Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam tăng trưởng 15% và đạt quy mô khoảng 13,2 tỷ USD trong năm 2020. Hiệp hội dự báo TMĐT Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng vững chắc trong năm 2021.
“Các doanh nghiệp đã năng động, thích nghi và quan tâm hơn đến kinh doanh trực tuyến. Cộng đồng người tiêu dùng trực tuyến tăng nhanh đem tới sự tăng trưởng cho nhiều ngành như: bán lẻ hàng hóa, gọi xe, giao đồ ăn, thanh toán trực tuyến, tiếp thị và đào tạo trực tuyến”, VECOM đánh giá.
Mua sắm trực tuyến ngày càng sôi động
Ông Nguyễn Chí Thọ, Giám đốc kinh doanh Tiki dẫn số liệu từ Ngân hàng Thế giới cho thấy Việt Nam là thị trường "mỏ vàng" của thế giới vì dân số trẻ, yêu công nghệ (ước tính năm 2020, có 64% người dân Việt Nam đã tiếp cận Internet, trong đó 65% người dân tiếp cận thông tin qua điện thoại thông minh).
Dự báo đến năm 2025, 83% người dân Việt Nam tiếp cận Internet, trong đó 79% tiếp cận qua điện thoại thông minh. "Đó là nền tảng cực kỳ quý cho phát triển thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng", ông Thọ nhấn mạnh.
Ngày càng có nhiều người tiêu dùng tiếp cận với mua sắm trực tuyến nhưng cũng trở nên khó tính hơn. |
Còn số liệu từ Google và Temasek dự báo đến 2025, Việt Nam có thể là một trong 2 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT nhanh nhất của khu vực Đông Nam Á. Cụ thể năm 2025, ước tính quy mô thị trường TMĐT Việt Nam đạt 22 tỷ USD, chiếm 10% tổng thị trường bán lẻ.
Hai năm trước đây, người tiêu dùng mua sắm online chủ yếu là các sản phẩm liên quan tới đồ dùng làm đẹp, công nghệ nhưng kể từ khi dịch COVID-19 xảy ra, người dùng đã chuyển sang nhiều hơn các mặt hàng ăn uống, sản phẩm chăm sóc sức khỏe.
Ông Phạm Văn Thọ Lộc, Giám đốc Nielsen IQ Việt Nam, cho hay người tiêu dùng online hiện nay đa phần là nữ, chủ yếu là nhân viên văn phòng. Năm 2021, đây là năm đầu tiên độ tuổi người dùng nữ từ 35-45 tuổi có thể chiếm tỷ trọng tiêu dùng online lớn nhất. Điều này đặt ra cơ hội nhưng cũng là thử thách cho các doanh nghiệp là cá nhân hóa sản phẩm của họ, để tiếp cận được với từng nhóm đối tượng khác nhau.
Ông Lộc nhấn mạnh: Ngày càng có nhiều người tiêu dùng tiếp cận với mua sắm trực tuyến nhưng họ cũng trở nên khó tính hơn. Nhìn qua các mối bận tâm của người dùng, so sánh năm 2019 với 2020 thì tăng rõ rệt. Đó là những lo ngại về sản phẩm kém chất lượng, cũng là câu hỏi nhức đầu cho doanh nghiệp làm sao để tối ưu hóa chi phí vận chuyển, chính sách đổi trả hàng hóa hiệu quả.
"Khi người tiêu dùng có nhiều mối bận tâm như vậy thì họ sẽ tham khảo "review" trên mạng, so sánh khuyến mãi về giá giữa offline với online, mạng xã hội, từ bạn bè người thân. Sau khi mua hàng, họ cũng chủ động trải nghiệm mua sắm của mình từ các nền tảng khác nhau. Trong môi trường kinh doanh số, yếu tố sức mạnh về chất lượng sản phẩm và dịch vụ giao hàng, cũng như thông tin truyền miệng rất quan trọng", ông Lộc nhấn mạnh.
Theo đại diện Nielsen Q, các doanh nghiệp cần nắm bắt được để bứt phá với TMĐT, phải nghĩ mở rộng danh mục sản phẩm, cá nhân hoá dần trải nghiệm khách hàng để tiếp cận đối tượng mới là khách hàng từ 35-45 tuổi. Đồng thời, khai thác cơ hội từ các ngành hàng không phải lợi thế TMĐT, cần kết hợp với cơ quan ban hành để mua sắm trực tuyến, từ đó giúp người dùng yên tâm, theo dõi phản hồi từ khách hàng.
'Tung chiêu' hút khách hàng
Bà Ngô Thị Trúc Anh, Giám đốc bộ phận vận chuyển Lazada Việt Nam, cho biết một trong những lợi thế của sàn Lazada là giao hàng nhanh. Hiện nay, giao hàng xuyên biên giới nhanh nhất là 72 tiếng đồng hồ, trong khi giao hàng trong nước nhanh nhất là 24 phút. Bên cạnh đó là nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đặc biệt, ông Đỗ Hữu Hưng, CEO của Accesstrade đã kể ra những câu chuyện thú vị từ cách thu hút người dùng. Về câu chuyện đầu tiên, ông Hưng đặt câu hỏi: "Ai là người đầu tiên đặt mua những chiếc điện thoại iPhone phiên bản mới nhất? Tôi biết có ít nhất 1 triệu đơn hàng được đặt ngay lập tức mà họ không quan tâm tới sản phẩm đó đẹp hay xấu, có sẵn hay không sẵn hàng....".
Trả lời chính câu hỏi này, ông Hưng cho biết đó là những người lập trình viên làm ra các App, game... trên hệ điều hành iOS. Người lập trình viên mua iPhone mới để nâng cấp sản phẩm của mình trên iOS. Sau đó, chính họ lại đi quảng cáo với người dùng là hãy trải nghiệm sản phẩm mới của mình trên phiên bản mới của iPhone đi.
Ông Hưng cũng nhớ cách đây 4-5 năm, sàn TMĐT Shopee ra mắt một chiến lược thông minh nhất thời điểm đó. "Họ chỉ làm một chiêu này, trong khi các sàn TMĐT khác phải thuê một công ty chuyên nhiệm vụ kéo người bán và khách hàng. Đó chính là freeship (miễn phí giao hàng)".
Theo đó, chính những người bán hàng trên Shopee chat riêng với khách hàng trên Facebook rằng hãy lên Shopee đặt hàng của mình vì được freeship. Như vậy, chính những người bán hàng nhỏ trên Shopee đã kéo giúp khách hàng cho sàn TMĐT này.
Bên cạnh đó, CEO Accesstrade cho rằng, khách hàng thời xưa mua hàng và trả tiền nhưng giờ họ là siêu khách hàng - một khách hàng có thể giới thiệu thêm nhiều khách hàng nhưng họ cũng cần trải nghiệm nhiều hơn.
Mặt khác, ông Hưng đánh giá, hiện nay thị trường có sự cạnh tranh của rất nhiều kênh bán hàng, bằng chứng là chi phí chạy quảng cáo của Facebook hay Google ngày càng đắt. Ông Hưng cho biết sự tận tâm của doanh nghiệp tới khách hàng sẽ giúp doanh nghiệp tạo ra giá trị.
"Không nhất thiết phải tiếp cận 10.000 khách hàng trên Lazada, Shopee mà chỉ cần 1.000 khách hàng tiếp cận và thường xuyên mua hàng của doanh nghiệp, công ty sẽ nhận về gấp nhiều lần. Đồng thời phải xây dựng thương hiệu cá nhân và tạo dựng lòng tin và uy tín đối với người dùng", ông Hưng chia sẻ.
Lê Thúy