Trong bối cảnh gián đoạn sản xuất kinh doanh do đại dịch Covid-19 đợt 4 gây nên, ngày 23/8, IFC - thành viên Nhóm Ngân hàng Thế giới, cho biết trong 12 tháng qua, IFC đã thúc đẩy các hoạt động tài trợ thương mại và tài trợ chuỗi cung ứng.
Nỗi lo hạn chế về thanh khoản
Điều này nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, nhất là DN trong ngành dệt may và nông sản, tiếp tục hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và duy trì việc làm.
Nhu cầu về tài trợ chuỗi cung ứng của DN Việt tăng đột biến trong giai đoạn đại dịch Covid-19. |
Cụ thể, trong 12 tháng qua, hoạt động tài trợ này đã giúp 6 ngân hàng tại Việt Nam nâng cao năng lực đảm bảo rủi ro thanh toán trong tài trợ thương mại cho các DN trong nước, chủ yếu là DN nhỏ và vừa.
Với sự hỗ trợ của IFC, các ngân hàng đã phát hành 974 bảo lãnh với tổng giá trị 686 triệu USD để hỗ trợ cho gần 2.000 nhà xuất khẩu và nhập khẩu.
Bà Võ Hằng Phương, Giám đốc Trung tâm Định chế Tài chính và Ngân hàng Giao dịch của một ngân hàng thương mại cổ phần, cho biết hoạt động tài trợ này giúp ngân hàng mở rộng việc giãn lịch thanh toán cho thêm nhiều khách hàng hơn.
“Đồng thời, cho phép chúng tôi cấp các khoản tài trợ mới cho các DN nhỏ và vừa bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho lưu chuyển hàng hóa xuyên biên giới được thông suốt, giúp giảm bớt khó khăn về thanh khoản”, bà Phương nói.
Theo đánh giá, nhu cầu về tài trợ chuỗi cung ứng đã tăng "đột biến” trong giai đoạn đại dịch khi các nhà cung cấp ở Việt Nam bị hạn chế về thanh khoản do gián đoạn chuỗi cung ứng.
Nhằm ứng phó với tình trạng này, tổng tài trợ chuỗi cung ứng của IFC đã tăng thêm 28% trong năm tài chính 2021, giúp 31 DN may mặc và nông nghiệp ở Việt Nam duy trì hoạt động và đảm bảo hơn 100.000 việc làm.
Theo ông Hà Văn Tiến, Giám đốc Tài chính CTCP May Sơn Hà, cơ chế tài trợ chuỗi cung ứng đã giúp hỗ trợ các nhà cung cấp chuyển đổi các khoản phải thu thành tiền mặt ngay sau khi bên mua phê duyệt khoản phải thu.
“Điều đó đã giúp chúng tôi nhận tiền thanh toán hóa đơn nhanh, giải quyết áp lực quay vòng vốn trong quản lý dòng tiền trong bối cảnh thương mại toàn cầu bị gián đoạn”, ông Tiến chia sẻ.
Giới chuyên gia cho rằng, với tình trạng kéo dài thời gian giãn cách xã hội trong dịch Covid-19 đợt 4, việc hỗ trợ DN tích lũy vốn lưu động và tăng cường hoạt động thương mại khi chu kỳ sản xuất phục hồi và nền kinh tế được tái thiết sau khủng hoảng là điều cực kỳ quan trọng. Điều này nhằm góp phần duy trì sự luân chuyển hàng hóa thông suốt - đóng vai trò quan trọng với hoạt động của DN, và ổn định việc làm tại Việt Nam.
Cần giúp doanh nghiệp đủ “sức khỏe”
Bởi lẽ, theo Ts. Bùi Duy Tùng, chuyên gia kinh tế Đại học RMIT, đây là một cuộc khủng hoảng kép tác động nền toàn bộ các thành phần của nền kinh tế từ khu vực sản xuất hàng hóa dịch vụ (phía cung) đến khu vực tiêu dùng (phía cầu).
Tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng đột biến, đặc biệt là thất nghiệp tự nhiên, kéo theo sản lượng tiềm năng của nền kinh tế sẽ giảm. Nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ bị suy thoái tạm thời.
Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng, các chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ được linh hoạt ban hành để chống lại suy thoái. Các chính sách này thường hướng đến việc hỗ trợ, giúp DN đủ “sức khỏe” để vượt qua đại dịch.
Qua trao đổi với VnBusiness, nhiều chủ DN cho biết tác động nặng nề của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 này khiến cho sức chống chịu của họ càng lúc càng mỏng và đối mặt tình trạng dòng tiền cạn kiệt. Và DN rất cần có những giải pháp hiệu quả, tương tự như việc thúc đẩy tài trợ thương mại và chuỗi cung ứng, nhằm giúp họ thoát cảnh đổ vỡ.
Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN nhằm hỗ trợ DN chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, Ts. Bùi Duy Tùng cho rằng, việc miễn, giảm lãi suất để hỗ trợ các DN trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 phụ thuộc vào tiềm lực tài chính, khả năng đảm bảo an toàn vốn cũng như khả năng thanh khoản của mỗi ngân hàng.
Chuyên gia của RMIT nhìn nhận, từ đầu năm 2021 đến nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên các mức lãi suất điều hành này tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Theo đó, các ngân hàng thương mại điều chỉnh lãi suất đầu vào hay đầu ra phù hợp với thị trường và tình hình hoạt động của từng ngân hàng.
Việc hạ lãi suất cho vay, đặc biệt trong lúc này cũng là biện pháp điều hành linh hoạt phù hợp, nhằm mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Ngoài ra, Ts. Bùi Duy Tùng cho biết, các ngân hàng thương mại sẽ đánh giá địa bàn khu vực, ngành nghề, đối tượng cụ thể để có định hướng tín dụng phù hợp với khẩu vị rủi ro của từng ngân hàng. Trên cơ sở đó, các ngân hàng thương mại sẽ ban hành các chính sách hoặc sản phẩm tín dụng, cụ thể hóa các tiêu chí điều kiện tín dụng để tiếp cận tín dụng đáp ứng nhu cầu hợp pháp của phía DN trong lúc khó khăn hiện nay.
Thế Vinh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.