Trong 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu (XK) gạo của Việt Nam đã đạt hơn 4,1 triệu tấn với kim ngạch 1,73 tỷ USD, tuy tăng 2,1% về sản lượng nhưng lại giảm đến 14,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Cấp xã dễ tiêu cực
Tính hiệu quả thấp của XK gạo khi mà lượng tăng nhưng chất tăng không đồng điệu là vấn đề được đặt ra nhiều năm nay. Thậm chí trong 3 năm trở lại đây, kim ngạch XK rau quả đã vượt qua XK gạo. Riêng 7 tháng đầu năm 2019, XK rau quả đạt trên 2,3 tỷ USD, tức là cao hơn XK gạo đến hơn 0,5 tỷ USD.
Thực tế cho thấy trong sản xuất lúa gạo còn nhiều bất cập. Tuy sản lượng lúa gạo tăng mạnh nhưng giá trị gia tăng không cao, cả trong khâu sản xuất, chế biến, cả giá trị tuyệt đối cũng như tương đối.
Như ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tuy là vùng sản xuất lúa gạo chính, XK gạo chính yếu nhưng nông dân trồng lúa ở đây lại là người nghèo nhất và gặp nhiều khó khăn nhất.
Chính vì vậy, trong quá trình tái cơ cấu trong sản xuất, ngành nông nghiệp có chủ trương giảm diện tích trồng lúa. Nhưng trồng cây gì lại là một vấn đề, từ khâu giống, canh tác, cơ giới hóa cho đến xử lý sau thu hoạch, vấn đề quan trọng là thị trường, thu nhập…
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, chủ trương của ngành nông nghiệp sắp tới là giảm 500.000 ha đất trồng lúa nhằm chuyển đổi sang đất trồng cây ăn trái, cây trồng cạn để phát triển chăn nuôi và đất nuôi trồng thuỷ sản.
Mới đây, khi góp ý với Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Trồng trọt, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã lưu ý về vấn đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa.
Ở Điều 13 của Dự thảo hướng dẫn việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa theo Điều 56.1 của Luật Trồng trọt đưa ra cơ chế là các cơ quan nhà nước sẽ ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phân hạn mức diện tích chuyển đổi ở 4 cấp: toàn quốc, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.
Trong đó, riêng kế hoạch cấp xã không chỉ xác định hạn mức diện tích mà còn phân định rõ luôn thửa đất nào được phép chuyển đổi.
VCCI nhấn mạnh việc giao quyền cho UBND cấp xã phân định thửa đất nào được phép hoặc không được phép chuyển đổi trong các bản kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng sẽ tạo nguy cơ rất lớn cho tham nhũng, tiêu cực.
“Cán bộ cấp xã hoàn toàn tuỳ nghi trong việc đưa thửa ruộng của hộ này vào kế hoạch, loại thửa ruộng của hộ kia ra khỏi kế hoạch mà không dựa trên những tiêu chí minh bạch”, VCCI bày tỏ lo ngại.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định về việc UBND cấp xã can thiệp trực tiếp đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của từng thửa ruộng.
![]() |
Việc chuyển đổi đất trồng lúa cần tránh nguy cơ tiêu cực |
Để thị trường tự quyết
Ngoài ra, các kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện quy định về hạn mức diện tích chuyển đổi cho từng khu vực dường như đã can thiệp quá mức vào cung – cầu, đi ngược lại các quy luật của kinh tế thị trường.
Với đề xuất điều chỉnh Điều 13 của Dự thảo Nghị định, VCCI cho rằng cần bỏ việc can thiệp vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng bằng các công cụ như quy hoạch, kế hoạch. Nhất là không can thiệp vào việc quyết định từng thửa đất nào được chuyển đổi, cũng như hạn mức của việc chuyển đổi. Tất cả những việc này sẽ do thị trường tự quyết định.
Hơn nữa, cần cụ thể hóa các khái niệm “không làm mất đi điều kiện cần thiết để trồng lúa trở lại” trong Dự thảo bằng việc xác định các điều kiện để được chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Ví dụ, quy định cụ thể danh sách các loại cây trồng, thủy sản nuôi được phép chuyển đổi, quy định các biện pháp cải tạo đất, sử dụng nước, phân bón, chất hóa học được phép sử dụng… mà vẫn bảo đảm khả năng trồng lúa khi cần thiết.
Người sử dụng đất nếu đáp ứng các điều kiện trên và làm đơn đăng ký với thủ tục minh bạch đều được phép chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Trong vấn đề chuyển đổi đất trồng lúa ở Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) từng đặt vấn đề: Người ta hay nhắc đến khả năng mất đất trồng lúa, nhưng điều gì sẽ xảy ra đối với diện tích đất đó?
Theo WB, nếu đất lúa được chuyển sang nuôi trồng thủy sản thì cả người dân, doanh nghiệp và xã hội nói chung đều được hưởng lợi từ tăng thu nhập, tăng cường dinh dưỡng, tăng XK của một ngành (thủy sản) mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh rõ rệt.
Còn theo Tổng cục Thống kê, sản lượng lúa gạo của Việt Nam đạt khoảng 45 triệu tấn mỗi năm, trong đó có 6 triệu tấn dành cho XK. Như vậy, giới chuyên gia khẳng định chủ trương cho phép chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang một số loại cây trồng, thủy sản khác mà vẫn duy trì khả năng quay lại trồng lúa là rất phù hợp tại Luật Trồng trọt.
Do đó, các biện pháp quản lý chỉ cần duy trì, không làm mất đi loại tài nguyên này. Còn việc phân bổ, sử dụng tài nguyên này vào mục đích trồng lúa hay các loại cây trồng, thủy sản khác thì nên để thị trường tự quyết định.
Thế Vinh