Trước thực tế này, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao nhiệm vụ cho các Bộ, cơ quan liên quan chuẩn bị tổ chức hội nghị về logistics vào tháng 4.
Cụ thể, Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng báo cáo tổng hợp về các giải pháp giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông.
DN “đau đầu” vì chi phí logistics
Thực tế hiện nay, một vấn đề khiến các doanh nghiệp (DN) “đau đầu” nhất là chi phí logistics của Việt Nam quá cao. Số liệu của Amstrong and Associates (2016) công bố cho thấy tổng chi phí logistics của Việt Nam năm 2016 là 40,3 tỷ USD, chiếm 20% GDP, cao hơn Trung Quốc (14,5% GDP) và các nước trong khu vực ASEAN (Singapore là 8,5%, Malaysia và Philippines: 13%, Thái Lan: 15%) và cao hơn hẳn các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương (trung bình 12,7%).
Theo Bộ Công Thương, các DN thuộc khu vực tư nhân sử dụng chủ yếu hình thức vận tải đường bộ trong hoạt động kinh doanh. Vận tải hàng hóa đường bộ chiếm tới hơn 70% tổng khối lượng hàng hóa.
Tuy nhiên, chi phí vận tải hàng hóa bằng đường bộ quá cao, gồm chi phí nhiên liệu 30 – 35%; phí BOT chiếm 30 – 35% (trong đó, BOT Bắc – Nam chiếm 15%, BOT Hải Phòng – Hà Nội chiếm 30%), phí tiêu cực (chi phí không chính thức – “bôi trơn” chiếm 5%).
Hiệp hội Logistics chỉ ra ví dụ như tuyến Hải Phòng – Tp.HCM dài 1.900km, tổng chi phí vận chuyển và xếp/dỡ đối với đường bộ là 34 triệu đồng/TEU (đơn vị của container tính theo dung tích) và 37 triệu đồng/FEU (2 TEU được quy như là 1 FEU); đối với đường sắt là 12,4 triệu đồng/TEU và 14,3 triệu đồng/FEU; đối với đường biển là 5,2 triệu đồng/TEU và 6,7 triệu đồng/FEU. Ngoài ra, còn có phụ phí 10-20 loại khác nhau. Tổng phụ phí khoảng 350-500 USD/TEU, FEU.
Trong chi phí vận tải đường bộ Việt Nam năm 2017, BOT là một vấn đề nổi cộm. Đối với tuyến đường ngắn, phí cầu đường (BOT) thậm chí còn cao hơn chi phí xăng dầu.
Theo tính toán của Hiệp hội Vận tải hàng hóa Tp.HCM, ngoài các loại phí cố định, giờ đây, phí cầu đường BOT thậm chí còn cao hơn cả chi phí nhiên liệu cho quãng đường vận chuyển vì các trạm thu phí dày đặc.
Ví dụ, khi chở hàng từ các cảng ở quận 7, Tp.HCM đi Vũng Tàu, chi phí nhiên liệu khoảng 750.000 đồng cho 60 lít dầu, nhưng phí cầu đường cho cả lượt đi và về là 800.000 đồng.
Hay quãng đường từ các cảng ở quận 7 xuống Biên Hòa – Đồng Nai, tiền phí qua trạm BOT lên tới 560.000 đồng (cả đi và về), trong khi chi phí nhiên liệu chỉ chiếm 437.000 đồng cho 35 lít dầu.
Đáng chú ý, chỉ có 35,5% DN rất ít khi phải trả các khoản phí không chính thức cho các cơ quan chức năng khi tiến hành vận tải hàng hóa; trong khi có tới 17% DN thường xuyên phải trả các khoản phí này và đánh giá mức độ trở ngại do các khoản phí không chính thức đến hoạt động kinh doanh của DN ở mức cao và rất cao.
Ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch HĐQT HTX Rạch Gầm, Chủ tịch Hội Vận tải thuỷ nội địa Việt Nam, cho biết hiện có 2 “tiêu cực phí” mà các DN thường phải chịu gồm: “phí đường” phải chi dọc đường đối với lực lượng kiểm tra trên hành trình của phương tiện; tiền bồi dưỡng cho công nhân bốc dỡ hàng hóa ở các cảng.
Trong khi đó, việc phải chịu phí logistics quá cao đang làm giảm sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam trên thị trường thế giới. Ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết tại thị trường này, xoài Việt có lợi thế hơn xoài của Nhật Bản, Thái Lan về hương vị, độ ngọt, nhưng giá xoài Việt Nam hiện lại cao hơn xoài Thái một phần vì khâu vận chuyển.
“Dù gần hơn một số nước trong khu vực nhưng giá vận chuyển cao nên đẩy giá thành xoài của Việt Nam lên cao. Đây là lý do khiến các nhà nhập khẩu của Nhật Bản e ngại nhập xoài của chúng ta”, ông Minh cho biết.
Chi phí logistics của Việt Nam luôn ở mức cao so với các nước trong khu vực và thế giới |
Có giảm được không?
Ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ GTVT, thừa nhận chi phí logistics của Việt Nam vào khoảng 20-21% GDP, đứng thứ 4 trong các nước ASEAN. Trong tổng chi phí logistics hiện nay, liên quan đến lĩnh vực GTVT chiếm khoảng 59-60%.
Có điều, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng tỷ lệ này là bình thưởng, bởi ngay ở Mỹ, chi phí vận tải trong tổng chi phí logistics cũng khoảng 55-63%. Tuy nhiên, chúng ta còn nhiều cơ hội và giải pháp để giảm chi phí logistics.
Theo ông Công, có 5 phương thức vận tải (đường sắt, đường bộ, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không) nhưng chưa phát huy được hai lĩnh vực có khối lượng vận tải lớn là đường thuỷ nội địa và hàng hải. Chưa kể đến việc các nhà máy sản xuất, tiêu thụ, các khu công nghiệp các vùng kinh tế lại nằm sâu trong nội địa dẫn đến chi phí vận tải ra đến cảng biển cao.
“Chúng ta cần có các giải pháp đồng bộ đầu tư hệ thống giao thông phù hợp chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, quan trọng là phải xây dựng được các hành lang vận tải đa phương thức, làm sao để kết hợp được các phương thức vận tải khác nhau để giảm chi phí vận tải”, ông Công cho biết.
Còn theo nghiên cứu của trường Đại học Kinh tế Quốc dân, việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng đáp ứng các nhu cầu logistics sẽ giúp cho hoạt động này ngày càng tăng trưởng và phát triển nhanh chóng, đồng thời sẽ giúp kéo giảm các chi phí cơ sở hạ tầng logistics cho các DN và qua đó làm gia tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chính phủ cần có những biện pháp để rút ngắn thời gian và giảm chi phí cơ sở hạ tầng logistics.
Cũng như cần có chính sách hợp lý để giảm chi phí vận tải đường bộ, tập trung vào giảm ùn tắc và giảm phí cầu đường (BOT). Cần thắt chặt quy định về vận tải đường bộ, chú trọng vào nâng cao trình độ lái xe, quy định về đăng kiểm và tải trọng, loại bỏ những xe container, xe moóc quá tải.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cũng cho rằng Chính phủ cần có lộ trình rõ ràng về cải cách nếu muốn nâng cao chất lượng dịch vụ logictics theo những đòi hỏi tăng lên của một nền kinh tế ngày càng hiện đại.
Trong nhiều lĩnh vực sẽ cần có những nhóm giải pháp như tăng cường đáng kể đầu tư vào cơ sở hạ tầng để tăng cường kết nối, tạo thuận lợi thương mại, tiết giảm thời gian và chi phí lưu thông cho DN.
Lê Thúy
Ông Đào Trọng Khoa - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam Cắt giảm phí vận tải là việc phải làm trước tiên, vì đây là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến tổng chi phí dịch vụ logistics và dễ tạo ra chi phí tiêu cực. Nhà nước cần cắt giảm chi phí chính thức và minh bạch hoá phí BOT, xóa bỏ các chi phí ngầm trong vận tải đường bộ. Đồng thời tiến hành cơ cấu lại vận tải, nâng cao khả năng vận chuyển hàng hoá của các phương thức giá rẻ như đường thuỷ, đường sắt. Ông Tô Trung Thàn - Đại học Kinh tế Quốc dân Chính phủ cần những biện pháp quyết liệt để giảm các khoản chi phí không chính thức, đồng thời cần hạn chế tính độc quyền trong quá trình khai thác các hệ thống giao thông. Nhà nước cần mở cửa hơn nữa cho các nhà đầu tư và các DN thuộc các thành phần kinh tế ở trong và ngoài nước được tham gia khai thác và vận hành các cơ sở hạ tầng logistics. Ông Nguyễn Văn Công - Thứ trưởng Bộ GTVT
Bộ GTVT sẽ cùng các Bộ, ngành tiếp tục triển khai chủ trương kiểm soát chặt chẽ tải trọng phương tiện để đảm bảo bình đẳng giữa các phương thức vận tải. Hiện, chúng ta đã làm rồi nhưng cần phải tiếp tục làm hiệu quả hơn, lúc đó các DN sẽ không chọn đường bộ nữa mà chuyển sang đường thuỷ có chi phí thấp hơn. |