Trong khuôn khổ của một diễn đàn về xuất khẩu (XK) quy tụ nhiều nhà thu mua quốc tế diễn ra ở Tp.HCM mới đây, ông Hoàng Vệ Dũng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Đức Giang - CTCP (Dugarco) - một doanh nghiệp (DN) hàng đầu trong ngành dệt may của Việt Nam, đã bày tỏ rằng phía công ty muốn tạo dựng mối quan hệ tin cậy với các nhà nhập khẩu, nhà phân phối quốc tế, muốn tìm kiếm đối tác tiềm năng từ các quốc gia khác nhau.
Đa dạng hóa thị trường là ưu tiên hàng đầu
Cũng theo ông Dũng, phía Dugarco đã và đang tìm kiếm các chuỗi cung ứng mới, cùng hợp tác mở rộng thị trường XK trên cơ sở cùng có lợi. Mục tiêu của công ty trong thời gian tới là đẩy mạnh phát triển thị trường, đồng thời có thể tăng thị phần…
Để mở rộng thị trường XK thì việc tiếp cận với nhà thu mua quốc tế là điều mà các DN Việt cần làm. |
Thực ra, điều mà vị Chủ tịch của Dugarco bày tỏ cũng là mong mỏi chung của các DN dệt may nói riêng và của các DN xuất khẩu nói chung trên con đường tìm lại sức tăng trưởng và “chạy nước rút” phục hồi XK trong các tháng cuối năm nay.
Như kết quả khảo sát vào tháng 9/2023 của Vietnam Report đã cho thấy đứng đầu trong Top 7 chiến lược ưu tiên tăng trưởng lợi nhuận của DN trong các tháng cuối năm chính là việc “tìm kiếm và mở rộng thị trường”. Theo đó, có 81,8% DN lựa chọn (tăng 25,3% so với kết quả khảo sát năm 2022) cho việc khám phá, đa dạng hóa các thị trường mới được kỳ vọng giảm thiểu rủi ro phụ thuộc quá mức vào một thị trường duy nhất của DN.
Đồng thời, theo Vietnam Report, đây cũng là hướng tạo cơ hội gia tăng lợi nhuận mới trong giai đoạn thị trường còn nhiều thách thức như hiện nay. Tất nhiên, DN cần nghiên cứu, hiểu rõ nhu cầu, tình hình cạnh tranh, đánh giá khả năng tiếp cận để xác định các thị trường mục tiêu phù hợp và phân bổ nguồn lực tối ưu để phát triển trong các thị trường đó. Điều này bao gồm việc xem xét về phân phối, hạ tầng, và các rào cản thương mại, lập kế hoạch chi tiết với các bước cụ thể, mục tiêu, thời gian thực hiện…
Như chia sẻ của Ts. Bùi Duy Tùng (Đại học RMIT), đa dạng hóa vẫn là chiến lược cần ưu tiên hàng đầu cho các DN Việt Nam. Họ cần giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc bằng cách khẩn trương tìm kiếm các thị trường thay thế và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
“Cách tiếp cận này có thể xem như một “hàng rào kép” bảo vệ chống lại cả những rủi ro ngắn hạn liên quan đến suy thoái kinh tế của Trung Quốc, và những rủi ro dài hạn từ việc giảm nhập khẩu”, ông Tùng nhấn mạnh.
Còn nhiều việc phải làm
Xét về tình hình XK thì Trung Quốc là thị trường XK lớn thứ hai của Việt Nam với kim ngạch XK trong 8 tháng qua ước đạt 35,79 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, khi Trung Quốc vẫn đang “vật lộn” để hồi phục kinh tế, tác động không chỉ giới hạn trong biên giới nước này mà có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà XK của Việt Nam nếu quá phụ thuộc thị trường này.
Ngoài ra, theo vị chuyên gia của RMIT, nhu cầu nội địa suy yếu có thể dẫn đến việc Trung Quốc tăng cường XK hàng hóa thành phẩm. Điều này đặt ra mối đe dọa cho các ngành công nghiệp Việt Nam cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm Trung Quốc trên thị trường toàn cầu. Rủi ro đặc biệt cao đối với các ngành Việt Nam XK như dệt may, điện tử và đồ nội thất.
Bên cạnh việc tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, để tìm kiếm và mở rộng thị trường XK thì các DN trong nước vẫn còn nhiều việc phải làm. Theo Bộ Công Thương, triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới sẽ phụ thuộc đáng kể vào khả năng đa dạng hóa các thị trường XK.
Theo đó, cần hỗ trợ DN tận dụng các cam kết trong các hiệp định thương thương mại tự do (FTA), trong đó đặc biệt là các Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam - EU (EVFTA), FTA Việt Nam - Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) để đẩy mạnh XK, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các hiệp định.
Chẳng hạn như việc mở rộng thị trường ở thị trường EU được cho là vẫn còn những hạn chế nhất định dù đã thực thi EVFTA được 3 năm nay, đòi hỏi các DN của Việt Nam cần cố gắng hơn. Nhất là thị phần của hàng hóa Việt trên thị trường EU cũng mới chỉ chiếm khoảng 2%, theo Trading Economics. Rau củ quả, thủy sản và gạo là một vài ví dụ. Mặc dù có mức tăng trưởng khá tốt, nhưng những mặt hàng này hiện tại chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng giá trị nhập khẩu của EU đối với các mặt hàng đó.
Hơn thế nữa, Việt Nam cần đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, trong đó có hoàn tất đưa vào thực thi Hiệp định FTA với Israel, ký kết các FTA, hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng như UAE, MERCOSUR (Khối Thị trường chung Nam Mỹ)... để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Như mới đây, vào hạ tuần tháng 9/2023, trong chuyến thăm chính thức Brazil, Thủ tướng Phạm Minh Chính có đề xuất Việt Nam và Khối thị trường chung Nam Mỹ sớm khởi động đàm phán ký kết FTA Việt Nam – MERCOSUR.
Trong khuôn khổ chuyến thăm này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị Brazil tạo điều kiện hơn nữa cho các DN Việt Nam tiếp cận thị trường Brazil, đặc biệt là đối với những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như nông sản, giày dép, đồ gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ, thủy sản…
Hiện nay, Việt Nam được cho là đã hoàn tất việc rà soát nội bộ liên quan đến việc đàm phán FTA với MERCOSUR (Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay). Trong việc mở rộng thị trường cho DN Việt XK vào khu vực Mỹ Latinh, ông Mario Schuff, Giám đốc phụ trách quan hệ Việt Nam – Argentina của Phòng Thương mại châu Á, có lời khuyên là các DN cần có những bước đi bài bản, từ việc tìm hiểu thông tin cho đến việc thâm nhập từng thị trường, tiếp cận và đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, quy định và đưa hàng vào các tập đoàn phân phối, tập đoàn bán lẻ...
Thế Vinh