Dưa vàng Trung Quốc được rao bán là dưa Sài Gòn |
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), chỉ trong 5 tháng đầu năm 2018, nước ta đã nhập tới 650 tấn dưa các loại từ Trung Quốc.
Trong năm 2017, nước ta cũng đã nhập khẩu tới 7.210 tấn dưa từ Trung Quốc, trong đó dưa lưới vàng nhập tới 3.710 tấn, dưa lưới xanh nhập tới 3.000 tấn, dưa lê nhập 500 tấn.
Đại diện của Cục Bảo vệ thực vật cho biết, với dưa lê và dưa chuột, nước ta nhập số lượng ít, chỉ nhập vào thời điểm từ tháng 1/5, bởi lúc này trong nước không sản xuất được hoặc là thời gian chuyển vụ. Nhưng riêng dưa lưới vàng thì về quanh năm, cao điểm là nửa cuối năm.
Điều đáng nói khi được nhập về Việt Nam, đa số người bán đều gỡ tem Trung Quốc và dán bằng những loại tem khác như: “dưa Đà Lạt”, “dưa Sài Gòn” “dưa Nhật”, “dưa New Zealand”… nên người tiêu dùng khó phân biệt đâu là dưa nhập và đâu là dưa được trồng tại Việt Nam.
Trong tình hình trên, từ 1/4/2018, Trung Quốc lại thực hiện siết chặt nhập khẩu trái cây từ Việt Nam. Cụ thể, các doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu trái cây từ Việt Nam qua các cửa khẩu thuộc địa bàn tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc khi làm thủ tục nhập khẩu sẽ phải cung cấp thêm hình ảnh chụp bao bì để được thông quan.
Trên bao bì phải chứa thông tin truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm bao gồm: tên sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể dán thêm nhãn để bổ sung các thông tin mã vạch, mã QR hoặc tem chống hàng giả…
Việc Trung Quốc đang siết chặt nhập khẩu đòi hỏi trái cây nước ta cần chú trọng nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ cao để sản xuất trái vụ nhằm đẩy mạnh xuất chính ngạch, hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc.
NY