Tại Hội thảo tiềm năng kinh tế số Việt Nam do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia phối hợp với Tập đoàn Google tổ chức chiều ngày 18/10, ông Jacques Morisset, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, kể câu chuyện xảy ra vào cuối tuần qua là ông bị mất điện thoại, cảm thấy bối rối vô cùng vì không thể kết nối số với thông tin. Nói điều này để thấy số hóa là tất yếu mà chúng ta không thể trốn tránh hay thay đổi. Khi tất yếu thì quan trọng là Việt Nam tận dụng nó nhiều nhất có thể.
Đem lại 74 tỷ USD vào năm 2030
Nhắc tới 2 năm trước khi mới sang Việt Nam, lúc đó, ông Jacques Morisset cảm nhận là Việt Nam có bước tiến nhích hơn châu Phi về kinh tế số. Và, sau thời gian làm việc tại Việt Nam, ông thay đổi nhận định của mình rằng, trong cuộc đua bắt kịp công nghệ số Việt Nam sẽ đi nhanh, bắt kịp so với các nước tiên tiến trên thế giới.
Kinh tế số đem đến cơ hội lớn nhưng cũng đặt ra thách thức không nhỏ trong việc đào tạo nguồn nhân lực bị mất việc làm vào "tay" người máy. |
Theo chuyên gia của WB, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã và đang tiến nhanh, nhảy vọt về kinh tế số, với hơn 60% DN sử dụng công nghệ số trong kinh doanh khi dịch COVID-19 xảy đến. Tuy nhiên, về pháp lý, khuôn khổ chính sách cho kinh tế số không được đánh giá tốt. "Năng lực hấp thu công nghệ mới thì Việt Nam thích nghi nhanh trong giai đoạn COVID-19 nhưng công nghệ chưa ở mức cao", chuyên gia WB đánh giá.
Báo cáo tiềm năng kinh tế số Việt Nam, đại diện nhóm nghiên cứu của Google cho hay, nếu được tận dụng tối đa trong nền kinh tế, công nghệ số có thể đem lại hơn 1,733 triệu tỷ đồng (74 tỷ USD) cho Việt Nam vào năm 2030. Khoản tiền này tương đương 27% GDP của Việt Nam trong năm 2020. Dự kiến, các lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất là sản xuất, nông nghiệp và thực phẩm, giáo dục và đào tạo.
Tuy nhiên, báo cáo của Google cũng đưa ra một số rào cản trong khai thác lợi ích từ công nghệ số. Những rào cản này bao gồm các quy định pháp lý, khả năng kết nối kỹ thuật số, thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng số. Nghiên cứu do Liên minh Internet Á Châu (AIC) thực hiện cho thấy các quy định về nội địa hoá dữ liệu và bảo vệ dữ liệu kết nối chậm, tốc độ băng thông rộng trung bình ước tính chậm hơn đáng kể so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á (chậm hơn khoảng 10 lần so với Singapore, chỉ bằng 1/3 Malaysia và 1/2 Thái Lan).
Ở góc độ DN công nghệ, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom chia sẻ, trong cuộc họp về phòng chống dịch COVID-19 diễn ra cuối tuần qua, Thủ tướng nhấn mạnh ứng dụng công nghệ, dữ liệu trong 5 yêu cầu về chống dịch. Điều này thể hiện vai trò lớn của công nghệ. Tuy nhiên, để Việt Nam phát triển kinh tế số, lãnh đạo FPT Telecom khuyến nghị Chính phủ là người dùng lớn nhất về công nghệ, ứng dụng công nghệ, dữ liệu, sau đó giúp thị trường phát triển.
"Khi đã nói tới dữ liệu thì tính hiệu quả là cần làm sao chia sẻ được dữ liệu. Dữ liệu phải được quản lý tập trung, khai thác, việc chưa thành công ứng dụng công nghệ trong chống dịch vừa rồi là bài học liên quan đến không thống nhất và chia sẻ dữ liệu", ông Tiến nhìn nhận.
FPT Telecom đang làm việc trực tiếp với DN thuỷ hải sản, cơ khí, nông nghiệp, thấy rằng "Người Việt Nam linh hoạt, linh động, sẵn sàng học cái mới, hãy tin vào họ. Tương lai những ngành phi truyền thống có thể sẽ ứng dụng công nghệ tốt hơn cả những DN công nghệ - những người mà hay nói nhiều về công nghệ như chúng tôi", ông Nam chia sẻ.
Nguy cơ mất hàng triệu việc làm
Tuy nhiên, Chủ tịch FPT Telecom cũng chỉ ra lo ngại về một thực tế, mặt trái của kinh tế số là 5-7 năm nữa sẽ có hàng triệu người trẻ Việt Nam mất việc làm vì kinh tế số. Cụ thể, 2,7 triệu công nhân may, 1,7 triệu công nhân giày da, 1 triệu công nhân lắp ráp điện tử sẽ mất việc. Lý do rất đơn giản bởi vì khi ấy thì người máy sẽ thay thế.
Ông Tiến nhìn nhận, nếu trước COVID-19, người ta còn băn khoăn đưa người máy vào các nhà máy Việt Nam, nhưng sau dịch, ông dám khẳng định hàng loạt người máy sẽ được đưa vào nhà máy. Hiện, giá người máy cũng rất rẻ, từ 300.000 USD, nay tụt xuống còn 40.000 USD/người máy, khi ấy chúng ta không có cách nào đua được với năng suất lao động, thời gian làm việc với người máy. Và như thế, hàng triệu người trẻ, còn rất trẻ sẽ thất nghiệp.
"Đào tạo hàng triệu người trẻ đang thuộc về Chính phủ, bộ ngành với tầm nhìn dài hạn, chiến lược hơn, chứ DN chỉ giải quyết được phần nhỏ", ông Tiến nhìn nhận.
Chủ tịch FPT Telecom khuyến nghị: Việt Nam phải đào tạo lực lượng lao động trẻ để trở thành công dân toàn cầu, được trang bị kiến thức hiện đại, kỹ năng giao tiếp, ngôn ngữ và thói quen lao động, kỷ luật toàn cầu.
Đặc biệt, lãnh đạo FPT Telecom cũng chia sẻ, đến thời điểm này, ông chưa gặp DN nào chưa chuyển đổi số mà "chết", nhưng bản thân ông cũng không biết 5 năm nữa, DN chưa chuyển đổi số có còn tồn tại hay không? Đây chắc chắn là câu hỏi lớn.
Vậy phải làm gì để biến Việt Nam thành nền kinh tế số? Ông Jacques Morisset nhấn mạnh vào việc nâng cấp kỹ năng số của lực lượng lao động, chuyển dịch từ công việc biến mất sang công việc mới, gỡ bỏ trở ngại pháp lý cho dịch chuyển lao động. Đồng thời, Việt Nam cần tạo ra cộng đồng DN sáng tạo và năng động. DN Việt Nam cần khả năng thích nghi nhanh với công nghệ mới.
Theo đó, Chính phủ Việt Nam cần giảm trở ngại để DN tham gia thị trường, cần hỗ trợ về mặt tài chính cho DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp sáng tạo... Cần có sự điều phối giữa các cơ quan nhà nước trong việc thúc đẩy kinh tế số.
Đại diện DN đổi mới sáng tạo, ông Vũ Thái Hà, Giám đốc điều hành eDoctor mong muốn Nhà nước, Chính phủ hãy là người tiêu dùng lớn nhất các sản phẩm startup. Nếu chúng ta có chính sách tạo cơ hội cho các startup phát triển, thông qua cơ chế dự án thử nghiệm, sandbox thì DN sẽ phát triển. Quốc gia sẽ hưởng lợi, nền kinh tế ngày càng phát triển.
Ông Trần Duy Đông Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Kinh tế số được nhắc đến khá lâu trước khi xuất hiện khái niệm cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19, Việt Nam cần đẩy nhanh phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế số. Với trách nhiệm của mình, Bộ KH&ĐT cũng đã tham mưu tới Chính phủ nhiều chính sách, góp phần phát triển kinh tế số, đồng thời đề xuất cơ chế chính sách phát triển trong thời gian tới nhằm tối ưu nguồn lực cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi mô hình kinh tế truyền thống sang kinh tế truyền thống. Ông Huỳnh Lâm Hồ CEO Haravan Chúng tôi kỳ vọng nhiều vào chính sách hỗ trợ cho nhà bán lẻ Việt Nam. Hiện nay, người tiêu dùng cuối đang có nhu cầu mua sắm online rất lớn nhưng các nhà bán lẻ Việt Nam dường như chưa dịch chuyển nhanh, chưa đủ mạnh để cạnh tranh. Do vậy, chính sách cần xem xét tạo ra hỗ trợ cho DN. Ví dụ có chính sách đào tạo, phối hợp với các đơn vị như Google để giúp cho DN Việt Nam tiếp cận được khách hàng online, tạo lợi thế cạnh tranh so với các nền tảng công nghệ từ nước ngoài. PGS.TS. Trần Trọng Nguyên Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển Việt Nam cũng cần cơ chế chính sách phát triển nguồn nhân lực phát triển kinh tế số. Có nhiều hơn chương trình đào tạo lan tỏa hiểu biết về kinh tế số tới các đối tượng. Vừa qua, chúng ta nói nhiều về kinh tế số nhưng nhiều người chưa hiểu rõ, kể cả lãnh đạo. Đồng thời, phát triển nhân lực phục vụ cho nền kinh tế số, cơ quan nào là đơn vị điều phối. Chúng ta cần có chiến lược phát triển từ cấp trung ương tới địa phương. Cũng như, các trường đại học tăng cường nền tảng liên quan tới đào tạo về nền tảng công nghệ, kinh tế số. |
Nhật Linh