1. Cầm trên tay trái bí hạt đậu, ông Trần Phong Lan, Tổng giám đốc CTCP DannyGreen (Tp.HCM), cho hay: Trái bí được chứng nhận hữu cơ do phía Nhật Bản cấp. Ngoài chế biến từ luộc, hấp, nấu canh, nướng…, công ty còn làm ra sữa từ bí.
![]() |
Sản phẩm Organic được bày bán rộng rãi ở trung tâm mua sắm của Tp.HCM |
“Xu thế hiện nay mọi thứ đều phải tiện lợi cho người tiêu dùng, nhu cầu của xã hội, nhu cầu sức khỏe..., nên chúng tôi sẽ có thêm bột bí, để người tiêu dùng dễ dàng sử dụng khi cần”, ông Lan nói.
Nhưng, theo vị tổng giám đốc này, đi theo con đường sản xuất nông nghiệp hữu cơ (Organic) chẳng hề dễ dàng gì. Không dễ dàng ở chỗ để trồng ra sản phẩm, để tạo ra sản phẩm Organic vốn dĩ đã cực kỳ vất vả rồi.
Ngay như mảnh đất không phải tự nhiên để được chứng nhận Organic, mà đã phải mất đến 3 năm gần như bỏ hoang và không sử dụng bất cứ hoá chất, phân bón hoá học, thuốc bảo vệ thực vật nào trên mảnh đất đó.
“Có một quá trình như vậy thì mới có thể được chứng nhận hữu cơ. Đó chỉ mới là một mảnh đất, còn cả quá trình trồng. Riêng với phần trồng thôi, từ năm 2013 đến nay, tôi đã “đốt” sơ sơ ba mươi mấy tỷ đồng”, ông Lan bộc bạch.
Có điều, như chia sẻ của ông Lan, sau 7 năm trồng và cho ra sản phẩm Organic, để đưa sản phẩm ra thị trường, làm thương hiệu, đưa tới tay khách hàng, xây dựng hệ thống phân phối thì chỉ mới có 3 năm và đã “đốt” thêm 30 tỷ đồng.
“Con đường trước mắt cũng không biết tới đâu, nhưng mà vẫn rất hy vọng, vì chúng ta làm nông nghiệp hữu cơ chính là chúng ta mang lại giá trị cho bản thân chúng ta, cho cuộc sống và cho xã hội, cho tất cả mọi người”, Tổng giám đốc DannyGreen lạc quan chia sẻ.
2. Trong không khí chào đón Năm mới, giữa tháng 1/2021, CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) đã xuất khẩu lô gạo 1.600 tấn đầu tiên đi Singapore và Malaysia
Hai loại gạo được xuất khẩu trong lô hàng này là gạo thơm Jasmine 85 và gạo thơm Hương Lài. Trong đó, 450 tấn gạo Jasmine 85 sẽ đi thị trường Singapore với giá 680 USD/tấn và 1.150 tấn gạo thơm Hương Lài sẽ được giao cho khách hàng ở Malaysia với giá 750 USD/tấn.
“Đây là mức giá rất cao”, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Trung An chia sẻ khi nói về quyết tâm sản xuất gạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn Organic.
![]() |
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, khẳng định chắc chắn những người làm Organic sẽ thắng. |
Bên cạnh lô hàng này, Công ty Trung An còn có một đơn hàng hơn 2.000 tấn gạo chất lượng cao sắp xuất sang Đức. Bàn về vấn đề đầu tư làm lúa hữu cơ, ông Bình nói rằng năm 2005 mua 800ha đất rừng tràm để làm lúa hữu cơ. Số tiền đầu tư cho gạo hữu cơ từ đó đến nay gần 400 tỷ đồng.
Theo ông Bình, làm lúa hữu cơ vốn dĩ rất khó, khó ở đủ lĩnh vực từ trồng trọt cho đến sản xuất và tiêu thụ. Kể cả giá cả sản phẩm hữu cơ đối với người tiêu dùng cũng khó.
“Tuy nhiên, xu thế thời đại của chúng ta hiện nay là xu thế của sản phẩm hữu cơ rồi. Tức là hiện nay chúng ta đi theo xu thế của người tiêu dùng, kể cả ở Việt Nam và thế giới. Nhất là hiện nay người Việt Nam cũng đã bắt đầu dùng sản phẩm hữu cơ rất nhiều, mặc dù là người tiêu dùng có nói là họ chưa đồng hành với chúng ta về giá cả, còn chê là sản phẩm có giá đắt”, ông Bình nói.
Thế nhưng, theo vị tổng giám đốc này, vẫn có nhiều người tiêu dùng không nghĩ ngợi nhiều đến giá cả mà muốn làm sao có sản phẩm hữu cơ thật sự, là họ sẽ sẵn sàng bỏ tiền ra để mua.
“Bởi vì người tiêu dùng nghĩ rằng sức khoẻ của con người là quan trọng nhất. Chính vì thế, con đường mà chúng tôi đang đi là con đường chú trọng nhất đến vấn đề an toàn cho người tiêu dùng. Chính vì thế mà chúng tôi mới mới đi theo con đường Organic”, ông Bình chia sẻ.
Vị lãnh đạo của Công ty Trung An nhấn mạnh thời kỳ cho tiêu thụ sản phẩm Organic đã đến, đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu thì chắc chắn những người làm Organic sẽ thắng.
3. Nói về lộ trình để nông dân thích ứng dần với nông nghiệp hữu cơ, theo ông Vũ Trọng Khải, chuyên gia độc lập về kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, đó là họ cần được trải qua quá trình sản xuất theo VietGAP, rồi tiến tới GlobalGAP và quản lý sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản.
Ông Khải cho rằng nên có chính sách đầu tư đào tạo đội ngũ “thanh nông tri điền”, nông dân chuyên nghiệp thay thế lớp nông dân “cha truyền con nối”, “lão nông” rồi mới tri điền.
Chỉ có đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, được đào tạo cơ bản mới có đủ năng lực và kỹ năng ứng dụng công nghệ cao, thực hiện GAP, tạo dựng nền nông nghiệp hữu cơ theo quy hoạch của Chính phủ.
Chính họ sẽ là người có nhu cầu tích tụ và tập trung ruộng đất theo cơ chế thị trường và có đủ năng lực quản lý các trang trại sản xuất hàng hoá quy mô lớn theo GlobalGAP và kỹ thuật sản xuất hữu cơ, thành lập và quản lý các hợp tác xã (HTX) đích thực, có nhu cầu và năng lực liên kết với các doanh nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng nông sản.
Về phía doanh nghiệp với tư cách là “nhạc trưởng” của chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ, cần giải quyết 3 vấn đề mà nhà nông không giải quyết được. Thứ nhất là thị trường và thương hiệu. Thứ hai là ứng dụng công nghệ cao. Thứ ba là vốn sản xuất và kinh doanh.
Đối với các HTX làm nông nghiệp hữu cơ, chuyên gia Vũ Trọng Khải nhấn mạnh trước hết phải do những chủ trang trại sản xuất hàng hoá quy mô lớn thành lập và quản lý để giúp các trang trại có được dịch vụ tốt ở cả đầu vào và đầu ra, làm cầu nối liên kết giữa nhà nông với nhà doanh nghiệp, bảo đảm rằng tất cả chủ trang trại thành viên của HTX chấp hành kỹ thuật sản xuất hữu cơ và thực thi hợp đồng liên kết sản xuất với các doanh nghiệp một cách đầy đủ, nghiêm túc.
4. Bàn về chuyện làm nông nghiệp hữu cơ, chuyên gia Trịnh Xuân Vũ (Đại học Nông lâm Tp.HCM) nhấn mạnh, bây giờ quay trở lại với nền nông nghiệp hữu cơ là tất yếu, càng sớm càng tốt. Hiện nay, nông nghiệp hữu cơ không phải là vấn đề của riêng ngành nông nghiệp, bởi đặc thù của sản xuất nông nghiệp là luôn chịu tác động đa chiều. Do vậy, giải pháp cho nông nghiệp hữu cơ phải đồng bộ và mang tính tổng hợp cao.
Giải pháp gì cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam? Trả lời câu hỏi này, chuyên gia Trịnh Xuân Vũ cho rằng, bây giờ coi như chúng ta bắt đầu xây dựng lại một nền nông nghiệp hữu cơ, hay nói cách khác là tạo ra một "sân chơi" mới trong nông nghiệp.
![]() |
Hiệu quả của “sân chơi” Organic sẽ rất cao khi có luật chơi hợp lý |
“Trong xã hội tồn tại nhiều cuộc chơi khác nhau, và cuộc chơi nào cũng cần có luật, bất luận dù to hay nhỏ, nếu không có luật chơi thì không chơi được, làm sao phân biệt được thắng thua? Vậy nên, đối với nông nghiệp hữu cơ, để thành công thì điều trước tiên có lẽ là phải xây dựng luật chơi mới, luật chơi phải đảm bảo được nhiều người tham gia, làm sao thu hút được nhiều người chơi, chứ nếu tạo ra được sân chơi mới mà không có người chơi thì cũng như không”, ông Vũ nói.
Cũng theo vị chuyên gia này, đối tượng chính tham gia sân chơi mới trong sản xuất hữu cơ là ai, đó chính là các nhà quản lý, người nông dân, HTX nông nghiệp và các doanh nghiệp (sản xuất và dịch vụ), các nhà khoa học…
Luật chơi mới này phải: Công khai, hấp dẫn (mang tính khuyến khích, hỗ trợ và động viên là chính). Luật chơi phải thoáng, không gây phiền hà cho người tham gia cuộc chơi, tất nhiên là phải hết sức nghiêm minh, đặc biệt là đối với lĩnh vực độc hại. Nếu ở ngoài thị trường còn tồn tại các sản phẩm độc hại thì thật khó kiểm soát người tiêu dùng.
“Khi có luật chơi mới hợp lý và thoáng thì sẽ có rất đông người tham gia và cuộc chơi sẽ tự vận hành, người chơi sẽ ở thế chủ động trong sản xuất, trong hợp tác, trong tìm kiếm những giải pháp, những kỹ thuật sản xuất thích hợp cần thiết. Hiệu quả của sân chơi sẽ rất cao”, ông Vũ nhấn mạnh.
Thế Vinh