Ts. Abel Alonso, Chủ nhiệm cấp cao Bộ môn Kinh doanh quốc tế tại Đại học RMIT cho biết, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) chiếm hơn 90% tổng số doanh nghiệp Việt Nam. Nhóm doanh nghiệp này đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và cần tập trung vào các nỗ lực hồi phục.
Tìm lời giải thỏa đáng
Đặc biệt là trong bối cảnh phản ứng dây chuyền do cuộc khủng hoảng Covid-19 đợt thứ 4 đang gây ra, kết hợp với các yếu tố khiến tình hình trầm trọng thêm (như lệnh hạn chế đi lại) và tính chất lâu dài của cuộc khủng hoảng, có thể đe doạ sự tồn tại về lâu dài của nhiều doanh nghiệp MSME.
Các DN MSME đang tìm lời giải thoả đáng nhằm tránh hụt hơi giữa nhiều khó khăn do dịch Covid-19 gây ra như hiện nay. |
Theo Ts. Abel, các doanh nghiệp MSME phụ thuộc nhưng cũng tác động ngược lại đến các thành viên khác trong chuỗi cung ứng. Do đó, một khi các doanh nghiệp MSME mà chật vật hay thất bại có thể khiến các doanh nghiệp khác lụi tàn theo.
Một đánh giá gần đây từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tính trung bình mỗi tháng (trong 5 tháng đầu năm năm 2021) có gần 12.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Và trong số các doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường này, các doanh nghiệp MSME được cho là chiếm tỷ lệ rất cao trước những ảnh hưởng tiêu cực kéo dài của dịch Covid-19. Làm thế nào để phục hồi sau cuộc khủng hoảng chưa từng có, khi mà triển vọng hiện tại còn đang vô cùng ảm đạm, đến giờ vẫn là bài toán chưa tìm ra lời giải thoả đáng đối với các doanh nghiệp MSME.
Trong một nghiên cứu mới đây của Ts. Abel Alonso cùng đồng nghiệp tại RMIT xoay quanh triển vọng phục hồi của các doanh nghiệp MSME có chỉ ra rằng “Doanh nghiệp cần năng động hơn trong kinh doanh và đổi mới sáng tạo nhiều hơn, đồng thời giải quyết vấn đề bằng những gì có sẵn trong tay”.
Chẳng hạn, qua nghiên cứu thì dịch vụ giao hàng và phương thức bán hàng trực tuyến là những cách phổ biến để một số doanh nghiệp tăng doanh thu và duy trì dòng tiền cần thiết.
Theo Ts. Abel, việc học cách sử dụng các nền tảng trực tuyến khác nhau có thể sẽ là yêu cầu hiển nhiên hơn với nhiều doanh nghiệp MSME trong tương lai. Thứ nhất, do sự phổ biến và mức độ đón nhận công nghệ điện thoại thông minh trong cộng đồng người tiêu dùng. Thứ hai, do các quy định giãn cách và hạn chế khác mà cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện tại hoặc tương lai có thể đem đến.
Trên thực tế, khi được hỏi về cách đa dạng hóa sau tác động từ cuộc khủng hoảng Covid-19, ít nhất 1/4 số doanh nghiệp được khảo sát đã cân nhắc thay đổi mô hình kinh doanh. Trong khi đó, 1/4 số doanh nghiệp khác cho biết họ cố gắng duy trì mô hình hiện tại nếu điều này cho thấy khả năng thích ứng tốt (dựa vào các nhóm khách hàng truyền thống và tăng sự hiện diện trực tuyến).
Tăng gắn kết với khách hàng
Theo chuyên gia của RMIT, điểm mấu chốt là doanh nghiệp MSME cần tăng gắn kết với khách hàng. Nỗ lực này có thể cho phép họ thu thập thông tin quan trọng liên quan đến các nhu cầu mới về sản phẩm và dịch vụ, đồng thời khám phá các cơ hội kinh doanh mới.
Và, bất chấp thực trạng vô cùng khó khăn, các doanh nghiệp MSME nên tận dụng cuộc khủng hoảng hiện tại để tiếp tục thu thập thông tin cũng như nâng cao kiến thức và sự nhạy bén trong kinh doanh.
Ngoài ra, khi thiếu nguồn lực tài chính và các nguồn lực quan trọng khác, nhiều doanh nghiệp MSME nên áp dụng phương pháp tiếp cận theo kiểu “giàn giáo xây dựng” để giải quyết vấn đề.
Theo đó, tương tự như cách lập giàn giáo xây dựng theo từng tầng, các doanh nghiệp MSME nên tập trung vào việc tồn tại qua ngày và dần dần xây dựng sức mạnh tự thân. Chẳng hạn để giải quyết thách thức trước mắt liên quan đến dòng tiền, việc tiết kiệm, giảm chi phí sản xuất là điều mà các doanh nghiệp MSME cần làm trong lúc này.
Hơn nữa, đối với các hiệp hội doanh nghiệp, cần chia sẻ được cách thức ứng phó hiệu quả dịch Covid-19 từ những doanh nghiệp MSME đã tồn tại và phát triển được trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19. Đặc biệt là những bài học về lựa chọn thị trường, đối tác, quan hệ kinh doanh, về đầu tư xây dựng “nội lực” cốt lõi của doanh nghiệp MSME để tăng khả năng chống chịu với các cú sốc.
Với những diễn đàn chia sẻ thông tin như vậy, các ngành hàng mà doanh nghiệp MSME đang hoạt động có thể cùng nhau nhìn lại những gì đã và có thể sẽ xảy ra trong ngành mình, và bàn hướng tăng cường hợp tác, liên kết để đi tới trong tương lai…
Đặc biệt là cần thúc đẩy phát triển thị trường nội địa, thị trường nội ngành cho các doanh nghiệp MSME thông qua việc ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh liên kết giữa các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong việc phối hợp tiêu thụ sản phẩm của nhau.
Điều này sẽ giúp đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ đầu ra, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường quốc tế, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài chưa rõ điểm dừng.
Giới chuyên gia nhấn mạnh, để giúp các doanh nghiệp MSME tránh được “hụt hơi” cần tiếp tục có các chương trình kết nối tiêu thụ và kích thích tiêu dùng trên toàn quốc. Chẳng hạn như, có thể tổ chức các hội chợ bán hàng online theo từng sản phẩm theo tuần; hoặc có thể liên kết một số sàn thương mại điện tử để cùng thực hiện hoạt động này.
Không những vậy, nên có sự liên kết giữa các bộ, địa phương, hiệp hội để xây dựng những đợt kết nối, tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp MSME theo ngành hoặc đa ngành, kết hợp trực tuyến và tập trung...
Thế Vinh