Dù chỉ còn gần một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2021 nhưng không khí mua bán ở chợ sỉ Bình Tây (quận 6, Tp.HCM) có vẻ không náo nhiệt như mọi năm, sức mua yếu.
Buôn bán cầm chừng
Bà Bảy, một tiểu thương ở chợ này, than phiền là người mua thưa thớt quá, vắng vẻ, không có nhiều người dân đi mua sắm Tết vì đời sống khó khăn bởi ảnh hưởng dịch bệnh, thiên tai. Đó là lý do khiến cho các tiểu thương trong chợ buôn bán cầm chừng, không dám trữ hàng nhiều.
Rất cần tăng sức chống chịu cho các tiểu thương trước nhiều khó khăn tồn đọng. |
“Tình hình này thấy áp lực quá. Cả năm nay chẳng buôn bán được bao nhiêu, tiểu thương nào cũng y chang như vậy, khó khăn vô cùng”, bà Bảy than thở.
Theo ghi nhận của phóng viên, trong những ngày đầu tháng 1/2021, lượng khách hàng đến các chợ truyền thống ở Tp.HCM mua sắm cho dịp Tết âm lịch vẫn thấp so với mong đợi, thậm chí là thấp hơn so với thường lệ, khiến nhiều tiểu thương lo lắng.
Trong khi đó, để hỗ trợ các tiểu thương do tình hình kinh doanh khó khăn vì ảnh hưởng dịch Covid-19, mới đây Chủ tịch UBND Tp.HCM đã chấp thuận chủ trương thực hiện giảm 50% tiền tiền thuê sạp tại các chợ truyền thống trên địa bàn Thành phố trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 12/2020 theo đề xuất của Sở Công Thương.
Báo cáo từ Sở Công Thương Tp.HCM cũng cho thấy rất nhiều tiểu thương bán hàng tại các chợ truyền thống gặp khó khăn từ tháng 2 đến tháng 12/2020 với mãi lực giảm từ 50-80%. Thậm chí như chợ sỉ Bình Tây có những thời điểm giãn cách xã hội do dịch Covid-19 nên mãi lực đã giảm đến 80%-90%.
Không chỉ ở Tp.HCM, tiểu thương ở chợ truyền thống tại các thành phố lớn khác cũng đang gặp thách thức không nhỏ. Ngoài việc người mua giảm đến chợ truyền thống thì xu hướng mua sắm trực tuyến tăng mạnh cũng là một thách thức lớn cho các tiểu thương.
Để hỗ trợ các tiểu thương, mới đây một công ty công nghệ hoạt động trong lĩnh vực giao nhận đã thực hiện sáng kiến số hóa chợ truyền thống, hỗ trợ các tiểu thương tại các chợ truyền thống khắp cả nước chuyển sang kinh doanh trên nền tảng trực tuyến.
Công ty này hiện đã kết nối với 100 tiểu thương tại các chợ truyền thống tại Tp.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và đặt mục tiêu tăng số lượng tiểu thương tại 3 thành phố này lên gấp 10 lần trước cuối năm 2021.
Thông qua việc kết nối trực tuyến, các tiểu thương đang hy vọng sẽ thúc đẩy được khả năng cạnh tranh hơn với xu hướng bán hàng trực tuyến khi người tiêu dùng có thêm một lựa chọn mua các mặt hàng thiết yếu tại chợ truyền thống.
Có dễ tăng sức chống chịu?
Trong việc nâng sức chống chịu cho các tiểu thương chợ truyền thống trong năm 2021, trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, bà Huỳnh Thị Mỹ Nương, Phó tổng giám đốc Công ty Đào tạo lãnh đạo và dịch vụ phát triển bền vững (SLDT), cho rằng họ phải thay đổi mình trước các “lựa chọn sinh tử” hoặc sống hoặc chết khi những khó khăn đã hiển hiện.
Theo bà Nương, trong quá trình tiếp xúc, tham gia hỗ trợ đào tạo kiến thức về kinh doanh, pháp luật, an toàn thực phẩm... cho khoảng 3.000 tiểu thương ở Tp.HCM và các tỉnh thành trong suốt 4 năm trở lại đây thì thấy rằng, những nỗi lo thường trực của họ với tính cạnh tranh của chuỗi bán lẻ hiện đại và bán lẻ trực tuyến.
“Điều mà tôi mong muốn là các tiểu thương chợ truyền thống phải chấp nhận đổi mới để tồn tại, chủ động liên kết lại để cùng phát triển chứ không cục bộ. Họ có thể xây dựng chuỗi liên kết vừa rộng vừa sâu hơn nữa”, bà Nương chia sẻ.
Cũng theo vị phó tổng giám đốc của SLDT, các tiểu thương cần phải nhận thức được lĩnh vực kinh doanh của mình đang nằm ở vị trí nào và phải có sự điều chỉnh cho phù hợp hơn.
Mặt khác, các tiểu thương cũng cần thay đổi nhận thức về nâng cao chất lượng. Bởi vì chính bản thân họ chưa có cách thức nào để phân biệt chất lượng nguồn hàng đầu vào thực sự đảm bảo 100%.
Về cạnh tranh với bán hàng trực tuyến, bà Nương cho biết thời gian qua một số tiểu thương cũng đã có sự thay đổi. Họ đã sử dụng điện thoại thông minh (smart phone) để kinh doanh trực tuyến. Có những tiểu thương đã kết hợp với một số công ty công nghệ giao nhận nên giúp cho họ buôn bán tốt hơn giữa dịch Covid-19.
“Thế nhưng, vẫn còn đó một bộ phận tiểu thương vẫn bị sức ỳ truyền thống nên họ không tiếp cận công nghệ. Họ chỉ nghĩ là mình buôn bán nhỏ lẻ nên không nghĩ đến việc cạnh tranh. Chính điều đó làm cho họ bị bó hẹp, mất dần thị trường. Và lâu ngày, doanh số sẽ sụt giảm, và khi họ muốn cạnh tranh sẽ rất khó”, bà Nương lưu ý thêm.
Như vậy, để có thể trụ vững trong năm 2021 thì “bài toán” giải quyết các khó khăn tồn đọng của tiểu thương vẫn còn bỏ ngỏ nếu thiếu đi các định hướng phát triển mới và các thay đổi phù hợp từ chính bản thân họ.
Thế Vinh