Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực hơn 2 năm. Đây được xem là thời điểm thích hợp để nhìn lại chặng đường đã đi qua, đánh giá kết quả đạt được, những vấn đề cần khắc phục.
53% DN không biết về ưu đãi thuế
Với hơn 90% sản lượng được xuất khẩu (XK) ra nước ngoài, Hiệp định CPTPP có tác động cực kỳ lớn với ngành da giày Việt Nam. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) nhìn nhận, CPTPP là cơ hội lớn cho ngành da giày phát triển XK và thu hút đầu tư.
DN FDI ngành da giày đang tận dụng tốt Hiệp định CPTPP hơn DN nội. |
Trên thực tế, theo bà Xuân, nhờ việc tham gia CPTPP mà làn sóng đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ của ngành da giày được đẩy mạnh. Trong 5 năm trở lại đây, ngành da giày chủ động được 55% nguyên phụ liệu trong nước. XK da giày sang các nước CPTPP đã tăng trưởng 13% so với tổng XK trước đây, tiếp cận tốt thị trường Canada và Mexico.
"Hiệp định này được thực thi, các nhà nhập khẩu trực tiếp từ Canada, Mexico đã tìm tới Việt Nam nhiều hơn. Trong 11 nước thành viên CPTPP, da giày Việt Nam đã XK được qua 9 nước, trừ Brunei - do đặc thù thị trường nhỏ, chủng loại họ cần không phù hợp với hàng sản xuất của Việt Nam", bà Xuân nói.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Lefaso cũng thừa nhận, nếu nhìn sâu vào con số XK của ngành thì thấy rằng DN FDI đang tận dụng hiệu quả CPTPP hơn DN Việt Nam rất nhiều. Nguyên nhân là do DN FDI có quy mô lớn, tiềm lực mạnh nên dễ dàng đáp ứng được các tiêu chuẩn mà CPTPP đặt ra. Trong khi đó, DN Việt Nam chủ yếu loay quanh "ao làng", quy mô nhỏ bé.
Còn theo báo cáo "Việt Nam sau 2 năm thực hiện CPTPP từ góc nhìn DN" của VCCI, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan CPTPP của hàng hóa XK Việt Nam năm 2019 chỉ đạt 1,67%, mức rất thấp không chỉ so với mức trung bình năm 2019 (37,2%) mà còn so với tỷ lệ tận dụng năm đầu tiên của nhiều FTA. Đây là chỉ dấu rất đáng quan ngại cho thấy khả năng hiện thực hóa các lợi ích XK trực tiếp từ Hiệp định này của Việt Nam còn hạn chế.
Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, XK của Việt Nam đi các thị trường đã phê chuẩn CPTPP chỉ đạt kim ngạch xấp xỉ năm 2019. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan CPTPP trong năm thứ 2 đã được cải thiện, đạt 4% trong trung bình, riêng với các thị trường mới là Canada và Mexico là 17%.
Lý do khiến DN không tận dụng được ưu đãi thuế quan CPTPP tập trung ở 2 nhóm chính. Một là các lý do tích cực như thuế MFN (ưu đãi tối huệ quốc) đã là 0% nên không cần thiết sử dụng ưu đãi thuế quan (43% DN đề cập) hay đã sử dụng ưu đãi thuế theo các FTA khác (37%)... Bên cạnh đó còn nhiều nguyên nhân tiêu cực như không đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ (40%), gặp vướng mắc về thủ tục hay để lỡ hạn xin cấp chứng nhận xuất xứ (20%) thiếu các giấy tờ vận chuyển cần thiết (15%)... Đáng chú ý, lý do lớn nhất mà cũng gây tiếc nuối nhiều nhất là việc DN không biết về ưu đãi thuế CPTPP cho lô hàng của mình (45% DN nêu lý do này).
Với các DN dân doanh, lý do phổ biến nhất (53% DN nêu) là không biết về ưu đãi thuế quan CPTPP. Dường như sự chủ động tìm hiểu thông tin đang là vấn đề lớn nhất hạn chế các DN này hưởng lợi từ ưu đãi này của Hiệp định.
Với 80% DN 100% vốn nhà nước, lý do khiến họ chưa tận dụng được ưu đãi thuế quan CPTPP nằm ở việc "nguồn nguyên liệu, công đoạn sản xuất của DN... không đáp ứng được các quy tắc xuất xứ". Rõ ràng, sự linh hoạt trong chuỗi cung ứng và dây chuyền sản xuất kinh doanh có lẽ là bài toán cần sớm có lời giải để nhóm này có thể chớp các cơ hội từ CPTPPP nói riêng và các FTA nói chung.
Trong khi đó, việc không hưởng ưu đãi thuế CPTPP của DN FDI lại là sự lựa chọn có chủ ý rõ ràng, khi họ từ bỏ ưu đãi thuế CPTPP chủ yếu do thuế MFN hoặc thuế theo các FTA tốt hơn CPTPP.
Tăng nội lực trong nước
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) bình luận: "Nhiều khi hay dùng câu nói "Trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường" là vậy. Chúng ta cố gắng để đàm phán hiệp định nhưng DN FDI mới là người tận dụng tốt cơ hội hơn, họ biết cơ hội dành cho mình ở đâu. Trong khi đó, rất ít DN Việt Nam chủ động nói với nhà nhập khẩu rằng hãy mua hàng của chúng tôi đi để được giảm thuế".
Nhìn nhận vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nêu lên thực tế nhiều nước không nằm trong khối CPTPP nhưng lại nhìn thấy cơ hội mà CPTPP đem lại cho Việt Nam. Do đó, trước khi CPTPP có hiệu lực, DN của họ đã đầu tư ở Việt Nam để tận dụng lợi thế mà Việt Nam có để XK.
"Chúng ta thu hút được đối tác ngoài CPTPP nhưng chưa thu hút được đối tác trong CPTPP, chưa thấy dòng vốn từ Nhật Bản, Singapore đầu tư sang lĩnh vực mà Việt Nam thực sự cần", bà Lan đánh giá.
Theo đó, chuyên gia kinh tế này cho rằng, các ngành sản xuất của Việt Nam cần tăng nội lực, tránh để các DN nước ngoài lợi dụng chúng ta làm điểm trung chuyển hàng hóa để hưởng lợi thuế từ CPTPP cũng như các FTA khác. Thậm chí, nếu không cẩn thận, chính ngành sản xuất, DN Việt Nam sẽ chịu "trái đắng" khi bị các thị trường lớn trừng phạt vì nghi vấn "tiếp tay", giả mạo xuất xứ.
Ở góc độ DN, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Lefaso Phan Thị Thanh Xuân kiến nghị các DN cần phải có thông tin một cách đẩy đủ về Hiệp định CPTPP. Sau đó, DN yếu ở đâu thì Nhà nước cần hỗ trợ ở đấy. Ví dụ, hỗ trợ về vốn, nhân lực, thị trường... Nếu các giải pháp này được làm triệt để, rốt ráo thì DN Việt Nam sẽ vươn xa được.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang thì cho rằng, từ kết quả 2 năm đầu thực thi CPTPP, Chính phủ và DN Việt Nam cần rút kinh nghiệm để "dọn mình" tốt hơn, sẵn sàng thực thi hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Liên quan tới việc tổ chức thực thi CPTPP, cần có một đầu mối chính thức để thông tin, tư vấn và giải thích về nội dung cam kết cho DN và các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm thực thi. Các hoạt động hỗ trợ DN cần tập trung vào các hoạt động thực chất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, xúc tiến thương mại ở tầm quốc gia một cách hệ thống, đặc biệt là ở các thị trường mới, cập nhật thông tin thị trường và kết nối cung - cầu.
Với các DN, việc nâng cao năng lực cạnh tranh, bắt đầu từ năng lực cạnh tranh của sản phẩm, không chỉ là công việc thường xuyên phải thực hiện, mà còn là "chìa khóa" để DN chớp được các cơ hội từ quá trình hội nhập CPTPP.
Ông Vũ Tiến Lộc Chủ tịch VCCI CPTPP là hiệp định thương mại có mức độ tự do hoá cao nhất, có nhiều cam kết mở cửa nhất, phức tạp nhất nhưng cũng thách thức nhất với Việt Nam. Các cam kết của CPTPP khó tới nỗi, dù đã có hiệu lực trong 2 năm nhưng đến nay có những đối tác vẫn chưa phê chuẩn Hiệp định. Chúng ta là nước tiên phong trong việc phê chuẩn thực hiện CPTPP. Điều này thể hiện quyết tâm hội nhập của Việt Nam. CPTPP là chính là một trong những hiệp định thể hiện sự hội nhập đỉnh cao nhưng đi liền với hội nhập đỉnh cao thì cũng có những thách thức đỉnh cao mà DN Việt Nam phải vượt qua. Ông Nguyễn Anh Dương Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) Làm thế nào để DN Việt Nam quan tâm tới việc đáp ứng tiêu chuẩn phi thuế quan tại thị trường CPTPP cũng là vấn đề mà chúng ta cần lưu tâm, bởi điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc khai thác hiệu quả Hiệp định này hay không. Tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn... của thị trường CPTPP cao hơn Việt Nam rất nhiều. Nói điều này để thấy sự thích ứng của DN rất quan trọng, chất lượng sản phẩm cần phải luôn được cải tiến, nâng cao. Bà Nguyễn Cẩm Trang Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Thị phần hàng hóa XK của Việt Nam tại các nước đối tác CPTPP phần lớn còn thấp (chiếm 3,1% ở Nhật Bản, 1,9% tại Australia, 1,6% tại New Zealand, 1,3% tại Mexico...). Rõ ràng là DN cần chủ động tìm hiểu các cơ hội ưu đãi, thay đổi tư duy kinh doanh, cải thiện năng lực cạnh tranh. Đồng thời, DN cần nghiên cứu kỹ thị trường, tìm hiểu kỹ thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng. Thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển của DN. |
Lê Thúy