Số liệu thống kê cho hay, cả nước hiện có 29 Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được quy hoạch ở 12 tỉnh, thành phố, trong đó có 7 khu đã đi vào hoạt động. Những khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được biết đến như Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thái Nguyên với diện tích là 300 ha; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lâm Đồng với diện tích là 221 ha;…
Nghẽn vốn FDI đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao (Ảnh Internet) |
Theo nhận định của giới chuyên gia, nếu điểm mặt các dự án FDI dành cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao thì con số rất khiêm tốn, và chủ yếu tập trung ở một số vùng miền có lợi thế. Cụ thể ở đây phải kể đến tỉnh Lâm Đồng - một trong những địa phương dẫn đầu khi thu hút nhiều nhất các nhà đầu tư FDI vào nông nghiệp công nghệ cao. Hiện tại, sự tham gia đầu tư của các DN FDI vào địa phương này đã góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 10.000 lao động.
Các dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến đã và đang làm gia tăng giá trị hàng nông sản vốn thuộc thế mạnh của tỉnh như các loại rau, hoa, trà Ô long… Nhiều sản phẩm đã hình thành được thương hiệu tại thị trường trong nước và thế giới.
Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả như Lâm Đồng. Trên thực tế, việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vẫn đang gặp nhiều điểm nghẽn, nguyên do là bởi đây là lĩnh vực gặp nhiều rủi ro do phụ thuộc nhiều vào thời tiết.
Đáng chú ý, nếu câu chuyện về vốn và vấn đề tiếp cận vốn để phát triển nông nghiệp công nghệ cao là điểm nghẽn lớn nhất đối với các DN nhỏ và vừa trong nước, thì với các DN FDI, rào cản chính nằm ở vấn đề tích tụ đất đai, tập trung quỹ đất để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo các chuyên gia, áp dụng công nghệ cao cần gắn với quy mô, quỹ đất đủ lớn, nhưng với quy định về hạn mức giao đất như hiện nay, diện tích sản xuất đất nông nghiệp vẫn lẻ tẻ, manh mún, khiến các DN khó có thể “xoay xở” được.
Vũ Trọng