Sau khi XK rau quả trong 11 tháng của năm 2023 đạt kim ngạch ở mức kỷ lục với 5,2 tỷ USD (tăng 70% so với cùng kỳ năm 2022 và là mức cao nhất từ trước đến nay), ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, dự tính rằng tổng kim ngạch XK của ngành rau quả Việt trong năm nay có thể đạt 5,5 - 5,6 tỷ USD.
Thu hẹp dần khoảng cách với Thái Lan
Với góc nhìn tích cực cho triển vọng ngành hàng này trong năm 2024 sắp tới, ông Nguyên dự đoán kim ngạch XK rau quả có thể sẽ vượt qua con số 6 tỷ USD. Để đạt được con số này sẽ nhờ vào sức bật từ những trái cây chủ lực, đơn cử như trái sầu riêng khi bước sang năm tới sẽ có thêm vùng trồng mới, mã số vùng trồng mới, mã số cơ sở đóng gói mới được cấp. Cộng thêm năng suất, sản lượng của sầu riêng chắc chắn sẽ tăng trong thời gian tới.
Ngành hàng rau quả của Việt Nam cần vượt qua các quy định mới, các tiêu chuẩn khắt khe để chinh phục những nhà nhập khẩu khó tính. |
Ngoài ra, vị tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, Bộ NN&PTNT đang đàm phán với Trung Quốc để XK hai mặt hàng là sầu riêng đông lạnh và dừa tươi. Chắc chắn với hai mặt hàng này sang năm 2024 sẽ đóng góp rất nhiều vào kim ngạch XK rau quả, cộng thêm vào đó là khả năng “bùng nổ” XK của các loại trái cây khác.
“Nếu không có những biến động tiêu cực, tôi nghĩ rằng vào năm 2024 con số kim ngạch XK đạt hơn 6 tỷ USD (thậm chí có thể đạt tới mốc 7 tỷ USD) sẽ nằm trong tầm tay của ngành hàng rau quả Việt. Khoảng cách về kim ngạch XK rau quả của Việt Nam cũng sẽ dần thu hẹp so với một quốc gia XK rau quả hàng đầu khu vực ASEAN là Thái Lan (với mức kim ngạch khoảng 8 tỷ USD/năm)”, ông Đặng Phúc Nguyên nói.
Chia sẻ tại cuộc họp báo ở Tp.HCM vào cuối tuần rồi nhằm giới thiệu triển lãm về công nghệ sản xuất, chế biến Rau, Hoa, Quả tại Việt Nam - HortEx Vietnam 2024 (dự kiến diễn ra vào giữa tháng 3/2024) và công bố hợp tác chiến lược giữa VEAS (Việt Nam) với Nova (Hà Lan) và Messe Essen (CHLB Đức) - đơn vị tổ chức IPM Essen - Triển lãm ngành làm vườn lớn nhất thế giới, vị tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, một vài năm nữa XK rau quả của Việt Nam có thể sẽ ngang bằng với Thái Lan nếu như chúng ta biết áp dụng nông nghiệp sản xuất tốt và đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn, quy định mới mà các thị trường nhập khẩu đặt ra.
Nếu làm tốt được điều này, theo ông Nguyên, sẽ giúp kim ngạch XK rau quả tiếp tục tăng mạnh thêm nữa. Cùng với đó, về phía Nhà nước cần cố gắng mở rộng thị trường, mở rộng thêm những mặt hàng rau quả XK chính ngạch. Về phía nông dân, HTX, tổ hợp tác và doanh nghiệp (DN) đòi hỏi cần liên kết chặt chẽ, tăng cường năng suất và chất lượng rau quả nhằm đáp ứng được yêu cầu của quốc gia nhập khẩu. Các DN trong ngành hàng này cũng nên có thêm những kỹ thuật mới về đóng gói, cải tiến bao bì, truy xuất nguồn gốc… Có như vậy, chắc chắn trong tương lai ngành rau quả Việt sẽ tiếp tục có những bứt phá kỷ lục mới.
Đột phá từ hướng đi bền vững
Có thể nói, việc ngành hàng rau quả Việt được dự báo sẽ liên tục tăng trưởng mạnh trong những năm tiếp theo là điều rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, để đạt được con số kim ngạch lên đến 7 - 8 tỷ USD đòi hỏi các chủ thể tham gia trong ngành hàng này cần phát triển một cách bền vững để đi “đường dài”.
Điều đó cũng có thể thấy rõ những cải thiện đáng kể của ngành hàng rau quả trong năm 2023 này. Chẳng hạn như việc canh tác theo VietGap, GlobalGap, Organic…ngày càng trở nên phổ biến, nếu không làm theo hướng này chắc chắn sẽ không có được thành quả XK như hiện nay. Hoặc như việc cải tiến về vệ sinh an toàn thực phẩm, áp dụng các phương pháp kỹ thuật và công nghệ mới trong trồng trọt, sản xuất xanh.
Nếu nhìn vào kim ngạch XK của ngành rau quả Thái Lan sẽ thấy trước đó họ đi trước Việt Nam hơn cả chục năm. Tuy nhiên kim ngạch XK rau quả của nước này hiện cũng chỉ đạt 8 tỷ USD/năm. Trong khi đó, ngành hàng rau quả Việt tuy chỉ mới cải tiến 1 - 2 năm nay nhưng hiện tại đang cho thấy đã rút ngắn dần khoảng cách. Điều đó chứng tỏ là nông dân, HTX và DN đã áp dụng thành công sản xuất nông nghiệp tốt. Đây là hướng đi bền vững, tạo sự đột phá cho ngành rau quả nói riêng và ngành nông nghiệp của Việt Nam nói chung.
Trong sản xuất nông nghiệp tốt như vậy thì ngành rau quả Việt ngày càng chú trọng nhiều hơn về mặt chất lượng và không chăm chăm chạy theo số lượng. Bên cạnh đó, nếu có vùng chuyên canh lớn và an toàn thực phẩm thì việc XK rau quả sẽ còn tăng rất nhiều so với hiện nay.
Và vấn đề không thể thiếu là các nông dân trồng rau quả cần phải sẵn sàng liên kết sản xuất theo kiểu mới, miễn là bán được hàng với giá cao. Tức là họ sẽ cùng sản xuất một thứ trái, sản xuất theo cùng một quy trình. Theo cách này thì mặc dù với diện tích từng hộ rất nhỏ, nhưng sản lượng của cả làng, cả xã sẽ lớn, đủ để tham gia XK. Mặc dù nông dân đã sẵn sàng, nhưng vấn đề là ai đứng ra để nói với nhà vườn nên sản xuất theo cách mới ? Điều này rất cần vai trò của Nhà nước tiếp tục tạo ra chính sách để khuyến khích, thúc đẩy nông dân hợp tác liên kết mạnh mẽ hơn nữa.
Ngoài ra, như chia sẻ của ông Nguyễn Văn Mười, phụ trách cơ quan đại diện phía Nam của Hội Làm vườn Việt Nam, điều kiện để XK cho ngành rau quả Việt rất là rộng lớn khi mà Việt Nam đã ký kết và thực thi 19 hiệp định thương mại (FTA). Trong đó, các FTA thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam - EU (EVFTA) với các điều kiện khắt khe về đảm bảo chất lượng, đòi hỏi ngành hàng rau quả của Việt Nam phải có chuỗi sản xuất từ người nông dân làm vườn cho đến HTX và các DN.
“Điều đó rất cần ngành hàng ngày càng tiếp tục có những thay đổi tích cực. Tất nhiên muốn thay đổi thì phải tiếp cận, thực hiện các giải pháp khoa học kỹ thuật mới, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn, quy định mới từ những thị trường nhập khẩu đặt ra thì mới có thể nâng cao được giá trị kim ngạch”, ông Mười bộc bạch.
Thế Vinh