Từ phản ánh của báo chí về việc phục hồi sản xuất của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng do thiếu lao động trầm trọng và việc yêu cầu xét nghiệm mỗi nơi mỗi khác, trong khi Nghị quyết số 105 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 đã cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã được tự test Covid-19, nhưng đến nay Bộ Y tế vẫn chưa ban hành hướng dẫn doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế ban hành văn bản hướng dẫn việc doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mua sinh phẩm, thiết bị xét nghiệm, thực hiện việc tự xét nghiệm và công nhận kết quả xét nghiệm.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương ban hành hướng dẫn doanh nghiệp tự thực hiện xét nghiệm. (Ảnh: Int) |
Ngoài ra, Nghị quyết 105 cũng nêu rõ, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương để hướng dẫn cụ thể về việc xét nghiệm và các điều kiện cần thiết đối với người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để sớm được tham gia lưu thông và các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về vấn đề này, trong các cuộc hội thảo trực tuyến về duy trì sản xuất trong dịch Covid-19 gần đây, nhiều doanh nghiệp cho rằng quy định bắt buộc tài xế chở hàng phải có chứng nhận xét nghiệm PCR trong 48 hay 72 giờ và đặc biệt mỗi địa phương lại đưa ra yêu cầu về phối hợp cùng ngành y tế xét nghiệm khác nhau, nơi chấp nhận test nhanh kháng nguyên, nơi lại chỉ chấp nhận xét nghiệm PCR, khiến doanh nghiệp phải "gánh" thêm chi phí rất lớn.
Do đó, các doanh nghiệp kiến nghị, Chính phủ nên xem xét đưa ra quy định chung bằng test nhanh Covid-19 trên cơ sở đảm bảo quy định của Bộ Y tế, thực hiện thống nhất trên toàn quốc và để doanh nghiệp chủ động trong việc xét nghiệm này.
Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, Chính phủ cần phải để doanh nghiệp hoạt động bình thường, tự xét nghiệm và chịu trách nhiệm trên cơ sở đảm bảo an toàn phòng dịch, bởi dịch còn có thể kéo dài. Như vậy, mỗi doanh nghiệp sẽ linh hoạt lựa chọn mô hình sản xuất an toàn, hiệu quả nhất phù hợp với họ.
Đề xuất cho doanh nghiệp tự chủ động xét nghiệm Covid-19 cho người lao động cũng được Ban Nghiên cứu kinh tế tư nhân (Ban IV) nêu trong kiến nghị khẩn gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi đầu tháng 8.
Cũng trong ngày 30/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký văn bản khẩn về việc hướng dẫn xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh đến các bộ, ngành, cơ quan thường trực Chính phủ; UBND các tỉnh thành trực thuộc trung ương.
Theo đó, để tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh tại các địa phương trong tình hình mới, Bộ Y tế đề nghị các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh khẩn trương chỉ đạo triển khai xét nghiệm sàng lọc đối với tất cả các trường hợp người lao động có biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19 như ho, sốt, khó thở... hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan.
Đối với các tỉnh, thành phố có nguy cơ rất cao, phải xét nghiệm hằng tuần tối thiểu 20% người lao động có nguy cơ cao (tổ trưởng tổ sản xuất, quản đốc phân xưởng, lãnh đạo công ty, lễ tân...).
Người cung cấp dịch vụ, nguyên vật liệu trực tiếp cho cơ sở sản xuất, kinh doanh (cung cấp suất ăn, thực phẩm, nguyên vật liệu, dịch vụ bảo vệ, vệ sinh...) xét nghiệm hằng tuần.
Các tỉnh, thành phố có nguy cơ cao hoặc có nguy cơ, xét nghiệm 2 tuần/lần tối thiểu cho 5-10% người lao động nguy cơ cao (tổ trưởng tổ sản xuất, quản đốc phân xưởng, lãnh đạo công ty, lễ tân...).
Xét nghiệm 2 tuần/lần cho toàn bộ người lao động cung cấp dịch vụ trực tiếp cho doanh nghiệp (cung cấp suất ăn, thực phẩm, nguyên vật liệu, dịch vụ bảo vệ, vệ sinh...). Tuy nhiên, với người đã tiêm đủ liều vắc xin (liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng), hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng không thực hiện xét nghiệm.
Bộ Y tế đề nghị cơ sở sản xuất, kinh doanh nếu tự xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 phải được hướng dẫn của trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp tỉnh hoặc trung tâm y tế cấp huyện.
Test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 phải thuộc danh mục đã được cấp số đăng ký lưu hành hoặc cấp giấy phép nhập khẩu của Bộ Y tế. Cơ sở sản xuất, kinh doanh tự chịu trách nhiệm về chất lượng test kháng nguyên, quy trình và kết quả xét nghiệm.
Trung tâm y tế cấp huyện chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện và tiến hành xử lý ngay, đúng quy định khi nhận được báo cáo kết quả xét nghiệm có trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Thanh Hoa