẽ điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh.
Bộ Công Thương sẽ khởi xướng, điều tra áp dụng biện pháp CBPG và chống trợ cấp đối với đường Thái Lan (chủ động hoặc trên cơ sở đơn đề nghị của ngành sản xuất trong nước) theo đúng quy định pháp luật. Sau này, nếu xuất hiện tình trạng "nhập khẩu từ Lào và Campuchia" như ngành mía đường quan ngại thì sẽ điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh.
Về vấn đề này, Bộ NN&PTNT cũng cho biết cơ bản thống nhất với đề xuất của Bộ Công Thương về việc khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp CBPG và chống trợ cấp đối với đường từ Thái Lan. Trong trường hợp sau khi áp dụng biện pháp CBPG mà xuất hiện tình trạng lẩn tránh bằng cách nhập khẩu từ Lào và Campuchia thì sẽ điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh theo quy định của pháp luật.
Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Công Thương bổ sung số liệu thực tiễn đáp ứng đầy đủ tiêu chí theo quy định để khởi xướng điều tra CBPG và chống trợ cấp.
Thy Lê