Nhìn vào tình hình kinh tế của Việt Nam hiện nay, ông Bradley Bessire, Phó giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam đang có vị thế vô cùng thuận lợi để tận dụng các cơ hội tăng trưởng trong tương lai. Những nỗ lực không ngừng nghỉ của Chính phủ trong việc cải thiện hệ sinh thái thương mại đã tạo đà phát triển mạnh mẽ.
Nhiều cải cách đã được thực hiện
Theo ông Bessire, những nỗ lực này cần phải được biểu dương, bởi lẽ những cải cách thương mại được thực hiện cho đến nay đã tạo ra một môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn.
“Những cải cách này đang tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, thương nhân và các nhà đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, đồng thời giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam cả trong khu vực và trên toàn cầu”, ông Bessire nói.
Những thành quả cải thiện môi trường kinh doanh là tiền đề cho những cải cách trong tương lai nhằm đảm bảo tăng trưởng và thịnh vượng cho Việt Nam trong thời gian tới. |
Hơn thế nữa, các cam kết tạo thuận lợi thương mại của Chính phủ Việt Nam được minh chứng bằng các kết quả thực tế. Việt Nam hiện đang thực hiện đúng với các cam kết của mình theo Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thậm chí còn thực hiện trước thời hạn, dự kiến tuân thủ đầy đủ cam kết vào cuối năm 2024.
Với góc nhìn của một chuyên gia quan sát độc lập về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, ông Claudio Dordi, Giám đốc Dự án tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ, nhận định việc tạo thuận lợi thương mại đóng vai trò cốt lõi trong hoạt động của Chính phủ Việt Nam trong thời gian gần đây và có nhiều cải cách đã được thực hiện.
Trao đổi với VnBusiness, ông Dordi đưa ra dẫn chứng như Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022. Việc tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) trong nghị quyết này là yếu tố cốt lõi trong việc tạo thuận lợi thương mại cũng như thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu. Chính phủ Việt Nam cũng đã thúc đẩy các bộ, ngành thực hiện những cải cách.
“Dù còn đối mặt nhiều thách thức nhưng năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã có sự cải thiện. Đó là nhờ vào việc hiểu được thách thức là như thế nào và đây chính là khởi đầu tốt”, ông Dordi chia sẻ.
Còn theo ông Phạm Ngọc Thạch, Phó trưởng Ban Pháp chế thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Việt Nam hiện tham gia tổng cộng 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 2 FTA khác. Việc thực hiện các cam kết FTA đã thúc đẩy hoạt động tạo thuận lợi thương mại một cách toàn diện và nhất quán.
Ông Thạch cũng chỉ rõ loạt nghị quyết 19 trong giai đoạn 2014 - 2018 và nghị quyết 02/NQ-CP trong giai đoạn 2019 - 2022 đã lồng ghép nhiều nội dung thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại, đặc biệt là cải cách thủ tục thương mại xuyên quốc gia.
Tiền đề cho tăng trưởng và thịnh vượng
Với việc sắp sửa bước qua năm 2023, các DN cũng đang quan tâm đến Dự thảo Nghị quyết số 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2023. Bởi lẽ, nghị quyết này có ý nghĩa và vai trò rất quan trọng trong hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh thường niên mà Chính phủ đang thực hiện trong mấy năm gần đây.
Hàng năm, cộng đồng DN chờ đợi nghị quyết này để gỡ vướng các chính sách, thúc đẩy các cơ quan quản lý có hành động mạnh mẽ để cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo đánh giá từ chuyên gia, bản Dự thảo Nghị quyết số 02/NQ-CP đã nhận diện được tình hình và đặt ra các mục tiêu cụ thể của năm 2023 là phù hợp. Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tại Dự thảo là có trọng tâm và hợp lý, sẽ góp phần tháo gỡ nhiều vướng mắc, khó khăn cho cộng đồng DN trên phương diện chính sách và vấn đề thực thi.
Tuy nhiên, góp ý mới đây về Dự thảo này, VCCI có đề nghị bên cạnh nâng cao chất lượng của Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh, cần thiết phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan tới cấp phép kinh doanh có điều kiện, trong đó thúc đẩy việc thực hiện thủ tục hành chính bằng phương thức điện tử.
Ngoài ra, VCCI lưu ý Dự thảo đã xác định nhiều nhiệm vụ đối với các bộ, ngành, thế nhưng dường như mới dừng lại ở việc đưa ra định hướng thực hiện. Cho nên, cần có mục tiêu mang tính định lượng hơn để các bộ, ngành triển khai, cũng như thuận lợi cho việc đánh giá kết quả đạt được sau này.
Bên cạnh đó, theo kết quả khảo sát của VCCI về mức độ hài lòng của DN khi tiến hành thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa quốc gia và các thủ tục quản lý kiểm tra chuyên ngành được công bố hồi tháng 11/2022 cho thấy chưa tới 70% DN đánh giá các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành là thuận lợi khi thực hiện.
Do vậy, VCCI đề nghị bổ sung mục tiêu cụ thể đối với các bộ ngành, đó là “Nâng cao mức độ hài lòng của DN đối với việc thực hiện các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành đạt từ 70% trở lên”.
Để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và tạo thuận lợi thương mại trong năm 2023 ở Việt Nam, giới chuyên gia nhấn mạnh yếu tố đối thoại giữa các cơ quan chính phủ và cộng đồng DN là yếu tố then chốt để đảm bảo một môi trường hỗ trợ kinh doanh hiệu quả.
Đặc biệt, theo ông Bradley Bessire, khi các cơ quan chính phủ cộng tác chặt chẽ với khu vực tư nhân, quá trình xây dựng chính sách kinh tế sẽ trở nên minh bạch và toàn diện hơn, từ đó góp phần cải cách hiệu quả hơn.
Có thể nói, dù vẫn còn nhiều việc phải làm cho năm 2023, nhưng những thành quả cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận thương mại của Việt Nam trong thời gian qua là đáng ghi nhận. Để từ đó tạo tiền đề cho những cải cách trong tương lai nhằm đảm bảo tăng trưởng và thịnh vượng cho Việt Nam vào thời gian tới.
Thế Vinh