Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, đến nay đã cấp phép cho 97 test xét nghiệm COVID-19, trong đó có 35 test PCR và 39 test kháng nguyên.
Doanh nghiệp bất an về giá
Bộ Y tế đã đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo Sở Y tế, Thanh tra tỉnh tích cực kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, thanh tra, kiểm tra các cơ sở cung cấp dịch vụ xét nghiệm để xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
Nhiều tỉnh, thành cho phép doanh nghiệp được tự xét nghiệm nhanh COVID-19 cho công nhân, nhưng doanh nghiệp lại lo lắng khi không tìm được nguồn hàng giá rẻ (Ảnh: Int) |
"Riêng Bộ Y tế đã thành lập Đoàn kiểm tra do Thanh tra Bộ làm trưởng đoàn đi kiểm tra các tỉnh mà chúng tôi cho rằng cần thanh tra trước để xem xét chấn chỉnh, trước thông tin loạn giá kit test nhanh COVID-19", ông Tuyên cho biết.
Hiện nay, nhiều địa phương đã cho phép doanh nghiệp tự test COVID-19 cho người lao động nhưng bản thân doanh nghiệp lại không thể mua được hàng với giá rẻ, trên thị trường chỉ có một số ít đơn vị bán với giá khá cao. Nhiều ý kiến đề nghị nên tổ chức đấu thầu tập trung hoặc đàm phán giá nhập nhưng đến nay các phương án còn bỏ ngỏ...
Chia sẻ với VnBusiness, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM cho hay, doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận thêm chi phí để đảm bảo vừa sản xuất an toàn vừa phòng chống dịch, song Nhà nước cần phải có giải pháp giúp doanh nghiệp để thống nhất chung một mức giá sàn cho các loại kit test nhanh COVID-19.
"Hiện nay, giá của nhiều loại kit test nhanh đang "chạy lông bông", điều này không chỉ ảnh hưởng tới chi phí của doanh nghiệp mà còn khiến chúng tôi không yên tâm để phục hồi sản xuất. Trước đây, các doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" phải thực hiện test cho công nhân 3 ngày một lần, giờ là 1 tuần/lần. Song đây cũng là mức chi phí không hề nhỏ", ông Hồng cho biết.
Đại diện một doanh nghiệp chế biến gỗ ở Bình Dương cũng cho hay, đang dọn dẹp, khử khuẩn lại nhà máy để đón công nhân trở lại sản xuất. Trước khi tiến hành sản xuất, doanh nghiệp phải tự tổ chức test nhanh cho công nhân. Song đến nay, mỗi đơn vị báo giá một kiểu - vênh giá cả trăm nghìn đồng/bộ, dao động từ 90.000 - 250.000 đồng/bộ/tuỳ loại, khiến doanh nghiệp khá lo lắng.
"Trong lúc dịch, chúng tôi muốn tiết kiệm từng đồng nhưng lại lo ngại giá rẻ hay đắt có ảnh hưởng tới chất lượng hay không?", vị này nói.
Câu chuyện giá kit test nhanh COVID-19 thời gian qua đã là chủ đề nóng. Trong cuộc họp mới đây, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết, rất chia sẻ và cảm thông với áp lực của Thủ tướng và Bộ ban ngành, địa phương trong công tác phòng, chống dịch, ngoài công sức còn tốn kém rất nhiều chi phí, trong đó có chi phí xét nghiệm nhanh.
Tuy nhiên, cũng giống như vắc xin, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đề xuất Bộ Y tế chủ trì cùng các địa phương đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất bộ kit xét nghiệm nhanh để mua số lượng lớn đến 100 triệu bộ với chi phí gốc, theo ông Hồng Anh thì giá khoảng 1,5 USD/bộ.
Trước đó, 14 Hiệp hội doanh nghiệp cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các tổ chức y tế được phép bán kit xét nghiệm theo giá cạnh tranh. Kiểm soát giá kit xét nghiệm như mặt hàng cần bình ổn giá hoặc được Nhà nước trợ giá theo Luật Giá.
Đưa vào danh mục bình ổn giá không khả thi?
Tuy nhiên, về kiến nghị trên, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định thì sản phẩm test nhanh COVID-19 không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá tại Luật Giá và văn bản hướng dẫn thi hành. Cũng theo quy định, trường hợp cần thiết phải điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá quy định tại khoản 2, Điều 15 của Luật Giá, trên cơ sở đề nghị của các Bộ, cơ quan ngang Bộ (Bộ Y tế), UBND các tỉnh, sau đó Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Bộ Tài chính đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu để đánh giá làm rõ sự cần thiết, trong đó đánh giá kỹ về yêu cầu quản lý, những tác động của mặt hàng này đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp... để đề xuất với Bộ Tài chính về việc đưa kit test nhanh COVID-19 vào danh mục bình ổn giá.
Chia sẻ với VnBusiness, một số chuyên gia lại cho rằng, không cần thiết đưa mặt hàng kit test nhanh COVID-19 vào danh mục bình bình ổn giá. Bởi, để thực hiện điều này mất rất nhiều thời gian, thủ tục..., trong khi nhu cầu của doanh nghiệp là cấp thiết.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho hay, mặt hàng kit test nhanh COVID-19 chỉ có nhu cầu lớn trong giai đoạn bùng phát dịch, do vậy nếu chờ đến khi được đưa vào danh mục bình ổn giá thì có lẽ dịch COVID-19 đã được khống chế, doanh nghiệp không còn có nhu cầu. Hơn nữa, giá của mặt hàng này cũng phụ thuộc vào từng thời điểm, xuất xứ ở mỗi quốc gia, mua với số lượng bao nhiêu.
"Quan điểm của tôi là không nên đưa mặt hàng kit test nhanh COVID-19 vào diện bình ổn giá, mà cần coi đó là vật tư thiết bị y tế bình thường - bởi một khi tỷ lệ tiêm vắc xin được mở rộng, tìm ra thuốc đặc trị COVID-19 thì kit test nhanh COVID-19 không có nhiều ý nghĩa. Hiện nay, mặt hàng này được rao bán khá nhiều trên thị trường thế giới", ông Thịnh nhấn mạnh.
Theo đó, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh đề xuất: Giải pháp lúc này mà cơ quan Nhà nước có thể giúp nhanh cho doanh nghiệp là dựa trên mã sản phẩm kit test để xem xét chi phí cấu thành nên giá, qua đó kiểm tra các loại kit bán ở Việt Nam có giá hợp lý hay không. Đồng thời, tăng cường thanh tra, giám sát để ngăn chặn các đơn vị cung cấp mặt hàng này trục lợi dịch bệnh để kiếm lời.
"Thế giới phẳng, mở Google ra là chúng ta biết ngay giá kit test nhanh COVID-19 ở Anh, Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc theo từng loại là bao nhiêu... Sau đó tính toán tất cả các loại chi phí về tới Việt Nam để biết rõ mặt hàng này có bị làm giá hay không", ông Thịnh nói.
Ông Đỗ Thắng Hải
Thứ trưởng Bộ Công Thương
Giá cả mặt hàng kit xét nghiệm nhanh COVID-19 là lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Y tế. Bộ Công Thương cũng rất quan tâm tới vấn đề này nhưng việc nhập, giá cả, chất lượng ra sao thì là trách nhiệm của Bộ Y tế. Còn về đề xuất đưa mặt hàng này vào diện bình ổn giá thì đây cũng là lĩnh vực Bộ Tài chính quản lý. Nếu 2 Bộ Y tế, Tài chính cần ý kiến tham vấn của Bộ Công Thương thì chúng tôi sẵn sàng phối hợp.
TS. Nguyễn Đức Độ
Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính)
Tôi không nghĩ rằng việc đưa mặt hàng kit test nhanh COVID-19 vào diện bình ổn giá là cần thiết. Bởi đây là một câu chuyện rất phức tạp, chưa kể ai sẽ đứng ra bình ổn, tiền ở đâu? Muốn giảm giá kit test nhanh thì thị trường trước hết phải cạnh tranh - nhiều doanh nghiệp tham gia và minh bạch - tức là doanh nghiệp nhập khẩu cập nhật công khai giá cả hàng ngày, lựa chọn đơn vị cung cấp thông qua đấu thầu. Đồng thời, ở góc độ doanh nghiệp thì cần liên kết với nhau trong một hiệp hội để đăng ký mua với số lượng lớn với giá rẻ hơn.
Ông Nguyễn Đình Tùng
Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T group
Chúng tôi có một số nhà máy ở các địa phương, trước giờ, việc xét nghiệm để phục vụ sản xuất theo yêu cầu "3 tại chỗ" đều do Trung tâm y tế ở địa phương phụ trách, chi phí báo thế nào thì doanh nghiệp biết thế đó. Tính toàn hệ thống, trong một tháng chi phí xét nghiệm phải hàng trăm triệu đồng. Riêng ở TP.HCM, thời gian dịch bệnh, cũng như thời gian tới, doanh nghiệp sẽ vẫn chủ động để tổ chức xét nghiệm nhanh cho nhân viên trong văn phòng, nhân viên chuỗi cà phê của mình. Do vậy, tôi mong muốn giá test nhanh của Việt Nam cần phải tiệm cận với mặt bằng chung của thế giới, tránh tình trạng cao hơn quá nhiều, cũng như loạn giá thì doanh nghiệp đã khó lại càng khó hơn.
Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm nếu phát hiện trục lợi giá kit test nhanh COVID-19 Nhìn nhận giá kit xét nghiệm là vấn đề dư luận quan tâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, làm rõ và kịp thời thông tin chính thức tới dư luận. Thủ tướng cho biết đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu công tác mua sắm và sử dụng trang thiết bị, vật tư phòng, chống dịch phải bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch, tuân thủ đúng quy định pháp luật, tránh lãng phí, thất thoát, tiêu cực. Quan điểm của Chính phủ là xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nếu phát hiện vi phạm, công khai kết quả xử lý cho nhân dân. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện Chiến lược tổng thể về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. |
Lê Thúy
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |