WB nhận định, mặc dù có khả năng chống chịu tốt, nhưng nền kinh tế Việt Nam đã và đang phải đối mặt với đợt bùng phát dịch nghiêm trọng, bắt đầu từ tháng 4/2021. Các biện pháp hạn chế nhằm dập tắt dịch bệnh đã ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phục hồi kinh tế vốn đã diễn ra mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2021. Tình trạng nghèo năm 2021 sẽ phụ thuộc vào thời gian phải thực hiện và mức độ nghiêm trọng của các biện pháp giãn cách xã hội.
Tăng trưởng GDP theo giá so sánh và đóng góp cho tăng trưởng GDP. (Nguồn: WB) |
Một thách thức mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt là rủi ro nợ xấu ngày càng cao, và các cơ quan điều hành chính sách tiền tệ sẽ cần tiếp tục thận trọng, nhất là với những ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn thấp từ trước đại dịch.
WB cho rằng, rủi ro tài khóa hiện không lớn và nợ công vẫn ở mức bền vững, nhưng vẫn phải tiếp tục thận trọng, kể cả với các khoản nợ tiềm tàng có thể phát sinh từ phía các doanh nghiệp nhà nước.
Bên cạnh đó, nền kinh tế cũng phải đối mặt với những rủi ro có thể xảy ra từ bên ngoài. “Các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU có vẻ đang trên đà phục hồi, nhưng quá trình phục hồi còn gặp nhiều bất định liên quan đến sự xuất hiện của biến chủng COVID-19 mới và tiến độ tiêm vắc xin chưa đồng đều trên toàn cầu”, báo cáo của WB nhận định.
Ngoài ra, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đang phải đối mặt với cạnh tranh ngày càng tăng từ các quốc gia có các hoạt động sản xuất đang bật dậy mạnh mẽ hơn.
Trong bối cảnh này, các chuyên gia WB cho rằng, trong thời gian còn lại của năm 2021, chính sách tiền tệ được kỳ vọng vẫn sẽ là nới lỏng thông qua triển khai thực hiện một số công cụ chính sách tiền tệ và cho phép doanh nghiệp được gia hạn thời hạn trả nợ. Chính sách tài khóa sẽ mang tính hỗ trợ hơn thông qua đẩy nhanh triển khai thực hiện các dự án đầu tư công, đặc biệt sau khi gỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại.
Với dư địa tài khóa hiện có, Chính phủ cần tiếp tục triển khai các nguồn lực để giảm thiểu tác động xã hội bất lợi và phòng ngừa những rủi ro tiêu cực đối với tăng trưởng, nhất là nếu những rủi ro đó gia tăng. Trong thời gian tới, các cấp có thẩm quyền cần theo đuổi mục tiêu tăng trưởng xanh và số hóa nhằm nâng cao khả năng chống chịu và tính bền vững của nền kinh tế. Trong lúc số ca nhiễm mới vẫn ở mức cao, đòi hỏi phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, thu nhập của người lao động tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề.
Chính phủ cần tăng mức hỗ trợ và cải thiện quá trình triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ bằng tiền để tiếp cận nhiều hơn những hộ gia đình, người lao động ở khu vực phi chính thức, và những người bị ảnh hưởng nhưng không có tên trong các cơ sở dữ liệu trợ giúp xã hội hiện hành.
Gói hỗ trợ đợt hai cho các hộ gia đình của Chính phủ đã bổ sung thêm các nhóm lao động bị ảnh hưởng và số tiền hỗ trợ cho các cá nhân cũng cao hơn. Tuy nhiên, tần suất hỗ trợ bằng tiền hiện chỉ giới hạn ở hỗ trợ một lần thay vì hỗ trợ trong nhiều tháng như trong gói hỗ trợ đợt một vào năm 2020.
Thanh Hoa