Cây lục bình có khả năng sinh sôi nhanh chóng nên hay làm tắc nghẽn dòng chảy, cản trở sự đi lại của thuyền bè và gây khó khăn cho hầu hết các hoạt động trên sông. Trước đây, lục bình được xử lý bằng cách vớt lên phơi khô rồi đốt bỏ, nhưng có nhiều người lại dùng thuốc trừ cỏ để tiêu diệt. Cách làm này gây ô nhiễm môi trường, hủy hoại vi sinh vật ở dưới nước và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Chi phí thấp, phù hợp thực tiễn
Với mong muốn có thể tận dụng loại cây này nhưng vẫn bảo đảm sinh thái môi trường, HTX Cây Trôm đã áp dụng quy trình sản xuất phân bón hữu cơ để phục vụ trong nông nghiệp.
Ông Bùi Văn Tuấn, Giám đốc HTX Cây Trôm, cho biết Vĩnh Hưng là miền sông nước nên lục bình rất dồi dào. Chỉ cần bỏ công sức thu vớt hoặc thu mua của người dân là có thể có nguyên liệu làm phân bón mà không phải tốn quá nhiều chi phí.
Lục bình là nguyên liệu hữu ích để sản xuất phân hữu cơ. |
“Nếu sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ từ cây lục bình theo đúng hướng dẫn của các ngành chức năng thì không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất, hướng đến nền nông nghiệp sạch mà còn chung tay cùng chính quyền địa phương giải quyết vấn nạn lục bình”, ông Tuấn chia sẻ.
Lục bình có thể ủ nguyên cây nhưng cách này sẽ kéo dài thời gian phân hủy. Thay vào đó, HTX thực hiện xay nhuyễn lục bình bằng máy rồi kết hợp với chế phẩm sinh học ủ kín trong khoảng 3 tuần.
Sau 3 tuần, lục bình đã cơ bản phân hủy thành phân nhưng HTX sẽ thực hiện hong phơi nguồn nguyên liệu này ở nơi có nhiệt độ thích hợp để đạt độ khô nhất định. Phân sẽ được bổ sung thêm đạm cá, phân gà, kẽm, lân và cuối cùng đem ép thành viên rồi đóng gói. Ngoài ra, HTX còn kết hợp ủ lục bình với nguồn phân bò, rơm, vi sinh để nâng cao chất lượng và số lượng.
Nếu sản xuất đơn thuần, trung bình 10kg lục bình tươi sẽ làm ra 1kg phân hữu cơ. Hiện nay, HTX còn thu mua lục bình tươi từ nông dân với giá khoảng 3.000 đồng/10kg. Trong khi đó, giá phân bón tại Đồng bằng sông Cửu Long đang ở mức 18.000- 23.000 đồng/kg. Như vậy, việc sản xuất phân hữu cơ từ lục bình của HTX rẻ hơn phân bón trên thị trường rất nhiều lần.
Trước đây, mỗi năm HTX phải nhập trên 200 tấn phân bón hữu cơ (do người dân tự sản xuất) với giá khoảng 6.000 -7.000 đồng/kg, đó là chưa tính các loại phân bón khác. Nhưng hiện nay, HTX đã chủ động được nguồn phân hữu cơ phục vụ cho thành viên.
Mong muốn mở rộng quy mô
Phân bón hữu cơ từ lục bình không những tốt cho cây trồng, giúp tăng độ phì nhiêu cho đất, tăng hàm lượng keo đất, giúp đất tơi xốp màu mỡ, mà còn dễ sản xuất. Sử dụng loại phân này bón cho cây trồng giúp HTX giảm 30% lượng phân hóa học, tiết kiệm chi phí sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân và hạn chế được ô nhiễm môi trường.
Anh Nguyễn Thái Hòa (thành viên HTX) cho biết anh đang dùng phân hữu cơ từ lục bình để bón cho 35ha lúa. Không chỉ giúp cây lúa phát triển tốt hơn, loại phân này còn giúp đất màu mỡ. Đặc biệt, giá phân hữu cơ từ HTX bán cho thành viên thấp hơn so với bên ngoài từ 30-40%, góp phần giúp thành viên giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác.
Nến như sử dụng phân hóa học để sản xuất, thành viên HTX phải mất rất nhiều công cày ải, xới đất cho tơi xốp. Còn bây giờ thì không cần, vì phân được ủ từ lục bình có nhiều vi sinh vật hữu ích nên đất rất tơi xốp.
Lục bình sau khi ủ được hong khô để ép thành viên. |
Việc HTX Cây Trôm thực hiện sản xuất phân hữu cơ từ lục bình đã góp phần nâng cao ý thức của bà con về tận dụng khai thác những sản phẩm sẵn có tại địa phương để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là cách giúp người dân làm quen và từng bước gắn bó với kiểu canh tác thân thiện môi trường.
Đặc biệt, hoạt động thu gom và xử lý lục bình thành phân hữu cơ đã góp phần giải quyết được lượng bèo trên sông để khơi thông dòng chảy, làm thông thoáng diện tích mặt nước của các con sông, hạn chế được nơi cư trú của dịch hại, nhất là chuột.
Tuy nhiên, nếu cứ mãi thu hoạch và sản xuất với số lượng lớn thì lục bình cũng sẽ dần bị cạn kiệt, trong khi loại cây này còn được thu gom để làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Để bảo đảm sản xuất theo hướng bền vững, HTX đang hướng dẫn thành viên và người dân áp dụng nguyên tắc: chỉ khi lục bình chiếm trên 50% diện tích mặt nước thì mới tiến hành vớt để phục vụ làm phân. Đi cùng đó là chú trọng thu hoạch trước những cây già, có chiều cao từ 15-20cm trở lên, còn những cây thấp và non sẽ thu hoạch sau. Như vậy sẽ giúp lục bình có thời gian sinh trưởng và phát triển.
Dù đã đạt được những kết quả khả quan nhưng các thành viên HTX vẫn có những lo lắng về cơ sở vật chất. Hiện nay, HTX chỉ có 1 máy nén viên với công suất thấp, trong khi nhu cầu sử dụng phân bón hữu cơ của HTX rất lớn.
Giám đốc Bùi Văn Tuấn cho biết hiện HTX chỉ có thể sản xuất phục vụ khoảng 200ha, còn nhiều hơn nữa phải đầu tư thêm trang thiết bị và vốn ban đầu để thu mua lục bình tươi từ nông dân về ủ. Chính vì vậy, HTX rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, góp phần cho việc sản xuất phân hữu cơ có cơ hội mở rộng thị trường.
Như Yến