Trong hơn một tháng trở lại đây – được xem như mùa thu hoạch trái cây chín rộ, giá cả nhiều loại trái cây trong nước rẻ đến bất ngờ. Điển hình nhất là trái vải thiều, sau khi qua thương lái và vận chuyển từ Bắc vào Nam, giá bán tại Tp.HCM hiện chỉ vào khoảng 20.000 – 30.000 đồng/kg, là mức giá mà người tiêu dùng ở phía Nam đánh giá là khá rẻ.
Mùa "đại hạ giá"
Trong khi đó, theo phản ánh, người nông dân ở vùng trồng vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) ngay từ đầu mùa đã phải chấp nhận bán cho thương lái với mức giá "thê thảm" chỉ còn 6.000 – 8.000 đồng/kg, thậm chí có lúc còn thấp hơn.
Nhiều loại trái cây phổ biến khác ở thị trường Tp.HCM như chôm chôm, xoài, ổi… cũng đang có mức giá rất rẻ, chỉ 10.000 đồng/kg.
Không chỉ trái cây trong nước có giá rẻ, mà nhiều loại trái cây ngoại nhập gần đây có giá cực rẻ. Chẳng hạn như táo Mỹ chỉ còn gần 30.000 đồng/kg. Hoặc như táo, nho, lê có xuất xứ từ Úc, Hàn Quốc, Mỹ, Nam Phi, Trung Quốc, Thái Lan… được cho là đang là thời điểm "xả hàng" của các công ty nhập khẩu nên giá cả khá cạnh tranh so với trái cây trong nước.
Hai tháng trước, khi đến mùa chín rộ, xoài Campuchia với mức giá 5.000 đồng/kg cũng được bày bán ở khắp các chợ.
Một số địa phương đã dè chừng trước tình trạng này và tìm mọi cách để đặc sản trái cây của địa phương tránh phải đi vào "vết xe đổ" như ở các nơi khác.
Đơn cử như tỉnh Đắk Nông, hôm 3/7 vừa qua, nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ cho trái bơ đặc sản và cũng tránh chuyện đại hạ giá, lãnh đạo tỉnh này đã xuống Tp.HCM tổ chức họp báo giới thiệu chương trình "Đắk Nông – Mùa bơ chín" sẽ diễn ra tại Đắk Nông từ ngày 18 – 23/7 nhằm giới thiệu, quảng bá trái bơ Đắk Nông đến người tiêu dùng và kết nối với doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu (XK) bơ trong và ngoài nước.
Như chia sẻ của bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, mục tiêu là nhằm nâng cao giá trị trái bơ đối với người sản xuất và kinh doanh bơ, khẳng định vị thế bơ Đắk Nông nói riêng và vị trí quan trọng của mặt hàng bơ Việt Nam trên thị trường thế giới.
Được biết, dù có lợi thế lớn nhưng giá trị hàng hóa Bơ Đắk Nông còn thấp do quy mô sản xuất manh mún. Đặc biệt là tình trạng bà con nông dân trồng tự phát, không theo quy hoạch, đầu ra sản phẩm không ổn định, chưa xây dựng thương hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý để truy xuất nguồn gốc xuất xứ…
Mùa trái cây chín rộ nhưng "đại hạ giá" là nỗi ám ảnh của nông dân |
Còn thiếu kết nối
Ngay như vấn đề XK trái cây dù đang có nhiều thành tích, nhưng việc XK trong mùa thu hoạch rộ như hiện nay cũng là cả vấn đề thách thức. Đặc biệt là khi bước vào mùa hè (tháng 6, 7), giá trái cây giảm do không chỉ Việt Nam mà ở các nước đều thu hoạch rộ.
Chưa kể, tại thị trường XK trái cây chủ lực như Trung Quốc, từ tháng 4/2018, hoa quả Việt Nam khi XK sang tỉnh Quảng Tây buộc phải tuân thủ các quy định về nhãn mác xuất xứ, nếu không đạt tiêu chuẩn quy định sẽ hủy bỏ.
Theo đó, toàn bộ hoa quả nhập khẩu vào đây phải có tem bằng tiếng Trung Quốc hoặc tiếng Anh. Nội dung tem gồm: tên công ty, tên mặt hàng, mã số đăng ký vườn hoa quả, mã số đăng ký nhà máy đóng gói, xuất khẩu sang nước nào, xuất xứ, mã vạch.
Trong vấn đề tiêu thụ trái cây, theo PGs. Ts Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, rất cần tăng cường kết nối giữa các hợp tác xã với DN thu mua, phân phối, đồng thời vẫn đảm bảo yêu cầu về việc truy xuất nguồn gốc.
Trong khi đó, hiện tại, nhiều địa phương hiện vẫn chưa tiếp cận được các DN có tiềm lực XK để thực hiện kinh doanh thông qua hợp đồng kinh tế, mà chủ yếu là thương lái từ Trung Quốc trực tiếp sang Việt Nam chọn lọc và mua trái cây.
Điệp khúc trái cây được mùa – rớt giá lặp đi lặp lại nhiều năm nay, và cho đến nay cũng vẫn như vậy. Trong khi đó, giá trái cây từ nhà vườn đến người tiêu dùng có khoảng chênh lệch không nhỏ qua bàn tay của thương lái.
Vấn đề còn nằm ở các nông dân vẫn trồng cây ăn trái theo hướng tự phát, chưa có định hướng rải vụ nên sản lượng tập trung kéo giá nhiều mặt hàng xuống sâu. Điều mà nông dân lo lắng là dù giá trái cây của họ đã xuống rất thấp nhưng rất ít thương lái đến mua. Trong khi trái cây đang vào chính vụ, chín đồng loạt, nếu bán không kịp thì trái sẽ hỏng.
Ts Nguyễn Minh Châu cho rằng khâu tiếp thị quảng bá của chúng ta còn chưa đủ tầm, chưa chuyên nghiệp. Đầu ra còn phải lo vì còn thiếu những công ty lớn để XK trái cây đặc sản nên chưa khai thác tốt nhất những giống trái cây đặc sản của Việt Nam.
Thế Vinh