Năm 2017, tăng trưởng GDP dự báo sẽ đạt kế hoạch đề ra là 6,7%, song nhiều ý kiến lo ngại mô hình tăng trưởng chưa bền vững, chưa đi vào chiều sâu và thực chất.
Ts. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, nhận định, điều này khiến Việt Nam phải suy nghĩ nhiều về việc tìm ra giải pháp tăng trưởng kinh tế bền vững.
Mô hình tăng trưởng còn phù hợp?
Theo Ts. Nguyễn Đình Cung, tăng trưởng kinh tế Việt Nam còn cần nhiều giải pháp khi giá trị gia tăng thấp do nhờ vào sự đóng góp của khai khoáng, tăng trưởng của khối ngoại.
“Tăng trưởng thế liệu sang năm còn cao hay không. Giả sử các yếu tố tăng trưởng còn đến sang năm thì giúp cho tăng trưởng đến đâu và nếu không còn, sẽ lấy gì bù đắp để có tăng trưởng?”, ông Cung nói.
Đáng chú ý, theo ông Cung, Việt Nam hiện có chênh lệch về tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tăng trưởng thu nhập quốc dân (GNI), khi tăng trưởng GDP luôn cao, tăng trưởng GNI lại thấp, nên có khoảng cách khá xa. Sự chênh lệch này khiến nền kinh tế tăng trưởng nhưng hiệu quả kém, giá trị thấp, hệ số sử dụng tài nguyên, vốn cao nhưng hiệu quả thấp.
Cùng với đó, nền kinh tế đang có rất nhiều bài toán đặt ra cần giải quyết như: Xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém cần giải pháp nào tạo nên sự khác biệt so với hiện nay; Dư địa để cải tạo chính sách tài khóa nằm ở đâu; Tăng thu để giảm bội chi, giảm nợ công làm trước, hay giảm chi thường xuyên để tăng đầu tư và giảm nợ công…
Theo ông Cung, năm 2016, Việt Nam còn giảm tiết kiệm 10%, giờ không còn dư địa để tiết kiệm nữa, nên nhiều người nói giảm bằng cách giảm chi thường xuyên, để giảm bội chi và giảm nợ công.
“Đây là việc làm trước mắt, chúng ta không thể tiếp tục chi cao để bội chi liên tục thế này được nữa”, ông Cung nói.
Đồng thời, Việt Nam có thể xem xét giảm lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay, thiết lập mặt bằng lãi suất mới phù hợp hơn, đối với mọi ngành và lĩnh vực, mà không phải chỉ cho những ngành ưu tiên.
PGs.Ts. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính, đánh giá sau nhiều năm theo đuổi mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên mở rộng đầu tư, chi tiêu công của Việt Nam liên tục được duy trì ở mức cao, thâm hụt ngân sách nhà nước nhiều năm ở mức gần 5% đã làm phát sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng tới ổn định vĩ mô nền kinh tế như: lạm phát cao và bất ổn, tăng trưởng chậm do hiệu quả sử dụng nguồn lực thấp, đầu tư dàn trải.
“Do duy trì quy mô ngân sách lớn hơn mức hợp lý, trong khi nguồn thu ngân sách không đủ để bù đắp, nên
Chính phủ buộc phải chấp nhận vay nợ và hệ quả là mức nợ công tăng nhanh trong vài năm gần đây. Tình trạng này cũng khiến Chính phủ không có nhiều không gian tài khóa cho việc thực hiện các biện pháp kích cầu cần thiết khi nền kinh tế rơi vào tình trạng khó khăn”, ông Cường nhận xét.
Theo ông Cường, các xu hướng chi tiêu ngân sách nhà nước cần được theo dõi chặt chẽ hơn trong thời gian tới để đảm bảo các xu hướng không thuận lợi như hiện nay không gây trở ngại về hiệu suất chi, sự gắn kết giữa mức chi với các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và phát triển con người, đảm bảo công bằng và hiệu suất.
“Việt Nam đang phải chịu chi phí vận chuyển quá cao, chiếm 30 – 40% giá thành sản phẩm, trong khi tỷ lệ này chỉ khoảng 15% ở các quốc gia khác”.
Gánh nặng chi phí
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều rào cản về tăng trưởng, đáng báo động là gánh nặng chi phí mà DN đang phải chịu. Báo cáo của Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam cho thấy, chi phí dịch vụ logistics của Việt Nam rất cao, tương đương khoảng 21% GDP năm 2014 (với Trung Quốc tỷ lệ này là 17,8% năm 2011), trong khi với các nước phát triển chi phí này chỉ chiếm khoảng 10 – 14% (như Singapore là 9%).
Theo Ngân hàng Thế giới, “Việt Nam đang phải chịu chi phí vận chuyển quá cao, chiếm 30 – 40% giá thành sản phẩm, trong khi tỷ lệ này chỉ khoảng 15% ở các quốc gia khác”. Điều này làm giảm đáng kể khả năng cạnh tranh về hàng hóa của các DN Việt Nam so với các quốc gia khác.
Công ty tư vấn ALG cho biết, chi phí vận tải chiếm tỷ trọng rất lớn (trên 30%) trong tổng chi phí logistics, đồng thời một số ngành hàng có tổng chi phí logistics chiếm tỷ trọng trên 30% trong tổng giá thành hàng hóa như gạo, rau quả và nội thất. Do đó, để xem xét giải pháp giảm chi phí logistics của Việt Nam, trước tiên cần chú trọng cải thiện và giảm chi phí vận tải.
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) cũng cho biết, ước tính chi phí vận tải hiện nay gồm: xăng dầu chiếm khoảng 30 – 35%, phí cầu đường khoảng 10% và chi phí không chính thức khoảng 3 – 5%.
Chi phí này tùy theo từng công ty và cung đường vận tải. Ví dụ, hiện nay xe vận tải vào Hải Phòng, riêng chi phí cầu đường và không chính thức chiếm tới 30%, cao hơn nhiều so với phí xăng dầu.
DN vận tải cũng thống kê, đưa ra mức phí BOT tuyến Bắc Nam cho một xe tải container chiếm tới 93 triệu đồng (tuy nhiên, Tổng cục đường bộ giải thích là chỉ hết 4,8 triệu đồng). Trong khi đó, tổng số trạm thu phí BOT cả nước 87 trạm như vậy tạo áp lực lớn từ phí BOT lên chi phí vận tải nội địa.
Về vấn đề này, theo ông Cung, thời gian qua có hàng loạt báo cáo của Kiểm toán Nhà nước nêu ra và yêu cầu phải xử lý BOT, trong đó có trách nhiệm và chịu trách nhiệm cá nhân, tổ chức song đến nay quy định này vẫn chưa được làm sáng tỏ.
“Quá nhiều vi phạm phổ biến từ năm nay sang năm khác. Tôi cảm nhận BOT của ta đang là thu thuế chứ không phải là thu phí đường. Đây là những sai sót cần xử lý để tạo sự công bằng, tin cậy của thị trường, người dân và DN về chính sách quản lý của Nhà nước”, ông Cung nêu quan điểm.
Cũng theo ông Cung, vấn đề BOT như hiện nay không tìm được ai chịu trách nhiệm nên không thể xử lý. Vì vậy, muốn nâng cao hiệu quả đầu tư, đầu tiên phải quy trách nhiệm cá nhân, cơ quan liên quan đến vi phạm.
Đồng thời cách thức hiệu quả và thiết thực nhất để nâng cao hiệu quả đầu tư công là phải xử lý những thứ “sờ sờ ra đấy” đang không xử lý được, để nó xảy ra từ năm này qua năm khác.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến nghị, Chính phủ cần tạo áp lực và trách nhiệm đối với các bộ chuyên ngành để giảm bớt ít nhất 1/3 – 1/4 số điều kiện kinh doanh, loại bỏ ít nhất 1/2 số hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành xuất, nhập khẩu và thay đổi cơ bản cách thức quản lý nhà nước, cũng như tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, “mỗi năm DN chỉ chịu kiểm tra không quá một lần”.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương
Nếu không có những thay đổi tích cực và giải pháp mạnh mẽ hơn nữa, gánh nặng của các chi phí không chính thức bên cạnh các chi phí logistics sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giá thành hàng hóa và là rào cản ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí chuỗi giá trị hàng hóa của Việt Nam, cũng như tới năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường nội địa và quốc tế.
Năm 2018 tiếp tục phải là năm giảm chi phí cho DN, giảm chi phí logistics, chi phí lãi vay, bảo hiểm xã hội, không tăng lương theo mệnh lệnh hành chính kiểu đến hẹn lại tăng mà nếu có tăng, cũng không tăng quá tốc độ tăng năng suất lao động. Việc này nên theo thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động hơn là theo quyết định của một hội đồng. Chính sách tài khóa có vai trò quan trọng trong ổn định và tăng trưởng kinh tế. Đã đến lúc Việt Nam cần có sự đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, nhằm hướng tới việc xây dựng một ngân sách bền vững, hiệu quả. Dù hiện nay, quy mô nợ công của Việt Nam vẫn được coi là trong ngưỡng an toàn song với việc duy trì thâm hụt ngân sách nhiều năm ở mức xấp xỉ 5% GDP, trong khi hiệu quả chi tiêu công ngày càng kém thì nguy cơ mất ổn định tài khóa không chỉ là cảnh báo. |