Tuy ở vùng sâu vùng xa của tỉnh Đồng Nai, nhưng chị Lê Huỳnh Nga (trú tại xã Phú Tân, huyện Định Quán, cách Tp.HCM khoảng 130km) lại rất “siêng” mua sắm hàng hoá trực tuyến (online) từ các sàn thương mại điện tử như Sendo, Tiki cho đến mạng xã hội như Facebook, Zalo.
Dự báo sẽ tăng trưởng nhanh
Thông qua chiếc điện thoại thông minh (smartphone) của mình, chị Nga đã mua trực tuyến nhiều loại hàng hoá, từ mì gói, thực phẩm, đồ gia vị, đặc sản vùng miền, đồ chơi trẻ em cho đến mỹ phẩm, hàng điện tử, đồ gia dụng…
DN Việt cần nắm bắt cơ hội và tiếp cận phù hợp với thị trường nông thôn qua kênh bán hàng trực tuyến |
Chị Nga cho biết các mặt hàng mà chị mua trực tuyến có tới một nửa là hàng nhập, nửa còn lại là hàng Việt, vừa có mức giá phải chăng vừa không có phân phối ở chợ truyền thống hay siêu thị nhỏ tại vùng quê. Hơn nữa, do tại nhà chị có kinh doanh tạp hoá nên vừa mua về để dùng trong nhà vừa có thể bán lại cho người dân địa phương có nhu cầu.
Tuy nhiên, chị Nga cũng còn băn khoăn là do ở vùng nông thôn hẻo lánh nên việc nhận hàng sau khi đặt mua online vẫn còn khá chậm. Cho nên, chị chỉ chọn mua những mặt hàng không cần quá gấp cho việc tiêu dùng.
Nhưng có vẻ như câu chuyện này vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp quan tâm, trong khi đây lại là một khu vực đầy tiềm năng cho mua sắm trực tuyến. Kết quả từ một cuộc khảo sát mới đây của Google rất đáng chú ý khi cho rằng khu vực nông thôn Việt Nam sẽ là một thị trường chủ chốt cho tăng trưởng mua sắm trực tuyến, với một mức tăng trưởng nhanh gấp đôi các thành phố lớn.
Nhất là khi số người dùng Internet ở vùng nông thôn như chị Nga ngày càng được phổ biến. 77% số người tham gia cuộc khảo sát của Google sống tại khu vực nông thôn Việt Nam cho biết có truy cập Internet và 91% trong số này truy cập web hàng ngày.
Ngoài ra, khảo sát còn cho thấy khi đưa ra quyết định mua hàng, Google Search là lựa chọn hàng đầu với 45% người tiêu dùng nông thôn sử dụng để tìm kiếm thông tin về sản phẩm so với các phương tiện truyền thống (24%) và mạng xã hội (27%).
Không chỉ có Google mới có nhận định về triển vọng tăng trưởng bán hàng trực tuyến ở khu vực nông thôn thông qua việc phổ biến sử dụng Internet và smartphone, cách đây 2 - 3 năm cũng đã có những nhận định về triển vọng này từ các công ty nghiên cứu thị trường.
Như khảo sát của Công ty Q&Me tại Việt Nam từ 3 năm trước thì thấy rằng tại cả thành thị và nông thôn, tỉ lệ sở hữu smartphone đạt hơn 90% do sự phổ biến của thị trường smartphone hiện nay. Theo đó, xu hướng kết nối internet tại nông thôn hầu hết chỉ thông qua smartphone.
Và smartphone vẫn là thiết bị quan trọng nhất để khách hàng khu vực nông thôn kết nối internet. Zalo vẫn là nền tảng xã hội trực tuyến có đông đảo người tiêu dùng nông thôn sử dụng, khác với khu vực thành thị chuộng sử dụng Facebook.
Nắm bắt cơ hội, tiếp cận phù hợp
Điểm nổi bật là người dân ở khu vực nông thôn dành nhiều thời gian cho Youtube gần bằng tivi (Youtube là kênh trực tuyến phổ biến nhất tại nông thôn, 94% người dùng có truy cập Youtube).
Bên cạnh đó, dù vẫn giữ việc mua sản phẩm chủ yếu thông qua kênh truyền thống như chợ, tạp hóa thì người tiêu dùng nông thôn đang dần quan tâm đến việc mua sắm trực tuyến do sự đa dạng và phong phú của các mặt hàng. Một điểm đáng chú ý khác là xu hướng mua sắm trên Zalo đang ngày càng phổ biến hơn.
Theo chuyên gia Đặng Huyền Trang (Đại học Tsukuba, Nhật Bản) thì khi thu nhập tăng, bên cạnh nhu cầu mua sắm tăng, người tiêu dùng nông thôn có điều kiện tiếp cận với các thông tin nhiều hơn từ tivi, điện thoại di động, máy tính kết nối Internet. Thông qua đó, sự sẵn sàng để trải nghiệm các sản phẩm mới hoặc sản phẩm nâng cao chất lượng cuộc sống càng tăng lên.
Và khi người tiêu dùng ở khu vực nông thôn Việt Nam nhận thức về việc sử dụng các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng, thì sản phẩm được sản xuất nội địa thông qua kênh trực tuyến sẽ góp phần đáp ứng tâm lý mua sắm này.
Trước đó, hàng nhái, hàng giả hoặc kém chất lượng, độc hại từ thị trường Trung Quốc tràn ngập và thống lĩnh khu vực nông thôn vì giá rẻ và đáp ứng thị hiếu của người dân khu vực này.
Còn hiện nay, khi nhận thức tốt hơn trong việc mua sắm trực tuyến, người tiêu dùng nông thôn đang trở nên thận trọng hơn khi lựa chọn sản phẩm, dịch vụ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có uy tín và đảm bảo chất lượng.
Giới chuyên gia cho rằng hiện tại sức mua hàng hoá trực tuyến ở các tỉnh thuộc khu vực nông thôn chưa bằng sức mua ở các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM. Nhưng về lâu về dài, trước những dự báo đầy triển vọng thì hàng Việt cần chủ động nắm bắt cơ hội từ thị trường tiềm năng này với cách tiếp cận phù hợp thông qua kênh trực tuyến.
Điểm hạn chế lớn là do đường sá đi lại không thuận tiện và vị trí địa lý khác nhau ở mỗi địa phương, nên việc vận chuyển hàng hóa thông qua mua sắm tới tới vùng nông thôn thường khó khăn.
Chưa kể, một số doanh nghiệp (DN) Việt dùng kênh trực tuyến để tiếp cận thị trường nông thôn vẫn còn hời hợt, manh mún, không tìm hiểu kỹ về hành vi người tiêu dùng nông thôn.
Mặt khác, thị trường tại khu vực nông thôn tuy tiềm năng nhưng chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các DN từ sản xuất tới bán buôn và bán lẻ trực tuyến. Thậm chí, có những DN có thể bán hàng trực tuyến theo kiểu “phong trào” một thời gian ở khu vực nông thôn nhưng lại không duy trì được lâu.
Thế Vinh