Ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) bưởi da xanh Giồng Trôm (ở huyện Giồng Trôm, Bến Tre), cho biết sản phẩm của HTX hiện đã đạt tiêu chuẩn VietGAP và được chứng nhận OCOP đạt 4 sao trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Bến Tre.
Rộng cửa cho nông sản sạch
Nhờ vào đó, theo ông Bảy, bưởi da xanh của HTX đang được tiêu thụ rộng rãi ở nhiều siêu thị trong cả nước và cung cấp cho các nhà phân phối trong nước. Tuy nhiên, đến nay HTX vẫn chưa thể xuất khẩu (XK) và mong muốn tham gia làm tiêu chuẩn LocalGAP để hàng hoá được xuất sang nhiều quốc gia.
Với “bước đệm” như tiêu chuẩn Localg.a.p sẽ giúp trái cây của các nông trại nhỏ có nhiều cơ hội vươn ra thị trường quốc tế. |
Tại buổi giao lưu trực tuyến mới đây giữa các DN, HTX trong ngành nông sản ở các tỉnh, thành phía Nam với ông Ben Horsbrugh, lãnh đạo phụ trách quan hệ khách hàng và thành viên của Tổ chức GlobalGAP, ông Bảy bày tỏ sự băn khoăn là quá trình từ việc đạt chuẩn VietGAP và OCOP 4 sao thì khi chuyển qua tiêu chuẩn LocalGAP liệu có thách thức gì hay không, bởi HTX đang muốn tiến lên một bước xa hơn nữa về chuẩn hội nhập nhằm đưa trái bưởi da xanh ra thị trường châu Âu.
Ông Ben Horsbrugh cho rằng tiêu chuẩn LocalGAP có những nội dung phù hợp với thực hành sản xuất tốt cho trái bưởi da xanh của HTX hay các nông trại nhỏ. Điểm đặc biệt là khi thực hiện LocalGAP thì HTX, nông trại nhỏ sẽ được cấp 13 ký tự để tạo sự minh bạch về thông tin (khác biệt hơn so với VietGAP) và quảng bá tốt hơn nhằm phục vụ thương mại hoá sản phẩm ra nước ngoài.
“Thế nhưng, thách thức lớn trong chuyển tiếp từ VietGAP sang LocalGAP là việc tuân thủ, đánh giá, kiểm tra. Việc triển khai thực hiện là rất quan trọng, đòi hỏi cần có những đánh giá khách quan về mặt tiêu chí mà phía HTX, nông trại đang thực hiện”, ông Ben Horsbrugh nói.
Còn theo bà Nguyễn Kim Thanh, chuyên gia quản lý chuỗi sản xuất nông nghiệp, để LocalGAP khả thi với các HTX, nông trại nhỏ thì phải suy nghĩ về chất lượng hơn số lượng.
Bà Thanh giải thích, những HTX có từ vài chục đến hơn 100 thành viên, nhưng không phải tất cả đều đồng lòng. Nên có thể chấp nhận ít thành viên tham gia nhưng họ đồng lòng, khi áp dụng thành công và có thị trường, sẽ quay lại thuyết phục những thành viên khác tham gia sẽ dễ hơn.
Bên cạnh đó, cũng theo bà Kim Thanh, các chế tài quản lý sự tuân thủ của các thành viên trong HTX cần được thực hiện nghiêm túc. Hiện nay, một số HTX bắt đầu chuyên nghiệp, thuê người ngoài về quản lý, khi đó sẽ tránh được những việc làm cả nể, và việc làm tiêu chuẩn sẽ dễ dàng hơn.
Mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu
Ở Tp.HCM, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cũng vừa ra mắt Platform (cổng thông tin) chuẩn hội nhập kết nối với khách hàng thế giới nhằm thu hút các HTX, các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ trong lĩnh vực nông sản đầu tiên đạt chuẩn LocalGAP, được cấp LGN (localgap number) và công bố trên trang chủ của tổ chức LocalGAP, như “tấm giấy thông hành đầu tiên về tiêu chuẩn mà qua đó, các nhà bán lẻ thế giới nhận diện và tin cậy giao tiếp, mua hàng.
Platform này sẽ giúp kết nối HTX, DN, nông trại nhỏ với khách hàng thế giới xuất phát từ việc: Cần có một nền tảng kết nối lực lượng DN, HTX, nông trại nhằm hình thành cộng đồng những DN, HTX, nông trại đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Nhất là thông qua đó thì các DN, HTX, nông trại sẽ có những bài huấn luyện về chuyển đổi số, cách kinh doanh qua mạng, cách thức đảm bảo chất lượng-tiêu chuẩn, chia sẻ thông tin về thị trường, cơ hội kinh doanh mua bán...
Ông Phạm Việt Anh, đại diện GlobalGAP Việt Nam, cho biết LocalGAP (có tên chuyên môn là PFA – Chuẩn cho nông trại cơ bản) là “bước đệm” làm trung chuyển giữa tiêu chuẩn VietGAP (ứng dụng trong nước) và tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP.
Theo đó, tiêu chuẩn này nhằm tạo thuận lợi cho nông trại nhỏ, nhóm chiếm hơn 70% trong cơ cấu nông nghiệp của Việt Nam, có thể tham gia XK.
“Chúng tôi sẽ có những cán bộ tư vấn ở địa phương, được cấp phép, họ sẽ là những người “cầm tay chỉ việc” cho các nông trại địa phương làm các tiêu chí trong LocalGAP. Chúng tôi cũng đang phối hợp với nhiều nước trên thế giới để thực hiện tiêu chuẩn này”, ông Phạm Việt Anh nói.
Giới chuyên gia cho rằng để nông sản của nông trại nhỏ, HTX, DN vừa nhỏ vươn ra thị trường thế giới thì cần khuyến khích sản xuất theo hệ thống quy chuẩn VietGAP, GlobalGAP và “bước đệm” như LocalGAP. Nhất là cần có sự quản lý chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ, số lượng, chất lượng sản phẩm, xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu sản phẩm của mình trên thị trường.
Còn theo một số DN trong ngành hàng nông lâm thuỷ sản thì nhiều nông dân, nông trại trong nước đang khẳng định được năng lực thực hiện để đạt những tiêu chuẩn thế giới, không chỉ là LocalGAP mà còn là GlobalGAP và đáp ứng xu hướng sản xuất sạch để vươn ra thị trường quốc tế.
Với vai trò giám đốc chứng nhận tại của Việt Nam của Bureau Veritas (tổ chức đánh giá chứng nhận toàn cầu), bà Lưu Thị Mai Hương khẳng định với tiêu chuẩn LocalGAP sẽ mở ra cơ hội cho DN, nông trại, HTX ở quy mô vừa và nhỏ từng bước tiệm cận đáp ứng nhu cầu tiêu chuẩn quốc tế để nâng tầm cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Thế Vinh