Bộ NN&PTNT cho biết, hiện giá phân bón thế giới và trong nước liên tục tăng cao, nguồn cung hạn chế và còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người nông dân.
Giá phân bón tăng mạnh trong năm 2021. |
Trong khi đó, tình trạng lạm dụng phân bón vô cơ, sử dụng phân bón lãng phí vẫn còn xảy ra ở hầu hết các địa phương làm tăng chi phí sản xuất, giảm sức cạnh tranh của hàng nông sản, ô nhiễm môi trường và gây mất cân bằng hệ sinh thái nông nghiệp.
Trước thực tế này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã có chỉ thị đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở NN&PTNT tổ chức tập huấn, truyền thông, hướng dẫn người dân sử dụng phân bón cân đối và hiệu quả, tăng cường sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ, thay thế phân bón vô cơ bằng phân bón hữu cơ theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện sản xuất trồng trọt của địa phương.
Tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng và nhân rộng tiến bộ kỹ thuật, giải pháp, mô hình sử dụng phân bón hiệu quả, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
Bố trí nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ quản lý sử dụng phân bón cân đối, hiệu quả, tránh lãng phí và triển khai chương trình sử dụng phân bón hữu cơ, mô hình sản xuất phân bón tái sử dụng phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, rác thải sinh hoạt.
Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật hướng dẫn địa phương sử dụng phân bón hợp lý, đúng cách, tiết kiệm, hiệu quả, cân đối, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ và các nguồn vật liệu hữu cơ để thay thế một phần phân bón vô cơ.
Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI), gieo sạ né rầy, ứng dụng công nghệ sinh thái, mô hình quản lý dịch hại tổng hợp, mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, mô hình liên kết sản xuất.
Chủ trì, phối hợp với các địa phương và tổ chức, cá nhân xây dựng mô hình sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối, hiệu quả.
Bộ NN&PTNT yêu cầu Cục Trồng trọt chỉ đạo, giám sát và hướng dẫn các địa phương áp dụng tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất giảm chi phí đầu vào trong sản xuất nông nghiệp.
Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu Thanh tra Bộ cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về sản xuất, kinh doanh, quản lý chất lượng phân bón, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, phân bón chưa được công nhận lưu hành, các hành vi gian lận trong ghi nhãn, trục lợi đẩy giá phân bón lên cao.
Theo nhận định của Tập đoàn Vinacam (đơn vị nhập khẩu phân bón) về tình hình thị trường phân bón quý I/2022. Cụ thể, giá Kali bột sẽ tiếp tục duy trì ổn định ở mức 13.000.000 - 13.500.000 đồng/tấn và xu hướng này có thể sẽ kéo dài đến tháng 2/2022. Riêng Kali miểng sẽ tiếp tục đứng ở mức cao 17.000.000 - 17.500.000 đồng/tấn và sẽ hướng tới 18.000.000 đồng/tấn vào cuối quý I/2022 do nguồn cung khan hiếm.
Đối với DAP, cùng với quyết định cấm xuất khẩu của Trung Quốc, Nga đã có động thái siết lại hạn ngạch đối với sản phẩm phân bón nitơ và phân tổng hợp chứa nitơ. Do vậy, giá DAP sẽ vẫn duy trì đà tăng trưởng và dự kiến DAP nâu sẽ sớm vượt mức 23.000.000 đồng/tấn, DAP xanh Hồng Hà và DAP Hàn Quốc là 24.000.000 - 25.000.000 đồng/tấn.
Bản tin của Vinacam cho biết, phân DAP sản xuất trong nước tiếp tục khan hiếm do tình hình quặng Apatit không được cải thiện.
Thy Lê