Theo báo cáo của Hiệp hội Dệt may về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào ngành dệt may Việt Nam, 5 tháng đầu năm 2019 có 63 dự án với số vốn khoảng 700 triệu USD, trong đó có 17 dự án từ Trung Quốc với vốn đăng ký 205 triệu USD; Hàn Quốc có 12 dự án, vốn đăng ký 22 triệu USD…
Lũy kế đến tháng 5/2019, tổng số vốn FDI đầu tư vào dệt may lên tới 18,6 tỷ USD. Trong đó, Hàn Quốc có 429 dự án, vốn 4,73 tỷ USD; Đài Loan: 126 dự án và 1,97 tỷ USD; Hong Kong: 134 dự án và 2,1 tỷ USD.
Giành giật đơn hàng
Đáng lẽ với nguồn vốn ngoại khổng lồ như vậy, ngành dệt may Việt Nam đã có thể tận dụng để hoàn thiện chuỗi giá trị, xây dựng nguồn nguyên liệu bền vững. Song đáng tiếc, đa phần dự án FDI đầu tư vào dệt may thời gian qua đều nhắm tới phân khúc may, cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp (DN) nội.
Tại báo cáo về ngành dệt may mới đây, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), đã chỉ ra một lo ngại, đó là thị trường xuất khẩu (XK) ngày càng được mở rộng với nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) nhưng nhiều DN dệt may Việt Nam lại rơi vào tình cảnh “đói” đơn hàng.
Đáng chú ý, các DN FDI tạo sự cạnh tranh đáng kể với các DN trong nước về đơn hàng, nguyên liệu đầu vào, lao động…
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) vừa được ký kết, cùng với thương chiến Mỹ – Trung leo thang được dự báo sẽ là cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam tăng tốc, nhưng kết quả 6 tháng đầu năm nay không như kỳ vọng.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may – Thêu đan Tp.HCM, cho hay kim ngạch XK ngành dệt may cả nước dù có tăng nhưng mức tăng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2018 (tăng tới 17%). Phần lớn đơn hàng về tay các DN có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi nhiều DN Việt Nam rơi vào tình cảnh “khát” đơn hàng.
Nghiên cứu về ngành dệt may, báo cáo của CTCP Chứng khoán Sacombank dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển sản xuất gia công may mặc ra khỏi Trung Quốc sang các quốc gia láng giềng. Tuy nhiên, trong dài hạn, DN cần có giải pháp đi sâu vào chuỗi giá trị, bởi những lợi thế về chi phí của Việt Nam sẽ mất dần và gặp áp lực cạnh tranh lớn từ Campuchia, Bangladesh.
Chưa kể, áp lực từ chính các DN FDI may mặc dịch chuyển từ Trung Quốc sang nhằm tận dụng cơ hội về ưu đãi thuế quan ngày càng tăng. Trong khi đó, các DN may trong nước chủ yếu làm gia công theo hình thức hợp đồng gia công CMT, tạo ra giá trị gia tăng thấp và chịu áp lực cạnh tranh từ các nước mới nổi, chưa tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Trên thực tế, chỉ có một số DN lớn ngành may mặc Việt Nam có khả năng cạnh tranh với các DN FDI. Không chỉ về đơn hàng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho biết, các DN FDI vào Việt Nam cạnh tranh lao động với các DN trong nước. DN FDI sẵn sàng bỏ ra một mức chi phí cao hơn lương của các DN nội đang trả và điều đó sẽ tạo ra sự cạnh tranh, là thách thức của DN Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn May Hồ Gươm, cho rằng các DN dệt may đang phải cạnh tranh bình đẳng và sòng phẳng không chỉ với các DN nước ngoài, mà còn với DN FDI.
Cần chọn lọc FDI vào ngành dệt may |
Chọn lựa dự án FDI
“Ngành dệt may là ngành sử dụng nhiều lao động, mặc dù công nghiệp 4.0 giảm đi rất nhiều lượng lao động trong các nhà máy, nhưng nhìn chung ngành này vẫn còn cần rất nhiều lao động. Khi DN nước ngoài ồ ạt vào thị trường Việt Nam sẽ khan hiếm lao động và rất khó cho ngành dệt may tuyển được lao động mới nếu như không có thu nhập cao”, ông Trịnh cho biết.
Các con số thống kê cho thấy khối DN FDI đang chiếm gần 70% giá trị XK ngành dệt may, vì vậy nhà đầu tư trong nước cần làm chủ tình hình. Hiện, ngành dệt may Việt Nam có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ tạo công ăn việc làm, thúc đẩy XK mà còn tạo ra nhiều doanh nhân.
Với sự cạnh tranh gay gắt từ DN FDI, DN dệt may trong nước cần nâng cao năng suất cũng như chất lượng của sản phẩm, chấp nhận đầu tư để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Ngoài ra, nâng cao năng lực quản trị sẽ giúp DN tiết kiệm chi phí. Trong ngành dệt may, hưởng lợi nhiều nhất là khâu đầu và khâu cuối, tức là khâu thiết kế và khâu marketing. Nếu như DN trong nước không dần lớn lên để tham gia chuỗi mà chỉ tham gia ở những khâu thấp nhất thì lợi ích thu được rất ít.
Mặt khác, về vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài, nhiều DN may mặc và chuyên gia cho rằng thời điểm này, Việt Nam nên chọn lọc vốn FDI vào ngành dệt may. Thay vì tiếp tục thu hút vào khâu may cần phải đẩy mạnh hút vốn vào khâu dệt nhuộm – là khâu mà ngành dệt may Việt Nam đang thiếu.
Theo Gs.Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, khâu may mặc tạo ra nhiều việc làm và phù hợp với khả năng của các DN trong nước, vì vậy không nên thu hút thêm đầu tư nước ngoài. Với khâu dệt, nhuộm thì có thể nhưng chọn vị trí đầu tư, yêu cầu môi trường khắt khe, lựa chọn những dự án có công nghệ đặc biệt.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá việc tham gia CPTPP, EVFTA không chỉ là cơ hội để dệt may tăng trưởng XK mà còn là thời cơ để thu hút nguồn vốn FDI chất lượng, hoàn thiện chuỗi giá trị của ngành may mặc trong nước, đó là ngành dệt nhuộm.
Thời gian gần đây cũng đã có nhiều dự án FDI lớn đầu tư vào khâu nguyên liệu trong ngành dệt may như năm 2018, một tập đoàn của Đức đã đầu tư vào nhà máy kéo sợi len lông cừu tại Tp. Đà Lạt, một DN của Israrel vừa đầu tư một nhà máy tại Bình Dương từ kéo sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất và may.
Ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh đây là một trong những thời cơ để ngành dệt may Việt Nam phát triển bền vững. Dệt may Việt Nam sẽ có rất nhiều lợi thế từ những dòng đầu tư từ trong nước hay đầu tư từ các nguồn vốn FDI nếu chú trọng thu hút vào khâu dệt nhuộm. Có thể xây dựng các khu công nghiệp chuyên biệt về dệt nhuộm để hút vốn FDI, tránh tình trạng nhà đầu tư nản lòng vì đi đâu cũng bị từ chối do lo sợ ô nhiễm môi trường. Đối với các địa phương, đây là cơ hội của cả nước chứ không phải một ngành, vì vậy đừng vì lo ngại thiếu căn cứ mà vội vàng từ chối các dự án trên.
Lê Thúy
Ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh xây dựng hệ thống cung cấp thông tin để hỗ trợ cho DN ngành dệt may về thị trường (đặc biệt là thông tin về các nhà mua hàng lớn), sản phẩm, giá cả, nguồn cung cấp nguyên liệu, chi tiết bán thành phẩm, máy móc sản xuất, nguồn lao động và các FTA. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là triển khai chương trình kết nối kinh doanh giữa DN FDI và DN trong nước, giữa DN thượng nguồn với trung nguồn và hạ nguồn. Ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam Năm 2018, ngành dệt may XK đạt 36 tỷ USD nhưng tỷ trọng khối FDI đóng góp tới 65%. Những năm qua, nhờ chi phí sản xuất cạnh tranh và chính sách ưu đãi, Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư ngành công nghiệp dệt may, nhưng phần lớn DN dệt may tại Việt Nam chỉ tập trung đầu tư sợi, may mà chưa mặn mà với nhuộm, hoàn tất vải. Ông Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân Chúng ta có lĩnh vực rất lợi thế như dệt may nhưng hiện ngành này chủ yếu rơi vào tay các DN nước ngoài mà chúng ta chỉ là người gia công thì cần xem lại. |