Sáng 7/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo 2 năm thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP) tại Việt Nam. Hiệp định CPTPP có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/1/2019, tính tới nay đã hơn 2 năm.
Hiệp định CPTPP có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/1/2019. |
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, Hiệp định CPTPP nằm trong tốp 3 FTA được doanh nghiệp (DN) tham gia khảo sát đánh giá cao nhất, với 51% DN cho rằng Hiệp định có tác động tương đối hoặc rất tích cực với hoạt động kinh doanh của mình thời gian qua (chỉ thấp hơn các FTA với Nhật Bản, gần tương đương các FTA với Hàn Quốc).
"Với một Hiệp định mới chỉ có hiệu lực một năm rưỡi, lộ trình thuế quan hầu như chưa có lợi thế so với các FTA đã có, đây là kết quả lạc quan một cách bất ngờ. Thực tế cho thấy, các DN nhìn vào CPTPP không chỉ từ các tác động cụ thể trực tiếp mà như một biểu tượng cho thấy Chính phủ nỗ lực hội nhập kinh tế quốc tế theo chiều sâu", ông Lộc nói.
Tuy nhiên, khảo sát của VCCI cũng cho thấy, 69% DN biết tới CPTPP nhưng 20 DN thì mới có 1 DN hiểu rõ về cam kết CPTPP, 4 DN thì có 3 trường hợp chưa từng cảm nhận lợi ích cụ thể nào của CPTPP đối với mình.
Một thực tế bất ngờ khác nhưng không mấy lạc quan cũng được hé lộ từ đánh giá của DN về tác động chung của Hiệp định CPTPP. Theo đó, trong khi các DN FDI và dân doanh có cảm nhận rõ nét về tác động của CPTPP (với 51-52% DN của nhóm này cho rằng CPTPP có tác động tích cực và lần lượt 6,8% và 2,2% DN đánh giá CPTPP có tác động tiêu cực) thì khối 100% DN nhà nước phần lớn đứng ngoài những tác động này (với 64% DN nhóm này cho rằng CPTPP không tác động gì - với các FTA khác cũng như vậy).
Về các tác động cụ thể của CPTPP, cứ 4 DN thì mới có 1 DN đã từng được trải nghiệm “trái ngọt” từ Hiệp định này. Với 3⁄4 các DN chưa từng hưởng lợi ích trực tiếp nào từ CPTPP, lý do chủ yếu (60%) là họ không có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào liên quan tới thị trường hay đối tác ở khu vực CPTPP trong 2 năm vừa qua.
Chủ tịch VCCI nhìn nhận, khó khăn lớn nhất là năng lực cạnh tranh của chính DN, bên cạnh đó là biến động thị trường. Vì vậy, DN cần hiểu rằng mình phải tự cứu mình. Về phía Nhà nước, ông Lộc khuyến nghị: "Với một FTA khó và phức tạp như CPTPP cần thiết phải có những biện pháp thông tin chuyên sâu, chi tiết và hữu ích hơn cho DN trong thời gian tới".
Lê Thúy