Nói về biến động giá phân bón, bà Hoàng Kim Thư, Giám đốc kinh doanh Công ty SSG International Pte Ltd cho biết, năm 2020, giá DAP tăng nhẹ 1.000 đồng/kg; Ure, kali, NPK 16-16-8 nội địa dao động nhẹ giữa năm, giữ giá ổn định vào cuối năm. NPK 16-16 Nga có giá ổn định.
Giá phân bón chạm đỉnh, chưa biết bao giờ giảm
Tuy nhiên, bước sang năm 2021, giá phân bón trong nước tăng mạnh. Cụ thể, năm 2021, giá Urea, DAP tăng thêm 10.000 - 11.500 đồng/kg; NPK 16-16-8 nội địa, Ure, Kali, NPK 16 - 16 Nga tăng thêm 6.100 - 7.200 đồng/kg.
Giá phân bón tăng cao, doanh nghiệp lãi lớn nhưng lợi nhuận nông dân giảm. |
Về giá phân bón năm 2022, bà Mai Lan, Đại diện bán hàng của Tập đoàn Kali Belarus BPC và công ty Agrofertrans tại Việt Nam, dự báo giá Urea có khả năng duy trì ổn định đến tháng 2/2022, sau đó dự báo giảm dần đến tháng 5/2022.
DAP tiếp tục giữ vững mức giá từ nay đến giữa năm 2022. Với Kali - tình hình cấm vận đối với Belarus sẽ duy trì giá ổn định trong thời gian tới...
Trong khi đó, Trung Quốc đứng ngoài thị trường xuất khẩu, tháng 6 năm nay mới xuất khẩu trở lại. Indonesia không mở thầu xuất khẩu tới tháng 2 năm nay.
Bà Mai Lan cho rằng, dự báo về giá phân bón luôn là hàm số với nhiều biến số, ẩn số. Dự đoán giá phân bón trong bối cảnh hiện tại không khác gì "thầy bói xem voi", do vậy nhà phân phối cần lắng nghe các phân tích từ thị trường ở Việt Nam.
Đồng thời, bà Lan cho hay cán cân cung cầu, thị trường phân bón thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn. Đại dịch COVID-19 kéo theo theo nhiều xáo trộn về mặt logistics lẫn cung ứng, khiến giá cả tăng vọt đột biến thất thường.
Đại diện nhà nhập khẩu NPK từ Trung Quốc, ông Phan Hoàng Nam, Tổng giám đốc khu vực Đông Nam Á Garsoni, cho hay thị trường Trung Quốc được ví là trung tâm nóng bỏng về nguồn cung phân bón, cả thế giới nhìn về Trung Quốc và Nga. Hiện nay vẫn chưa rõ chính xác thời gian nào Trung Quốc cho xuất khẩu trở lại, do vậy giá các mặt hàng phân bón trong ngắn hạn không giảm được mà chỉ có tăng.
Nhập khẩu gặp khó khăn, giá phân bón tăng, vì vậy các doanh nghiệp trong nước cũng được hưởng lợi. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) ước tính doanh thu hợp nhất năm qua đạt mức kỷ lục 51.200 tỷ đồng, vượt 16% so kế hoạch cả năm và tăng 24% so với năm 2020.
Năm 2021, công ty cổ phần phân bón và Hóa chất Dầu Khí - Đạm Phú Mỹ ước tính tổng doanh thu lên đến 12.826 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế khoảng 3.600 tỷ đồng; lần lượt tăng 63% và 324% so với năm 2020. Với kết quả này, công ty vượt 54% chỉ tiêu doanh thu và đạt gấp 8,2 lần chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Đây là năm lợi nhuận của Đạm Phú Mỹ cao nhất trong 10 năm qua.
Đối với Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau - Đạm Cà Mau, năm 2021, tổng doanh thu của doanh nghiệp đạt trên 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.820 tỷ đồng, lần lượt tăng 30% và gấp gần 3 lần so với năm 2020.
Thu nhập nông dân không tương xứng với thành tích xuất khẩu
Theo Bộ NN&PTNT, hiện nay giá phân bón thế giới và trong nước liên tục tăng cao, nguồn cung hạn chế và còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người nông dân
Trong khi đó, giá phân bón tăng cao khiến người nông dân đứng trước nỗi lo chưa sản xuất đã thua lỗ. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, năm 2021 ngành nông nghiệp đã chứng kiến một cơn bão giá vật tư đầu vào từ phân bón, thức ăn chăn nuôi tới thuốc bảo vệ thực vật, nguyên nhân là do phần lớn còn lệ thuộc nhập khẩu đầu vào.
Bộ trưởng Hoan nhấn mạnh, điều này cho thấy cần phải quan tâm đến chi phí sản xuất của người nông dân và giá trị gia tăng của chuỗi ngành hàng, bằng cách tiến đến sử dụng một phần nguyên liệu nội địa, nguyên liệu thay thế phù hợp, hiệu quả. Các viện nghiên cứu khoa học cùng với các doanh nghiệp cần tham gia vào nhiệm vụ này.
"Giá trị gia tăng không cao, thu nhập của người nông dân tưởng chừng tăng nhưng không tăng tương xứng với chi phí đầu vào", ông Hoan nhấn mạnh.
Mới đây, Bộ NN&PTNT đã có chỉ thị gửi các đơn vị trực thuộc Bộ, UBND các tỉnh thành phố, doanh nghiệp, hiệp hội... về việc sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối, hiệu quả. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị Cục Bảo vệ thực vật hướng dẫn các địa phương sử dụng phân bón hợp lý, đúng cách, tiết kiệm, hiệu quả, cân đối, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ và các nguồn vật liệu hữu cơ để thay thế một phần phân bón vô cơ. Đẩy nhanh việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như: "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm", hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI), gieo sạ né rầy, ứng dụng công nghệ sinh thái, quản lý dịch hại tổng hợp, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, liên kết sản xuất…
Thanh tra Bộ NN&PTNT tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về sản xuất, kinh doanh, quản lý chất lượng phân bón, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, phân bón chưa được công nhận lưu hành, các hành vi gian lận trong ghi nhãn, trục lợi đẩy giá phân bón lên cao.
Dưới góc độ doanh nghiệp, chia sẻ với VnBusiness, ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Quế Lâm, nhìn nhận: " Nếu quản lý từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên đồng bộ thì làm sao tăng giá phân bón nhiều đến vậy. Có thể có ai đó lợi dụng làm giá với người nông dân mà mình không biết, chứ còn nếu người nông dân biết khoa học kỹ thuật, biết sử dụng phân bón thế nào hợp lý như với thời điểm nào thì nên bón 1/3 lượng phân thôi, còn lại bón phân chuồng và các loại phân khác thì rõ ràng hiệu quả nông nghiệp được thay đổi".
Đặc biệt, ông Lam nêu thực tế hiện nay nông dân phần lớn không có nhiều kỹ thuật chăm bón nên dẫn đến bón phân không đúng cách, vừa tốn kém lại nhiều sâu bệnh. Nếu tham bón đạm thì cây mọc lên sẽ yếu, non nên sâu dễ tấn công. Tuy nhiên có thực tế là khi doanh nghiệp đi dạy sản xuất hữu cơ thì người khác lại dạy vô cơ, dùng hóa chất, chấm cấm. Một ma trận như thế này khiến nông dân rất khó khăn.
Nhật Linh