Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, trong 8 tháng năm 2020, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với các nước châu Mỹ đạt 69,3 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là một tín hiệu tích cực trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
CPTPP đang bị 'tủi thân'
Thời gian qua, một số hiệp định thương mại quan trọng đã và đang được thiết lập để tạo nên nền tảng tích cực cho phát triển hợp tác kinh tế - thương mại mới giữa Việt Nam với châu Mỹ như: Hiệp định thương mại song phương với Mỹ ký năm 2000; Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Chile ký năm 2011; Hiệp định thương mại với Cuba ký năm 2018; Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ký năm 2018 và đi vào hiệu lực năm 2019, trong đó có Canada, Peru, Mexico của khu vực châu Mỹ là những quốc gia lần đầu tiên có quan hệ tự do thương mại với Việt Nam. Hiện nay, FTA với khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) cũng đang được trao đổi về khả năng đàm phán.
Xuất khẩu dệt may vẫn chưa tận dụng được nhiều cơ hội từ CPTPP. |
Điều đó cho thấy, cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Mỹ là rất lớn nhưng Việt Nam vẫn đang bỏ lỡ khá nhiều. "Cơ hội còn lớn tại sao doanh nghiệp không tận dụng được", ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên nêu ra băn khoăn khó hiểu này.
Ông Khanh kể: "Cách đây một tháng, tôi có trò chuyện với đại diện một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu hàng dệt kim sang Mỹ. Được biết, doanh nghiệp này xuất khẩu 2 container hàng dệt may sang thị trường này mỗi năm, thu về 100.000 USD. Tôi có hỏi sao không xuất khẩu sang Canada - nước láng giềng với Mỹ. Rất bất ngờ, doanh nghiệp bảo rằng xuất khẩu được sang Mỹ là đủ rồi. Tại sao doanh nghiệp không nghĩ rộng ra, cố gắng thêm một chút để tận dụng cơ hội từ CPTPP mang lại tại thị trường Canada. Nếu tận dụng được, có thể giá trị xuất khẩu mà doanh nghiệp thu về tăng lên gấp 3-4 lần, thậm chí 10 lần".
Vì vậy, đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên cho rằng dường như nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã quên mất sự hiện diện của Hiệp định CPTPP.
"Hiệp định CPTPP đang rất rủi thân. Chúng tôi đánh giá kết quả thực hiện CPTPP sau một năm có hiệu lực đã thấy chỉ có 40 tỉnh thành có phát sinh hoạt động xuất nhập khẩu với các nước CPTPP như Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Úc, New Zealand - đây đều là những nước đã có các FTA với Việt Nam. Còn các nước chưa có FTA với Việt Nam trước khi CPTPP có hiệu lực như Mexico, Canada thì tỷ lệ xuất khẩu rất hạn chế", ông Khanh cho biết.
Bên cạnh đó, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên cũng chỉ ra một tư duy thích làm gia công là câu chuyện khổ lắm nói mãi của doanh nghiệp Việt Nam. Làm theo phương thức này cho đơn giản, đỡ phải suy nghĩ nhiều.
Còn theo ông Lucas Trần, Giám đốc Công ty GSS, điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam là thiếu kết nối nội bộ nên hay xảy ra tình trạng nhận đơn hàng về mà năng lượng sản xuất không đáp ứng được, không đảm bảo chất lượng, tiến độ giao hàng. Tình trạng này xảy ra do doanh nghiệp chưa đánh giá được rủi ro khi nhận đơn hàng.
Nắm bắt xu hướng tiêu dùng mới
Trong khi đó, ông Bùi Huy Sơn, Tham tán công sứ, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cũng chỉ ra những thách thức mà các doanh nghiệp gặp phải nếu muốn đưa hàng vào thị trường Mỹ như: sau đại dịch COVID-19 chắc chắn thói quen của người dùng đã thay đổi. Điều này đòi hỏi, doanh nghiệp Việt Nam phải kịp thời nhận biết xu hướng này.
Ngoài việc chuẩn bị năng lực sản xuất, điều kiện tham gia thị trường, doanh nghiệp còn phải đáp ứng đúng nhu cầu mới của thị trường như mua sắm trực tuyến, thiết kế sản phẩm, đóng gói bao bì thế nào để tận dụng ngay thị trường khi cơ hội mở ra sau đại dịch.
Đặc biệt, với thị trường Mỹ, ông Sơn lưu ý khi tham gia hợp tác đầu tư, kinh doanh, doanh nghiệp cần đảm bảo truy xuất nguồn gốc của sản phẩm. Hiện nay, cơ quan chức năng Mỹ hết sức quan tâm tới hoạt động đầu tư có dấu hiệu gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ.
"Chúng ta cần phải cẩn trọng để không trở thành nạn nhân đáng tiếc trong việc trở thành điểm trung chuyển hàng hóa cho quốc gia thứ ba", đại diện Thương vụ Việt Nam tại Mỹ khuyến cáo.
Chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu hàng sang thị trường châu Mỹ, ông Đức Anh, đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết tập đoàn chủ động xúc tiến tìm kiếm cơ hội xuất khẩu vào thị trường CPTPP như Mỹ, Canada, Mexico... Kinh nghiệm đúc rút được trong các lần làm xúc tiến là phải có sự chuẩn bị tương đối kỹ về mặt hàng mục tiêu, đem theo hàng mẫu của sản phẩm đi kèm, đồng thời có một đội ngũ tính giá trực tiếp chào hàng cho người mua khi khách hàng có yêu cầu.
Theo đại diện Vinatex, khó khăn tiếp cận thị trường châu Mỹ có lẽ là yếu tố liên quan tới tìm hiểu thông tin người mua, đánh giá năng lực đặt hàng của khách hàng. Tiếp cận người mua cuối cùng và bỏ qua chi phí trung gian.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, đại dịch COVID-19 từ đầu năm 2020 đã có những tác động xấu tới nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam và các nước châu Mỹ. Đơn hàng giảm, chuỗi cung ứng đứt gãy, thất nghiệp gia tăng là những khó khăn lớn mà cộng đồng doanh nghiệp đang gặp phải.
Tuy nhiên, khó khăn tới cũng là lúc cơ hội phát triển mới cho những doanh nghiệp biết thích ứng, nắm thông tin và có chiến lược phát triển phù hợp để nắm bắt cơ hội. Bộ Công Thương kỳ vọng doanh nghiệp sẽ vượt qua khoảng cách địa lý, khoảng cách do dịch bệnh để kết nối được với các đối tác từ châu Mỹ, tận dụng được "con đường" mà Hiệp định CPTPP đã mở ra.
Nhật Linh