Trong đánh giá mới nhất về tình hình xuất khẩu (XK) dệt may, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho biết tối đa khả năng cả năm nay sẽ chỉ đạt kim ngạch khoảng 40 tỷ USD, tức là giảm 4 tỷ USD so với năm 2022.
Khởi sắc trở lại với dệt may và da giày
Theo ông Giang, từ cuối quý 1/2023 bước sang đầu quý 2 cho đến giữa quý 3/2023 tăng trưởng của XK dệt may chậm lại. Nhưng khi bắt đầu hiệu ứng về lượng tồn kho trên toàn cầu giảm (trong đó có thị trường chủ lực như Mỹ), thì quý 4/2023 đang tăng trưởng trở lại.
Rất cần tiếp tục có những giải pháp mạnh để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất công nghiệp, để các DN phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng ngay khi bước sang năm 2024. |
Vị chủ tịch Vitas đưa ra dẫn chứng trường hợp đơn hàng của Nike (nhà cung cấp toàn cầu về quần áo, giày, quần áo và dụng cụ thể thao) trong quý 3/2023 ở mức độ thấp, nhưng trong quý 4/2023 lượng đơn hàng của hãng này dành cho các doanh nghiệp (DN) gia công ở Việt Nam đã tăng.
Bản thân ông Giang đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tổng Công ty cổ phần May Việt Tiến - một DN đang là đối tác cung ứng cho Nike, nên biết rõ lượng đơn hàng đang tăng trưởng trở lại khá cao.
Tuy vậy, một thách thức lớn cho tăng trưởng XK dệt may, như băn khoăn của vị chủ tịch Vitas là chính sách thuế quan. Các DN trong ngành hàng này đang chịu áp lực rất lớn về thuế XK tại chỗ. Phương thức trước đây mà DN dệt may thường làm với các nhãn hàng là phương thức FOB (DN may mặc chỉ có trách nhiệm giao hàng ra ngoài cảng biển là hết trách nhiệm) và thậm chí là ODM (gồm khâu thiết kế và quá trình sản xuất từ thu mua vải, nguyên phụ liệu, cắt, may, hoàn tất, đóng gói và vận chuyển) thì bây giờ có những mặt hàng mà DN buộc phải chuyển sang làm gia công, không thể XK tại chỗ được. Bởi vì XK tại chỗ có liên quan đến vấn đề đóng thuế.
Như lưu ý của ông Giang, trong thời gian tới nếu Chính phủ đưa ra được những giải pháp tạo thuận lợi cho các DN dệt may thì tin rằng lĩnh vực này sẽ vững vàng hơn, nhất là trước hiệu ứng của việc đơn hàng tăng trở lại trong quý 4/2023.
Còn với XK da giày, trong cập nhật mới nhất, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da - giày - túi xách Việt Nam (Lefaso), cho biết khả năng kim ngạch XK cho cả năm 2023 sẽ suy giảm khoảng 17% so với năm 2022. Tuy nhiên tình hình đơn hàng vào thời điểm cuối năm nay đã quay trở lại, các DN trong ngành đang cho thấy có dấu hiệu khởi sắc so với trước.
“Tất nhiên là tốc độ đơn hàng quay trở lại không như hồi năm 2022, nhưng cũng đã thấy tín hiệu là ngành da giày đã tạo được việc làm cho công nhân”, bà Xuân nói.
Tuy vậy, cũng cần lưu ý các đơn hàng đang quay trở lại với các DN dệt may và da giày nhưng mức giá hiện tại cho các đơn hàng vẫn còn ở mức thấp. Giám đốc một DN chuyên hoạt động sản xuất, gia công quần áo cho biết hiện tại đã ký được hợp đồng với một số đối tác mới để XK trở lại thị trường Mỹ và XK sang thị trường mới là Hàn Quốc, thế nhưng giá gia công lại giảm từ 30 - 50% so với trước. Điều này kéo theo doanh thu năm 2023 giảm gần một nửa so với năm 2022 và buộc phải bù lỗ.
Vẫn chờ giải pháp mạnh để kích thích sản xuất
Bên cạnh những tín hiệu tích cực trở lại với XK dệt may và da giày, số liệu của Tổng cục Thống kê đưa ra vào ngày 29/11 cho thấy kim ngạch XK hàng hóa của cả nước trong tháng 11/2023 ước đạt 31,08 tỷ USD, giảm 3,6% so với tháng trước và tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính chung 11 tháng năm 2023, kim ngạch XK hàng hóa ước đạt 322,50 tỷ USD, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước.
Còn với hoạt động sản xuất công nghiệp, theo Tổng cục Thống kê, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11/2023 ước tính tăng 3% so với tháng trước và tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2023, IIP ước tăng 1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,4%).
Nhìn vào bức tranh trồi sụt của XK và sản xuất công nghiệp như vậy để thấy cần tăng tốc mạnh mẽ hơn. Như kỳ vọng mới đây từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán VnDirect, đó là sự phục hồi của hoạt động sản xuất sẽ tăng tốc hơn nữa trong những tháng tới nhờ đơn đặt hàng XK tăng trong bối cảnh hàng tồn kho giảm và áp lực lạm phát giảm bớt ở các thị trường phát triển.
Thực tế cho thấy đà phục hồi sản xuất đã trở nên mạnh mẽ từ đầu quý 4/2023 cho đến nay. Như hồi tháng 10/2023, chỉ số IIP đã tăng 5,5% so với tháng 9/2023 và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2022. Còn nếu nhìn vào chỉ số IPP tháng 11/2023 sẽ thấy đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 13 tháng trở lại đây (trước đó chỉ số IIP từng tăng 6,3% so với cùng kỳ trong tháng 10/2022).
Theo giới phân tích, điều này phản ánh xu hướng phục hồi rõ rệt hơn trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, được thúc đẩy bởi sự gia tăng số lượng đơn đặt hàng mới do triển vọng ở một số thị trường XK chủ lực (đơn cử như Mỹ) đã tích cực hơn.
Ngoài ra, Chính phủ đang thúc đẩy các gói kích thích tài khóa và đầu tư công trong giai đoạn 2023-2024 được cho là sẽ làm tăng cường trong nước đối với các sản phẩm công nghiệp.
Nhất là hôm 29/11, Quốc hội đã đồng ý tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong thời gian từ ngày 1/1/2024 đến hết 30/6/2024 đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (giảm còn 8%).
Việc áp dụng giảm thuế 2% như vậy để kích thích sản xuất công nghiệp là rất quan trọng. Giới chuyên gia cho rằng, việc sử dụng dư địa chính sách tài khóa, kích cầu tiêu dùng là giải pháp mạnh mẽ để kích thích sản xuất công nghiệp, kích cầu tiêu dùng và sản xuất trong thời gian tới. Tuy vậy, chính sách cần phải đủ tính dài hơi mới mang lại hiệu quả thiết thực cho DN.
Có thể nói, để hoạt động sản xuất công nghiệp phục hồi, tăng tốc tốt hơn không chỉ vào thời điểm cuối năm mà cho cả các tháng tới, đang đòi hỏi cần có những đột phá trong hoạt động XK. Song song đó, rất cần tiếp tục có những giải pháp mạnh nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất công nghiệp, để các DN phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng ngay khi bước sang năm 2024.
Thế Vinh