Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), những năm gần đây, xuất khẩu (XK) giống và sản phẩm gia cầm ghi nhận những tín hiệu khá tích cực với kim ngạch tăng trưởng liên tục.
Cụ thể, năm 2016, kim ngạch đạt trên 3,05 triệu USD, năm 2017 đạt trên 5,58 triệu USD và năm 2018 đạt tới trên 18,43 triệu USD. Trong 3 tháng đầu năm 2019, XK giống gia cầm và sản phẩm gia cầm đạt trên 3 triệu USD.
Có cầu nhưng thiếu cung
Tuy vậy, Cục Chăn nuôi cũng thừa nhận một trong những thách thức lớn nhất của ngành chăn nuôi gia cầm chính là giá cả các sản phẩm biến động nhiều, ảnh hưởng đến tâm lý của người chăn nuôi, thị trường sản phẩm chăn nuôi không ổn định, đặc biệt là ngành vẫn chưa tận dụng được tiềm năng XK rộng lớn.
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Tổng Giám đốc công ty TNHH De Heus (DN đang tham gia chuỗi liên kết XK thịt gà chế biến sang Nhật Bản), đánh giá nhu cầu về thịt và trứng gia cầm trong tương lai rất cao, áp lực khó khăn của ngành chăn nuôi lợn là cơ hội cho ngành gia cầm phát triển. Tổng XK thịt gà đã qua chế biến trong năm 2018 của công ty đem về doanh thu 205 tỷ đồng và dự kiến tăng 22% trong năm 2019.
Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng sở dĩ tốc độ tăng trưởng XK thịt gà chưa nhanh là do thiếu hụt nguồn nguyên liệu do dịch bệnh, trang trại chăn nuôi chưa đạt tiêu chuẩn so với yêu cầu của nhà nhập khẩu.
Hiện nay, DN XK được 3.000 tấn/năm, trong khi nhu cầu nhập khẩu của Nhật Bản là 3 triệu tấn thịt gia cầm mỗi năm – cơ hội lớn cho ngành chăn nuôi gia cầm của Việt Nam.
Các nhà nhập khẩu Nhật Bản quan tâm tới thị trường Việt Nam, nhiều DN Nhật Bản muốn tìm đối tác Việt Nam để nhập khẩu thịt gà sang thị trường của họ, nhưng khó khăn lớn nhất của DN chính là thiếu nguyên liệu.
Thực tế, các DN vẫn chủ yếu liên kết với các trang trại chăn nuôi tự do, rất ít trang trại đảm bảo được các tiêu chuẩn mà phía nhà nhập khẩu đưa ra. Trong khi đó, chưa có nhiều đối tác mặn mà đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi.
Ts. Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, cho rằng một trong các thách thức lớn nhất đối với ngành chăn nuôi nói chung và gia cầm nói riêng là dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường.
Đây là thách thức lớn mà trong ngắn hạn chưa thể khắc phục và kiểm soát được. Dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở nước ta từ năm 2003 nhưng đến nay vẫn chưa được khống chế một cách triệt để.
Theo số liệu của cơ quan chức năng, Việt Nam mới có 50 vùng (cấp huyện) và 1.092 cơ sở được công nhận an toàn dịch bệnh, quá thấp so với yêu cầu đặt ra. Tình trạng sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi dù đã được kiểm tra, giám sát tích cực của các cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để.
Bên cạnh đó, công nghệ chế biến, bảo quản thịt sau giết mổ còn yếu, các phương tiện vận chuyển thịt sau giết mổ và các quầy bán thịt, sản phẩm chăn nuôi tại các chợ truyền thống phần lớn chưa đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm.
Để đẩy mạnh XK, ngành gia cầm Việt Nam phải đối mặt với thách thức về hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu. Các thị trường của khối CPTPP nổi tiếng khó tính như Nhật Bản, Úc, New Zealand, Chile, Singapore… có hàng rào kỹ thuật rất khắt khe đối với sản phẩm nhập khẩu từ các nước khác.
Nếu không vượt qua được hàng rào kỹ thuật mà các nước đưa ra, dù thuế suất nhập khẩu của các thị trường này bằng 0%, sản phẩm gia cầm cuả Việt Nam cũng khó thâm nhập.
Thịt gà chế biến mới chỉ XK được vào Nhật Bản với số lượng khiêm tốn |
Gỡ bất cập chính sách
Từ kinh nghiệm chuỗi sản phẩm thịt gà đạt điều kiện XK vào thị trường khó tính Nhật Bản, ông Sơn cho rằng ngành chăn nuôi cần phải đẩy mạnh mô hình liên kết chuỗi với các cấp độ khác nhau, trong đó các DN, HTX đóng vai trò rất quan trọng. Khuyến khích hình thức chăn nuôi gia cầm theo hợp đồng giữa DN với chủ trang trại lớn có điều kiện về vốn, tiêu thụ sản phẩm liên kết với các gia trại, trang trại nhỏ hơn.
Không chỉ gặp khó khăn về nguyên liệu, bất cập trong chính sách cũng đang là nguyên nhân khiến chăn nuôi gia cầm gặp khó.
Ông Phạm Thanh Hà, Tổng Giám đốc CTCP Nông sản Phú Gia, cho biết công ty đang thực hiện chuỗi dự án chăn nuôi gà công nghệ cao (CNC – An toàn thực phẩm, An toàn dịch bệnh, An toàn môi trường, An toàn đầu tư) 4A tại Thanh Hóa, được các cơ quan ban ngành ủng hộ, đã có tiêu chí xác định CNC theo Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/3/2017 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.
Tuy nhiên, do chưa có cơ quan xác nhận nên công ty chưa được xác nhận dự án CNC để được hưởng cơ chế chính sách ưu đãi của Nhà nước hỗ trợ lĩnh vực phát triển và ứng dụng CNC.
Hơn nữa, các cơ sở thực hiện liên kết chuỗi chăn nuôi gà CNC 4A thường gặp các khó khăn khi phê duyệt đầu tư mới bởi sự nghi ngờ của cộng đồng, vì chưa được chứng nhận mô hình sẽ phát triển CNC, chất lượng chăn nuôi đảm bảo 4A.
"Đề nghị các bộ ngành, UBND các cấp, các cơ quan ban ngành tạo điều kiện hơn nữa, hướng dẫn DN, hỗ trợ DN bằng các cơ chế chính sách cụ thể tiết giảm chi phí, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuỗi liên kết, các DN có các dự án tham gia chuỗi chăn nuôi gà CNC 4A tại Thanh Hóa được xác nhận dự án ứng dụng CNC để tiếp cận các chính sách ưu đãi đầu tư", ông Hà nói.
Bên cạnh đó, khi xây dựng nhà máy giết mổ chế biến XK của chuỗi liên kết chăn nuôi gà CNC 4A tại Thanh Hóa, DN phải đền bù giải phóng mặt bằng quá lớn, làm tăng chi phí đầu tư.
Trước thực tế trên, đại diện Cục Chăn nuôi cho rằng cần xây dựng, củng cố, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chăn nuôi. Đồng thời dành quỹ đất quy hoạch các khu chăn nuôi tập trung, kéo dài thời gian cho thuê đất để người chăn nuôi có điều kiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chăn nuôi.
Cùng với đó, đa dạng các hình thức tín dụng theo hướng tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân đầu tư chăn nuôi, giết mổ, chế biến dễ dàng tiếp cận được các nguồn vốn với lãi suất ưu đãi.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, các bộ ngành, địa phương cần tạo điều kiện cho các DN đã có sản phẩm gia cầm sang các thị trường trên thế giới mở rộng quy mô sản xuất, phát triển sản phẩm.
Bên cạnh đó, để chiếm lĩnh được thị trường XK cần phát triển các chuỗi sản xuất khép kín, hướng đến các mô hình trang trại thay vì nông hộ như hiện nay; phát triển các sản phẩm chế biến nhằm tránh các rào cản đối với các quốc gia có hàng rào kiểm dịch và an toàn vệ sinh thực phẩm cao; tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn, có chứng nhận chất lượng.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Quang Hiếu - Phó Tổng Giám đốc công ty TNHH De Heus Áp lực cạnh tranh của Việt Nam với các nước XK gia cầm có nền chăn nuôi phát triển là vấn đề lớn mà các DN đang phải đối mặt. Vì vậy, sự chung tay và phát huy năng lực tối đa từ những DN tham gia chuỗi, các sản phẩm gia cầm được kỳ vọng sẽ đáp ứng được nhiều hơn nữa nhu cầu về thực phẩm sạch của thị trường và đạt được những tiêu chuẩn gắt gao của thị trường nước ngoài, phục vụ XK. Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Hai năm gần đây, nhiều DN lớn đã cùng với nông dân các địa phương xây dựng được nhiều nhà máy chế biến có công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, so với tổng sản lượng thịt, yêu cầu tổ chức thị trường theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa so với XK thì số nhà máy chế biến đó là chưa đủ. Thời gian tới, các DN cần phối hợp với nông dân cùng các tổ chức ngành hàng đầu tư nhiều hơn nữa các nhà máy chế biến. Trên cơ sở đó, tạo dựng chuỗi giá trị dài hơn. Ông Nguyễn Quốc Toản - Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Brazil, Mỹ, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ là những nước có mức sản xuất thịt gà vượt xa tiêu dùng nội địa. Đây là những cường quốc sản xuất và XK thịt gà trên thế giới và là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của ngành sản xuất gà Việt Nam. Nếu muốn tăng kim ngạch XK thịt gà, Việt Nam cần phải nghiên cứu kỹ sản phẩm để biết tiềm năng và lợi thế của mình. |