Từ đầu tháng 4, một số ngân hàng có vốn nhà nước đã giảm lãi suất cho vay dành cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. (Ảnh minh hoạ: Int) |
Trong năm 2020, lãi suất cho vay đã giảm từ 1 - 1,5%/năm, nhưng chủ yếu dành cho các khoản vay mới và áp dụng trong một thời gian ngắn, sau thời gian này doanh nghiệp (DN) phải chịu thêm lãi suất theo biên độ là khoảng 3%. Tình trạng này khiến cho không ít DN bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh rơi vào cảnh khó khăn, không dám tiếp tục đầu tư, thậm chí phải dừng sản xuất.
Lao đao vì lãi suất cao
Thực tế, trong quý I/2021, ngoài Vietcombank áp dụng giảm lãi suất cho toàn bộ dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong 3 tháng, BIDV triển khai gói tín dụng hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV) kéo dài đến 30/9/2021, một số ít ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) cũng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ 10 - 40 điểm %, nhưng chỉ với thời gian ưu đãi trong 6 - 12 tháng đầu, biên lãi suất cộng thêm để tính lãi các kỳ sau đó không thay đổi.
Hiện, các ngân hàng luôn khẳng định, lãi suất cho vay đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Tuy nhiên, các DN cho rằng, mức lãi suất cho vay vẫn còn cao, thời gian ưu đãi quá ngắn, trong khi DN cần ít nhất là 2 năm với điều kiện dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi trở lại thì mới đủ khả năng để trả nợ ngân hàng.
Trao đổi với VnBusiness, ông Nguyễn Văn Biên, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Hoàng Hà cho biết, ngân hàng nói lãi suất cho vay đã giảm khoảng 1,5% so với trước thời điểm dịch Covid-19 xảy ra, nhưng thực tế đó chỉ là lãi suất cho vay mới, còn lãi suất các khoản vay cũ chưa mấy giảm, ở mức quá cao so với khả năng kinh doanh hiện nay.
Ông Biên chia sẻ, tháng 6/2020, DN vay 2 tỷ từ một NHTM với lãi suất ưu đãi cho 6 tháng. Từ đầu năm nay, DN đang phải trả nợ ngân hàng theo lãi suất thả nổi, ngoài lãi suất được ưu đãi 7,9%/năm, DN phải chịu thêm lãi suất theo biên độ là 2,3% khiến tổng lãi suất phải trả cho ngân hàng lên tới trên 10%/năm. Không những thế, phần lãi suất theo biên độ còn bị gắn với sự biến động lên giá của đồng USD.
“Nếu không thực sự đồng hành, chia sẻ để cùng DN vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, không chỉ các NHTM sẽ mất đi các bạn hàng, nợ xấu từ đó tăng thêm mà nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng không nhỏ”, ông Biên nói.
Ngóng ngân hàng "đồng hành"
Trước tình hình trên, Ngân hàng Nhà nước nhiều lần khẳng định, nếu các yếu tố tác động lên nền kinh tế vẫn tích cực thì cơ quan quản lý sẽ tiếp tục tìm cách giảm cả lãi suất huy động và cho vay. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung hạn chế, giảm bớt chi phí, tạo điều kiện giảm tiếp lãi suất cho DN và người dân.
Thực tế, bước sang đầu quý II, một số ngân hàng có quy mô lớn đã điều chỉnh mặt bằng lãi suất cho vay theo hướng giảm với nhiều gói vay ưu đãi.
Điển hình, Vietcombank giảm mạnh lãi suất cho vay xuống còn 6,79%/năm trong 6 tháng đầu tiên hoặc 7,29%/năm trong 12 tháng đầu tiên.
Vietcombank cũng đồng loạt giảm lãi suất cho vay đối với toàn bộ dư nợ vay hiện hữu. Theo đó, giảm tới 10% số tiền lãi phải trả cho các khách hàng DN và giảm 5% số tiền lãi phải trả cho các khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Khách hàng cá nhân cũng được giảm lãi suất 0,2 điểm % khi vay vốn sản xuất, kinh doanh. Dự kiến, đợt giảm lãi suất lần này có khoảng 105.000 khách hàng với quy mô tín dụng 350.000 tỷ đồng, chiếm hơn 40% dư nợ của Vietcombank.
Một ngân hàng quốc doanh khác là VietinBank tiếp tục gia hạn chương trình “Vay ưu đãi, lãi tri ân” đến ngày 30/6/2021, tăng quy mô gói cho vay ưu đãi lãi suất trung và dài hạn lên đến 50.000 tỷ đồng.
Tương tự, BIDV cũng đang áp dụng gói cho vay lãi suất thấp từ 3,8-5,5%/năm cho kỳ hạn 3 tháng, 4-6%/năm kỳ hạn 3-6 tháng và 4,5-6,5%/năm kỳ hạn 6-9 tháng áp dụng đến hết ngày 30/9.
Xu hướng giảm lãi suất cho vay dành cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng diễn ra ở khối NHTM. Chẳng hạn, HDBank áp dụng mức lãi vay 3%/năm đối với các cá nhân và các DN siêu nhỏ bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Vietbank cũng triển khai chương trình “Chung tay cùng DN năm 2021” và “Gắn kết DN xuất nhập khẩu năm 2021” với lãi suất cho vay ưu đãi chỉ 6,8%/năm. Riêng mục đích giải ngân phục vụ sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu thì lãi suất cho vay chỉ từ 6,5%/năm (VND) và 3%/năm (USD).
ABBank đang áp dụng gói cho vay hạn mức 1.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi chỉ từ 4,4%/năm cho khách hàng với nhu cầu mua ngoại tệ và mức lãi vay từ 4,9%/năm với nhu cầu vay bổ sung vốn. ABBank cũng dành 4.000 tỷ cho các khách hàng DNNVV và DN siêu nhỏ vay ngắn hạn dưới 12 tháng với mức lãi từ 6,2%/năm.
Xu hướng giảm lãi suất cho vay cũng đang diễn ra tại một số ngân hàng vừa và nhỏ. Mức giảm dao động từ 0,1 - 0,4 điểm % mỗi năm, chủ yếu áp dụng các khoản vay ngắn hạn.
Huyền Anh