Là một nền tảng số đang có hàng chục triệu người dùng tại Việt Nam, ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc của Tiktok Việt Nam, cho rằng Tikok vẫn là đơn vị rất mới trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT). Thực ra, chức năng TMĐT của nền tảng này mới chỉ xuất hiện ở Việt Nam trong 6 tháng trở lại đây.
Kéo nhiều người dân đến “chợ online”
Tuy vậy, trong sự kiện 60 giờ tại Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2022 (được Bộ Công Thương kích hoạt vào đầu tháng 12 này), các nhãn hàng, doanh nghiệp (DN) sản xuất, phân phối lớn vẫn chọn tổ chức Livestream (phát sóng trực tiếp) trên TikTok.
Các DN vừa và nhỏ cần “làm ấm” thương hiệu ở thị trường mua sắm trực tuyến cuối năm với công nghệ tiếp thị đa kênh trên nền tảng số. |
Ngày mua sắm trực tuyến này (với sự tham gia của hơn 70.000 sản phẩm chính hãng, hơn 500 chương trình khuyến mãi của 400 nhà bán hàng) được cho là tiếp cận 60 triệu người tiêu dùng với trên 100 triệu lượt Top View (dạng video quảng cáo có độ dài từ 5 – 60 giây, hiển thị ngay khi người dùng mở ứng dụng với hình ảnh và âm thanh tự động phát) trên nền tảng số TikTok ở Việt Nam.
Theo ông Thanh, việc sử dụng công nghệ cho TMĐT để làm sao vừa mua được hàng hoá chính hãng vừa giảm được chi phí của hàng chục triệu người dùng Việt Nam trong thời kỳ kinh tế khó khăn là rất quan trọng. Nhất là làm sao để giúp được các sản phẩm địa phương, những đặc sản Việt Nam đến với người dùng trong và ngoài nước.
Chính vì thế, như chia sẻ của vị giám đốc này, Tiktok đã dồn sức để giúp người dân hiểu rằng TMĐT là điều rất bình thường, đó là hơi thở của cuộc sống, vừa mua sắm và vừa giải trí.
Còn theo ông Đỗ Hữu Hưng, Tổng giám đốc của Access Trade Việt Nam (một nền tảng tiếp thị liên kết), việc truyền thông rộng rãi về mua sắm trực tuyến đến gần cả trăm triệu người dân là rất thiết trong lúc này. Hơn nữa, nên có những ưu đãi về giá cả giữa bối cảnh kinh tế khó khăn thì người dân sẽ mua được những sản phẩm chất lượng và giá rẻ ngay trên thị trường TMĐT.
Giới quan sát nhận định để tăng tốc bán hàng vào mùa sắm cuối năm này thì các DN không thể không lưu tâm đến tính hiệu quả của TMĐT (được ví như các “chợ trực tuyến - online”), cũng như cần “làm ấm” thương hiệu với công nghệ tiếp thị đa kênh trên nền tảng số để kéo người dân đến gần với “chợ online”.
Như chia sẻ của ông Nguyễn Mạnh Tấn, người phụ trách marketing của Haravan (chuyên về giải pháp bán hàng đa kênh, dùng để cung cấp cho DN các kênh TMĐT), các DN cần tăng tốc đơn hàng với công nghệ quảng cáo đa kênh.
Dựa trên khảo sát của Haravan cách đây vài tháng với 5.000 nhà kinh doanh vừa và nhỏ cho thấy, có gần 60% đơn hàng online tại Việt Nam được đặt mua trên các sàn TMĐT và các kênh mạng xã hội phổ biến.
Ông Tấn có lời khuyên đến các nhà bán hàng vừa và nhỏ là nên tạo được tài khoản trên các nền tảng quảng cáo phổ biến nhất hiện tại (Google, Facebook, TikTok,...) một cách sẵn sàng và xuyên suốt trong quá trình quảng cáo đa kênh để thu hút người mua trên thị trường TMĐT.
Tận dụng tối đa các lợi thế sẵn có
Ngoài ra, các DN không nên xem nhẹ xu hướng thương mại giải trí trong mua sắm trực tuyến hiện nay. Theo đó, các DN cần cải thiện từ trải nghiệm giải trí đến giỏ hàng, từ sợ bị bỏ lỡ đến giỏ hàng, từ chính sách Affiliate (liên kết) đến giỏ hàng, từ triển khai đa kênh đến giỏ hàng.
Chẳng hạn như từ trải nghiệm giải trí đến giỏ hàng thứ nhất. Đầu tiên, xu hướng của Gen Z (chỉ nhóm người được sinh ra vào khoảng thời gian từ 1997 đến 2012) là độc, lạ, vui nhộn, hài hước lồng ghép bán hàng, cung cấp kiến thức. Tiếp đó là biến khách hàng trở thành fan (người hâm mộ) cuồng. Cuối cùng là các nhà bán hàng cũng cần trở thành chuyên gia nơi khách hàng tìm đến để được hỗ trợ.
Bên cạnh đó, theo giới chuyên gia, hiện có 4 xu hướng TMĐT nổi bật. Thứ nhất là bán hàng đa kênh (Omni Channel) với ứng dụng mạnh mẽ của những thiết bị di động. Thứ hai là thương mại trên các cộng đồng (Social Commerce). Thứ ba là tận tâm chăm sóc, hỗ trợ khách hàng. Thứ tư là tình trạng lạm phát và thắt chặt chi tiêu.
Thực ra, thị trường TMĐT trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp khó khăn, biến động nên có sự giảm nhiệt so với trước kia, thế nhưng những kỳ vọng của người tiêu dùng về mua sắm trực tuyến trong thời gian tới vẫn rất cao. Không chỉ vậy, một nghiên cứu thị trường TMĐT cho thấy, khoảng 75% người mua sử dụng đa dạng kênh như Facebook, website, cửa hàng,…trước khi họ mua hàng.
Mặt khác, có khoảng 73% người dùng TMĐT đã tiếp cận đa kênh trong toàn bộ hành trình trải nghiệm của họ. Chẳng hạn như người tiêu dùng mua hàng ở showroom (phòng trưng bày), sau đó tiếp tục theo dõi thông tin, sản phẩm trên Facebook, website của thương hiệu…
Còn ở góc độ quản lý, trong mùa mua sắm cuối năm này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực TMĐT cần tận dụng tối đa các lợi thế sẵn có, đưa ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá cho khách hàng, đón bắt nhu cầu của người tiêu dùng.
Theo ông Tân, cần thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng đồng bộ các giải pháp hỗ trợ TMĐT như: Thanh toán trực tuyến, chuyển phát thông minh, tiếp thị liên kết, các nền tảng mạng xã hội... Qua đó giúp các DN sản xuất, phân phối, dịch vụ ứng dụng TMĐT, tăng trưởng doanh số và phát triển bền vững.
Cho nên, các DN Việt không được xem nhẹ xu hướng mua sắm trực tuyến và nên xây dựng, thiết kế hệ thống bán hàng đa kênh trên thị trường TMĐT.
Cần lưu ý người mua sẽ có nhiều nhu cầu khác nhau khi mua sản phẩm ngay tại cửa hàng và mua trực tuyến. Vì vậy, sự kết hợp giữa kênh ngoại tuyến (offline) và kênh online của DN sẽ vẫn bổ trợ tối ưu cho nhau để vượt qua những khó khăn, thách thức lớn trong giai đoạn hiện nay.
Thế Vinh