Như một minh chứng cho sự sôi động, phục hồi trở lại của hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu (XK) trong các tháng cuối năm nay, ông Hamza Harti, Giám đốc điều hành FM Logistic Việt Nam tại khu công nghiệp VSIP II (tỉnh Bình Dương) cho biết, mặc dù trung tâm kho hàng phân phối của công ty mới đưa vào vận hành nhưng 20.000m2 đầu tiên của kho hàng đã kín khách thuê.
Những chỉ dấu thuận lợi cho đơn hàng mới
Theo ông Harti, khi nhu cầu tiêu dùng gia tăng trở lại thì nhu cầu kho hàng, dịch vụ logistics phục vụ cho XK của các doanh nghiệp (DN) sản xuất, nhất là những DN trong các khu công nghiệp cũng sẽ tăng lên.
Các DN kỳ vọng những đơn hàng mới sẽ giúp tăng tốc phục hồi XK trong 3 tháng còn lại của năm 2023. |
Ở một diễn biến khác, cũng là một dẫn chứng cho sự hỗ trợ của logistics nhằm thúc đẩy XK, đó là vào cuối tháng 9/2023, lần đầu tiên có chuyến hàng từ từ ga liên vận quốc tế Sóng Thần (Bình Dương) XK thẳng qua Trung Quốc bằng đường sắt.
Lô hàng này gần 500 tấn, đóng trong 19 container, được vận chuyển từ ga Sóng Thần đến ga Yên Viên (Hà Nội). Sau đó, lô hàng tiếp tục được chuyển toa sang toa tàu khổ 1.400 mm để vận chuyển đến ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) và làm thủ tục XK thẳng sang Trung Quốc.
Phương thức vận chuyển, XK hàng hóa bằng đường sắt từ một địa phương tập trung nhiều DN XK lớn như Bình Dương được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng Việt thông qua việc tiết giảm chi phí, rút ngắn thời gian giao nhận hàng. Ngoài ra, hàng hóa sẽ đảm bảo an toàn, không bị va đập, hư hỏng, đúng lịch trình. Đặc biệt, hàng hóa XK vận chuyển bằng đường sắt sẽ được đi thẳng qua biên giới, không bị ách tắc tại cửa khẩu như đường bộ.
Có thể nói những tín hiệu như nêu trên là rất đáng khích lệ. Không chỉ vậy, trong Báo cáo Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) mới nhất của S&P Global công bố ngày 2/10 cho thấy, mặc dù trong tháng 9 chỉ đạt 49,7 điểm (giảm trở lại xuống dưới mốc 50 điểm sau khi đạt trên 50,5 điểm trong tháng 8), nhưng khía cạnh tích cực nhất của kỳ khảo sát này là số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng tháng thứ hai liên tiếp, và tốc độ tăng gần như ngang bằng với kỳ khảo sát trước.
Một số người trả lời khảo sát còn cho biết, tình trạng tăng số lượng đơn đặt hàng XK mới, đặc biệt là từ các nền kinh tế châu Á, đã giúp tổng số lượng đơn đặt hàng mới tăng. Tốc độ tăng số lượng đơn đặt hàng từ nước ngoài là mạnh và đáng kể hơn so với tháng 8/2023.
Cần nhắc lại, cách đây một tháng, số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng tăng đã giúp thúc đẩy hoạt động mua hàng. Đó cũng là lần gia tăng hoạt động mua hàng đầu tiên trong 6 tháng qua và được coi là mức tăng đáng kể nhất kể từ tháng 9/2022.
Thực tế cho thấy sự cải thiện tạm thời trong nhu cầu đã và đang giúp các DN XK gia tăng niềm tin kinh doanh trong các tháng cuối năm này. Tuy XK trong tháng 9/2023 ước chỉ đạt 31,41 tỷ USD, giảm 4,1% so với tháng trước đó, nhưng kim ngạch XK dịch vụ trong quý 3/2023 ước đạt 5,1 tỷ USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước và tăng 11,6% so với quý trước.
Tăng trưởng từ khả năng tự lực của doanh nghiệp
Thậm chí, ở một số lĩnh vực XK đã chứng kiến sự cải thiện mạnh mẽ. Điển hình như XK của một số mặt hàng nông sản mà Việt Nam có lợi thế so sánh vẫn đạt khá: Rau quả 9 tháng ước đạt 4,2 tỷ USD, tăng 71,8% (riêng tháng 9 tăng 160%); hạt điều ước đạt 2,6 tỷ USD, tăng 14,3% (tháng 9 tăng 39,6%); gạo ước đạt 3,65 tỷ USD, tăng 40,4% (tháng 9 tăng 80,4%).
Hoặc như XK một số mặt hàng chủ lực cũng ghi nhận mức tăng trưởng dương trong tháng 9, như: Nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện tăng 1,1% (giá trị xuất khẩu 9 tháng đạt 41,2 tỷ USD); điện thoại các loại và linh kiện tăng 3,0% (9 tháng đạt 39 tỷ USD). Riêng 2 mặt hàng chủ lực này đã chiếm tới 31% tổng kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam.
Việc phục hồi XK cũng được nhìn nhận rõ từ hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc hơn, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9/2023 ước tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ số sản xuất của ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 30,2%; dệt tăng 18,5%; sản xuất trang phục và sản xuất hóa chất, sản phẩm hóa chất cùng tăng 13,9%; sản xuất chế biến thực phẩm cùng tăng 12,5%; sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic tăng 10,2%...
Qua ghi nhận của VnBusiness thấy rằng trong 3 tháng còn lại của năm 2023, nhiều DN sản xuất đang đẩy mạnh các giải pháp nhằm tìm cách phục hồi nhanh chóng, lấy lại thị phần XK ở các thị trường chủ lực… Họ đang nỗ lực mở rộng thị trường XK để dần lấy lại đơn hàng, trong đó bao gồm những đơn hàng lớn nhỏ khác nhau, gồm cả các đơn hàng ngách.
Còn theo nhận định từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán Mirae Asset, trước tác động của tỷ giá USD tăng trong thời gian gần đây (hiện đang quanh mức đỉnh cao nhất lịch sử), những DN có nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động XK sẽ hưởng lợi từ chênh lệch tỷ giá tăng. Đặc biệt là các ngành XK chủ lực của Việt Nam như dệt may, thủy sản, giày dép, điện tử, nông sản, cao su và gỗ.
Đơn cử như các DN trong ngành thủy sản được cho là hưởng lợi khi mà phần lớn doanh thu đến từ hoạt động XK, đồng thời nợ vay bằng USD không lớn.
Hay như các DN ngành cao su thường nợ vay bằng USD không đáng kể và là những DN XK ròng, do đó hưởng lợi khi tỷ giá USD/VND tăng. Hoặc là các DN XK gạo lớn cũng có thể hưởng lợi chênh lệch tỷ giá tăng.
Nói chung, điều mà các DN kỳ vọng trong các tháng cuối năm này là hoạt động XK sẽ được làm “nóng lại đường đua” tăng tốc phục hồi. Nhất là khi động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam vẫn trông cậy vào XK. Chính vì vậy, hy vọng sự gia tăng nhu cầu tại các thị trường XK lớn, chủ lực của Việt Nam là cơ sở để XK tăng trưởng nhanh hơn bằng khả năng tự lực của bản thân DN.
Điều quan trọng là các DN (đặc biệt là các DN vừa và nhỏ) cần phải tận dụng được những chỉ dấu thuận lợi và vượt qua được những thách thức vẫn còn hiển hiện phía trước. Đặc biệt là cần đáp ứng được các điều kiện, yêu cầu khắt khe và vừa phải phòng ngừa được các yếu tố rủi ro trên thị trường XK. Chẳng hạn như việc tuân thủ quy chuẩn và tiêu chuẩn sản phẩm của nước ngoài, đây là một trong những rào cản thương mại phổ biến nhất mà các DN vừa và nhỏ cần lưu tâm.
Thế Vinh