Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA), nhiều chỉ số công bố cho thấy doanh nghiệp (DN) nói riêng và nền kinh tế nói chung đang trên đà phục hồi. Tuy nhiên, theo phản ánh của các DN, thời gian gần đây, cải cách thể chế và môi trường kinh doanh có xu hướng chậm lại, thậm chí có lĩnh vực còn tạo thêm thủ tục không cần thiết, khiến DN đối mặt với những rủi ro, có thể dẫn tới giảm niềm tin và động lực kinh doanh…
Còn tồn tại nhiều thủ tục hành là chính
Bà Chi nêu, thời gian gần đây xảy ra tình trạng một số DN lớn trong ngành thực phẩm đã chuyển nhượng, hợp tác với các DN, quỹ đầu tư nước ngoài. Đối với các mặt hàng trọng yếu, ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia thì tình trạng dịch chuyển này rất đáng quan ngại, cho nên đối với ngành lương thực thực phẩm nếu không có một chính sách pháp luật đồng bộ nhất quán từ Chính phủ để hỗ trợ DN trong nước giảm bớt áp lực, yên tâm phát triển thì sợ rằng sẽ mất mát rất lớn khi xu hướng chuyển nhượng, hợp tác này ngày càng gia tăng trong thời gian tới.
Nghị quyết 02 ngày 5/1/2024 được kỳ vọng tạo cơ hội và đảm bảo quyền tự kinh doanh. |
Từ thực tiễn hoạt động trong công tác hỗ trợ DN, Chủ tịch FFA nhận thấy chính sách và giải pháp về cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính và hỗ trợ DN đã có nhiều, đủ sức tạo động lực hoàn thành các mục tiêu chung đề ra. Tuy nhiên, năm 2024 thiết nghĩ cần có cơ chế, chính sách căn cơ hơn đó là cần có cơ chế xử lý, xử phạt đối với các bộ ngành, các trường hợp chậm hoặc không thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, để từ đó trở thành hành lang pháp lý đủ mạnh buộc các bộ ngành phải khẩn trương thực thi nhiệm vụ được giao.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cần đẩy mạnh hơn nữa tính thực chất, hiệu quả trong cải cách môi trường kinh doanh.
Thời gian qua, đại diện VCCI cho rằng, một số phương án cắt giảm, đơn giản hóa còn hình thức, các đề xuất cắt giảm thiếu tính đột phá. Một số tính toán về chi phí được cắt giảm còn chưa chính xác. Nhiều vướng mắc DN phản ánh nhưng chưa được xem xét như rà soát cắt giảm các văn bản hiện hành, nhưng có hiện tượng các văn bản đang soạn thảo lại bổ sung các rào cản mới. DN không thuận lợi trong cách thức tiếp cận, tham gia vào hoạt động rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định về kinh doanh.
Đơn cử, Nghị quyết 10/2020/NĐ-CP yêu cầu doanh nghiệp vận tải hành khách hợp đồng phải cung cấp tối thiểu nội dung Hợp đồng vận chuyển đến Sở GTVT bằng email trước mỗi chuyến đi. “DN có hàng trăm chuyến đi mỗi ngày, việc yêu cầu cung cấp thông tin như trên tạo nên chi phí tuân thủ rất lớn. Từ phía cơ quan quản lý hành chính cũng khó có thể quản lý khi mỗi ngày nhận được hàng trăm email”, ông Tuấn dẫn chứng.
Thêm vào đó, ông Đậu Anh Tuấn cũng đề nghị bỏ yêu cầu tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. DN trong lĩnh vực thực phẩm phản đối rất mạnh mẽ quy định này vì gây rất nhiều khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tăng chi phí và giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, thiếu hiệu quả và không phù hợp với quốc tế. Nghị quyết 19-2018/NQ-CP đã yêu cầu sửa đổi quy định này, song đến nay vẫn chưa có nghị định sửa đổi.
Cần có cơ chế giám sát
Với việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 02/2024/NQ-CP, Phó Tổng thư ký VCCI cho rằng kỳ vọng của doanh nghiệp với từ khoá là "chất lượng thực thi". Cải cách môi trường kinh doanh cần tiếp tục được thực thi một cách hiệu quả, thực chất. Đảm bảo kỉ luật, kỉ cương của bộ máy thực thi. Đồng thời, có cơ chế để giám sát thực thi, đánh giá hiệu quả hoạt động một cách độc lập.
Theo TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban, Ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, trình độ phát triển thị trường của Việt Nam năm 2024 đứng thứ 59 toàn cầu, thứ 11/39 nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương; xếp hạng ở mức "tự do trung bình". Năng lực đổi mới sáng tạo cải thiện, song chất lượng pháp luật và thực thi pháp luật sụt giảm.
Đáng lo ngại, tình hình DN năm 2023 và 02 tháng đầu năm 2024 có chiều hướng suy giảm. Đây là chỉ báo về sự suy giảm nhu cầu đầu tư, kinh doanh; thể hiện mức độ khó khăn nặng nề và sức chống chịu của DN suy giảm. Điều này cho thấy môi trường kinh doanh còn thiếu hấp dẫn.
Thêm vào đó, bà Thảo cũng chỉ ra rào cản về ngành nghề và điều kiện kinh doanh vẫn là trở ngại lớn, làm tăng chi phí tuân thủ và giảm động lực đầu tư, kinh doanh. Vì vậy, sự trở lại của chương trình cải cách môi trường kinh doanh, Nghị quyết 02 ngày 5/1/2024 được kỳ vọng tạo cơ hội và đảm bảo quyền tự kinh doanh; đơn giản hóa, đảm bảo minh bạch về điều kiện, quy trình, thủ tục, tiến tới giảm thời gian và chi phí.
Đồng thời, Nghị quyết 02 cũng đảm bảo tính minh bạch và ổn định của chính sách; từ đó tăng số lượng DN thành lập mới, giảm tỷ lệ DN giải thể, đóng cửa. Trước ngày 20/1/2024, các Bộ, ngành, địa phương phải ban hành Chương trình, kế hoạch hành động thực thi Nghị quyết 02. Đến ngày 28/2/2024, Bộ KH&ĐT đã nhận được kế hoạch hành động của 16/26 Bộ, cơ quan và 48/63 địa phương.
“Tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết là điều DN trông chờ. Cải thiện môi trường kinh doanh để củng cố niềm tin, tạo điểm tựa cho DN. Đây là thách thức lớn, cần khơi dậy động lực, tạo áp lực thường xuyên, liên tục và cần sự đồng hành của nhiều bên”, bà Thảo nhấn mạnh.
Cùng với đó, Chủ tịch FFA đề nghị đã đến lúc cần thay đổi cách thức thực hiện cải cách bằng việc bổ sung thêm cơ chế giám sát, xử lý người thực hiện cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh quốc gia để tạo ra kết quả đột phá. Cộng đồng DN đang kỳ vọng vào quá trình thực thi Nghị quyết 02 này.
Lê Thúy