Tại buổi tọa đàm trực tuyến ngày 18/8, bàn về việc ngành hải quan đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó giữa làn sóng dịch Covid-19 đợt 4, ông Nguyễn Trường Giang, Phó cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Bình Dương, cho biết do tình hình dịch Covid-19 đợt 4 bùng phát mạnh dẫn đến số lượng khai báo hàng hóa xuất nhập khẩu trong tỉnh sụt giảm nghiêm trọng.
Doanh nghiệp đang rất yếu
Cụ thể, như từ ngày 15/7 đến 15/8/2021 số tờ khai hải quan ở Bình Dương đã sụt giảm trên 42% so với 30 ngày trước đó. Số kim ngạch xuất nhập khẩu cũng giảm trên 30%.
Bên cạnh ùn ứ tại cảng Cát Lái giữa đại dịch Covid-19, các cảng lân cận ở Tp.HCM cũng có nguy cơ ùn tắc khi mà năng lực, sức chứa có giới hạn. |
“Qua đó cho thấy giữa dịch bệnh thì tình hình hoạt động của các doanh nghiệp (DN) rất yếu”, ông Giang nói.
Cũng theo vị phó cục trưởng cục hải quan Bình Dương thì hàng năm cơ quan này làm thủ tục thông quan hàng hoá cho 6.000 DN, trong đó có 2.000 DN là thường xuyên hoạt động.
Thế nhưng theo thống kê mới đây từ các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương, số lượng DN tại tỉnh ngừng hoạt động trong đại dịch rất nhiều. Tuy nhiên, đứng ở góc độ cơ quan hải quan, qua theo dõi thì có trên 600 DN hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực xuất nhập khẩu phải tạm ngừng giữa thời điểm này.
Việc các DN phải dừng hoạt động là vì không thể đáp ứng được phương thức “3 tại chỗ”, có nhiều ca nhiễm SARS-CoV-2. Mặt khác, như lưu ý của ông Giang, đó là chi phí hoạt động của DN trong giai đoạn dịch bệnh thường xuyên tăng cao, lại thiếu nhân lực. Điều này dẫn đến việc nhận hàng tại cảng cũng sẽ chậm, sẽ khó.
“Cho nên, trong thời gian tới khi nhận hàng trở lại thì chắc chắn là chi phí về lưu container, lưu kho, lưu bãi cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến DN. Mặt khác, việc đứt gãy chuỗi cung ứng cũng làm DN thêm khó khăn, thiếu hụt nguyên vật liệu”, ông Giang chia sẻ thêm.
Còn theo ông Phan Bình Tuy, Phó trưởng Phòng Giám sát quản lý thuộc Cục Hải quan Tp.HCM, tình hình dịch bệnh leo thang trên địa bàn Tp.HCM và các tỉnh phía Nam khiến cho nhiều DN không thể đáp ứng điều kiện phòng chống dịch dẫn đến dừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô sản xuất.
Chính điều này làm cho nhiều DN không đến cảng để nhận hàng, gây ùn ứ hàng tại cảng rất lớn, đặc biệt như ở cảng Cát Lái trong thời gian qua. Bên cạnh đó, ông Tuy cho biết, các DN làm dịch vụ giao nhận, khai báo hải quan, vận tải hàng hoá xuất nhập khẩu cũng gặp khó khăn trong vấn đề lưu thông hàng hoá, thiếu lực lượng làm dịch vụ khai báo giao nhận và thiếu các tài xế container.
Ngóng giải pháp căn cơ
Ngoài ra, ông Tuy cho biết thêm là các DN cũng đối mặt vấn đề chi phí logistics gia tăng rất mạnh. Riêng đối với các DN kinh doanh kho bãi, cảng cũng gặp thiếu hụt về mặt nhân sự (nhất là nhân công hỗ trợ bốc xếp đối với tàu biển xuất, nhập hàng). Điều đó dẫn đến tình trạng có một số tàu biển khi cập cảng phải chờ đợi để xếp dỡ hàng hoá.
“Tình hình này không chỉ ảnh hưởng đến việc ùn ứ hàng hóa xuất nhập khẩu trên cảng mà còn ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của DN khi không có tàu để phục vụ cho việc chuyên chở hàng xuất khẩu”, ông Tuy lưu ý thêm.
Có thể nói, từ góc nhìn của ngành hải quan như nêu trên thì thấy rằng, việc tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ xuất nhập khẩu giữa thời điểm phức tạp của dịch Covid-19 là cực kỳ cấp thiết.
Nhất là nhiều tháng qua, tình trạng thiếu container rỗng, thiếu chỗ trên tàu, giá cước tăng cao, kẹt cảng, số lượng tàu chờ, tàu trễ lịch đều xuất hiện ở các cảng lớn trên thế giới. Điều này cũng làm ảnh hưởng đến hoạt động các cảng, ICD tại khu vực phía Nam.
Để gỡ khó phần nào trong chuyện này, như chia sẻ của ông Nguyễn Trường Giang thì Cục Hải quan Bình Dương vẫn bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho DN thông quan hàng hóa, hỗ trợ kịp thời các vướng mắc của DN không để ách tắc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.
Trong chuyện ùn ứ hàng hoá tại cảng giữa thời điểm này, ông Nguyễn Phương Nam, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, đã ví von điều đó giống như ở các chợ trung tâm đầu mối khi hàng hoá từ các địa phương đưa đến mà người mua không đến lấy hàng thì chắc chắn hàng hóa tại các chợ đầu mối đó sẽ chất đống.
Như vậy, theo ông Nam, giải pháp căn cơ hiện nay là cần làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN để họ tái khởi động lại hoạt động sản xuất, tăng sức sống cho DN và tạo thuận lợi cho vận chuyển, cũng như chuẩn bị sẵn cơ chế để điều hàng hóa trong điều kiện ùn ứ tại các cảng.
Chẳng hạn như số liệu thống kê của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, các cảng ở Tp.HCM và khu vực lân cận thì dư địa sức chứa hàng hoá cũng chỉ bằng khoảng 30 - 35% của cảng Cát Lái.
Vì vậy, ngoài tình trạng ùn ứ tại cảng Cát Lái như hiện nay, trong thời gian ngắn các cảng lân cận dù có hỗ trợ giảm tải cho cảng Cát Lái cũng sẽ có nguy cơ ùn tắc khi mà năng lực, sức chứa của các cảng này cũng có giới hạn.
Trong thời điểm khó khăn, nguy cơ ùn tắc tại các cảng trong lúc này, ông Nam cho rằng việc tạo thuận lợi thông quan hàng hoá của cơ quan hải quan tại các cảng là rất cần thiết. Chẳng hạn như việc điều chỉnh các thông tin trên hệ thống E-Manifest (Hệ thống tiếp nhận bản khai hàng hóa, các chứng từ khác có liên quan và thông quan điện tử đối với tàu biển nhập cảnh, xuất cảnh), cũng như tạo thuận lợi cho các DN lấy hàng trực tiếp tại các cảng.
Thế Vinh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |