Gợi ý cho các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa - vốn chiếm phần lớn ở Việt Nam, cần làm sao để duy trì khả năng phục hồi với nguồn lực hạn hẹp, Ts. Abel Alonso, Chủ nhiệm cấp cao Bộ môn Kinh doanh quốc tế tại Đại học RMIT cho rằng, cần linh hoạt ứng phó mạnh hơn nữa và lên kế hoạch trước cho các cuộc khủng hoảng tương tự.
Xoay trở trong nguồn lực hạn hẹp
Theo đó, các DN nên giải quyết vấn đề theo kiểu “giàn giáo xây dựng”. Tương tự như cách lập giàn giáo xây dựng theo từng tầng một, DN nên tập trung vào việc tồn tại qua từng ngày và dần dần nâng cao sức mạnh cho mình.
Nguồn lực hạn hẹp là thách thức lớn cho các DN nhỏ và vừa duy trì khả năng phục hồi sau nhiều tháng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. |
“Các DN nên tận dụng tối đa những nguồn lực hạn chế hiện có để duy trì khả năng thanh khoản, và nên làm mới bản thân mình bằng cách đa dạng hóa sang các thị trường hay kênh bán hàng mới, hoặc thay đổi mô hình kinh doanh”, Ts. Alonso chia sẻ tại hội thảo trực tuyến được tổ chức ở Tp.HCM để bàn về những giải pháp chính mà DN có thể cân nhắc để “vượt bão Covid-19” tốt hơn.
Còn theo ông Lawrence Chong, Tổng giám đốc Tập đoàn tư vấn đổi mới toàn cầu Consulus, việc thiếu hụt năng lực có thể giải quyết được nếu các DN tập trung chiến lược vào yếu tố 4C trong tình hình "bình thường mới". Các yếu tố này gồm Cause (mục đích hoạt động của DN), Cost (chi phí), Collaboration (khả năng hợp tác) và Coordination (khả năng điều phối).
Chuyên gia tư vấn này cho rằng, phần lớn DN không đủ năng lực để xoay sang những giải pháp mới hay ngành nghề khác. Và mặc dù không thể kiểm soát những gì diễn ra xung quanh, nhưng họ có thể kiểm soát cách ứng phó hôm nay để định hình tương lai DN.
Trong vấn đề nguồn lực hạn hẹp như hiện nay, dòng vốn vay cho các DN nhỏ và vừa vẫn còn gặp không ít trở ngại, thậm chí chuyện nợ xấu cũng là khó tránh. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho biết, tình hình nợ xấu ngân hàng sẽ có xu hướng tăng với những ngành sản xuất kinh doanh trực tiếp bị ảnh hưởng dịch bệnh.
Đối với các ngân hàng, để tránh nợ xấu sẽ tái cơ cấu các nhóm khách hàng, tái cơ cấu nguồn vốn cho vay, định lại các mức lãi suất. Đây tiếp tục là thách thức lớn cho nguồn vốn vay với các DN nhỏ và vừa đang gặp khó.
Trong lúc khó khăn này, để duy trì khả năng phục hồi, ông Dũng lưu ý các DN nhỏ và vừa nên tiếp tục tái cấu trúc hệ sản phẩm, hệ thị trường, tối ưu hoá các tài sản. Hơn thế nữa, rất cần nâng cấp lãnh đạo DN và quản trị hệ thống, cũng như đào tạo nguồn nhân lực thích nghi trong bối cảnh mới. Đặc biệt, các DN cần tập trung vào các dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh có tính khả thi, quay vòng tốt, và thiết lập thiết chế nội bộ mới.
Đã khó càng thêm khó
Song song đó, giới chuyên gia nhấn mạnh, để các DN nhỏ và vừa phục hồi giữa khó khăn do đại dịch gây rat, rất cần tiếp tục "dọn dẹp", rà soát bộ máy, sửa đổi, cải cách khâu thủ tục. Nhất là đối với những quy định pháp luật hoặc bổ sung các quy định gây vướng mắc, ách tắc, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh về việc thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính. Bởi lẽ, những vấn đề này không khác nào như “gạch đá ghè chân" DN khiến khả năng phục hồi của DN càng trở nên nặng nhọc hơn.
Đơn cử như tuần qua, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương về một loạt vấn đề bất cập đang gây khó cho DN dệt may.
Cụ thể là bất cập trong việc điều chỉnh giá thuê đất ở các địa phương. Theo Vitas, trong điều kiện khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, các DN đang phải gồng mình đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động, thì các địa phương lại tăng tiền thuê đất lên gấp 3 - 4 lần, khiến DN đã khó khăn càng khó khăn hơn.
Điển hình là trường hợp Công ty May 10 có chi nhánh tại tỉnh Thái Bình. Vitas cho biết, DN này đã nhận được quyết định điều chỉnh giá thuê đất tăng nhiều lần so với trước đó.
Hoặc như bất cập về quy định nộp thuế giá trị gia tăng đối với DN sử dụng vải trong nước để sản xuất xuất khẩu. Nhiều DN phản ánh, quy định này không tạo thuận lợi hình thành các chuỗi liên kết giữa các DN dệt may trong nước nhằm tăng tỷ lệ nội địa hoá và đáp ứng yêu cầu xuất xứ của sản phẩm may xuất khẩu.
Mặt khác, theo Vitas, quy định nộp thuế giá trị gia tăng như vậy dẫn đến không khuyến khích được việc sử dụng vải sản xuất trong nước và không bình đẳng với vải nhập khẩu để gia công xuất khẩu.
Ngoài ra, phía Vitas còn nêu những bất cập khác về việc tăng mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng cảng biển ở Hải Phòng và Tp.HCM, bất cập về chính sách thuế xuất nhập khẩu và thủ tục hải quan, bất cập về chế độ bảo hiểm thất nghiệp…
Đó mới chỉ là vướng mắc với các DN dệt may. Còn DN ở các ngành nghề khác đang gặp khó khăn, vướng víu gì từ các quy định của pháp luật cũng là một dấu hỏi lớn, nhất là khi các DN đang cần tìm "đường sống" sau nhiều tháng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với nguồn lực hạn hẹp.
Thế Vinh