Bước sang năm 2022, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (vốn FDI) vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ khởi sắc trở lại nhờ những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn và chủ trương mở cửa trở lại của nền kinh tế sau hai năm đóng cửa bởi dịch bệnh COVID-19. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến 20/3/2022 đạt 8,91 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước.
Đan Mạch 'soán ngôi' đầu bảng
Mặc dù tổng vốn FDI vào Việt Nam vẫn suy giảm so với cùng kỳ, song vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 3 tháng đầu năm nay ước tính đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức cao nhất của quý I trong 5 năm qua.
Kỳ vọng sẽ có làn sóng 'đại bàng' từ châu Âu, Mỹ... rót vốn vào Việt Nam. |
Đặc biệt, một trong những chỉ số tích cực là trong số 35 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2022, Đan Mạch là nhà đầu tư lớn nhất với 1,32 tỷ USD, chiếm 41,1% tổng vốn đăng ký cấp mới. Sở dĩ Đan Mạch vượt qua những quốc gia có truyền thống đầu tư vào Việt Nam như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc là vì trong quý I, Tập đoàn Lego (Đan Mạch) đã chính thức được trao chứng nhận đăng ký đầu tư dự án 1 tỷ USD.
Dự án xanh của Lego được cấp chứng nhận đầu tư được kỳ vọng sẽ mở ra một chương mới trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam, cũng như mở đầu cho làn sóng đầu tư mới của doanh nghiệp (DN) châu Âu vào Việt Nam.
Thống kê tháng 6/2021, các DN châu Âu đã đầu tư 22,216 tỷ USD vào 2.221 dự án tại Việt Nam, tăng 449 triệu USD và 142 dự án so với một năm trước đó. Tuy nhiên, vốn đầu tư châu Âu chỉ chiếm 5,58% tổng đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, thấp hơn đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore (lần lượt là 72 tỷ USD, 63 tỷ USD và 62,2 tỷ USD).
Nhận định kết quả thu hút vốn FDI của Việt Nam, GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước nước ngoài chia sẻ, thực tế các ông lớn FDI của châu Á đều đã có dự án đầu tư tại Việt Nam. Do vậy, thời gian tới để thu hút thêm nhiều dự án khủng của châu Á vào Việt Nam thì hơi khó.
"Chúng ta có những dự án của Honda, Toyota, Hyundai, Mitsubishi, LG..., giờ chỉ hy vọng có những dự án mới của các nước phát triển như EU, Mỹ - nơi được xem là một trong những cái nôi của công nghệ, của kỹ thuật thế giới", ông Mại kỳ vọng.
Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), đánh giá khi dịch COVID-19 dần được kiểm soát, với EVFTA đã có hiệu lực và EVIPA sẽ sớm được thực hiện, Việt Nam có cơ hội thu hút một làn sóng FDI mới từ các nhà đầu tư châu Âu đang tìm kiếm một môi trường đầu tư đầy tiềm năng, an toàn và cạnh tranh.
Trong đó, các nhà đầu tư châu Âu đang khá quan tâm tới lĩnh vực điện và năng lượng tái tạo. Theo đó, cần cho phép người tiêu dùng điện tiếp cận với năng lượng sạch bằng cách thực hiện các hợp đồng mua bán điện trực tiếp trong các chương trình thí điểm và giảm bớt các rào cản quy định ban đầu đối với các nhà máy năng lượng sạch "sau công tơ". Điện gió ngoài khơi cũng rất cần được khuyến khích phát triển.
Đối với việc hợp tác đầu tư theo mô hình đối tác công tư, EuroCham kiến nghị Chính phủ công bố danh sách các dự án trọng điểm của quốc gia và khu vực, đặc biệt trong các lĩnh vực có kết quả đánh giá tốt ở các quốc gia khác với các mô hình dự án phổ biến và được các nhà đầu tư nước ngoài săn đón với định hướng ưu tiên các dự án có tính khả thi dự kiến sẽ được thực hiện theo hình thức đối tác công tư.
Nâng cao năng lực cạnh tranh
Hay đối với vấn đề thi hành thuế DN tối thiểu toàn cầu, lãnh đạo EuroCham cho biết vào tháng 10/2021, G7, G20 và 136 quốc gia và vùng lãnh thổ đã nhất trí áp thuế thu nhập DN tối thiểu 15%. Trong bối cảnh đó, các DN, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam cũng như các tập đoàn lớn của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài rất quan tâm đến tác động của cuộc cải cách thuế toàn cầu này.
Cụ thể, liệu việc áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu có dẫn đến việc giảm hoặc vô hiệu hóa các ưu đãi thuế mà các DN này đang hoặc sẽ được hưởng theo luật hiện hành hay không. Điều này cũng có thể ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia và DN FDI tại Việt Nam vì ưu đãi thuế là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút FDI.
Theo đó, DN châu Âu mong muốn Chính phủ Việt Nam nghiên cứu kỹ tác động của thuế DN tối thiểu toàn cầu đến quyền lợi của các DN nằm trong diện cải cách thuế này. Đồng thời, có giải pháp thiết thực, hiệu quả để đảm bảo đầu tư, bù đắp lợi ích cho DN trong trường hợp ưu đãi thuế bị cắt giảm hoặc hết hiệu lực do tác động của thuế tối thiểu toàn cầu mà không ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Trong khi đó, Báo cáo với chủ đề "Những thách thức và cơ hội đối với phát triển thương mại xanh tại Việt Nam" của Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra Việt Nam nên nắm bắt cơ hội qua các FTA để thúc đẩy các sản phẩm và dịch vụ môi trường cũng như phát triển năng lượng tái tạo. Điều này sẽ nâng cao cơ hội thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam và chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam, giúp đẩy mạnh hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Mặc dù cơ hội đón vốn FDI là rất lớn, song bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư FDI đang ngày càng quyết liệt, nhất là trong bối cảnh nguồn cung vốn hạn chế và ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, các quốc gia đều tranh thủ thu hút nguồn lực bên ngoài để duy trì và phục hồi nền kinh tế. Do đó, cạnh tranh thu hút FDI giữa các quốc gia đang phát triển có sự tương đồng về thị trường, trình độ phát triển, công nghệ và lao động đang ngày càng gay gắt.
Vì vậy, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung tìm ra các biện pháp có thể phát triển các ngành dịch vụ theo chiều sâu; tạo thêm động lực tốt cho việc tăng năng suất khu vực dịch vụ lẫn khu vực sản xuất kinh doanh cùng nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư như rà soát, bổ sung quỹ đất sạch; rà soát lại quy hoạch điện; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; bổ sung chính sách để phát triển công nghiệp hỗ trợ... Xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc mới nhằm lựa chọn các nhà đầu tư FDI có công nghệ tiên tiến, có khả năng chống chịu sức ép từ bên ngoài để phát triển bền vững và bảo đảm an ninh quốc gia.
Ông Giorgio Aliberti Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam Để đẩy mạnh thu hút thêm FDI từ châu Âu, Việt Nam cần giảm thiểu danh sách các vấn đề vướng mắc về thủ tục hành chính, cũng như cần sửa đổi một số chính sách không còn phù hợp với thực tiễn. Những khó khăn vướng mắc trên được giải quyết không chỉ giúp nhà đầu tư EU đẩy mạnh rót vốn vào Việt Nam mà sẽ tạo sự thông thoáng cho toàn bộ cộng đồng DN Việt Nam, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ông John Rockhold Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) Yếu tố quan trọng nhất để tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi và để duy trì và phát triển chuỗi cung ứng sản xuất là môi trường pháp lý công bằng, minh bạch, có thể dự đoán và hợp lý hóa, coi trọng sự đổi mới - không chỉ để thu hút đầu tư mới mà còn để duy trì và tăng trưởng đầu tư đã có. Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ việc tăng cường quan hệ đối tác thương mại và đầu tư Hoa Kỳ - Việt Nam, trong đó thông qua Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. AmCham và các công ty hội viên của chúng tôi rất lạc quan về tương lai tại Việt Nam. Ông Nguyễn Thế Minh Giám đốc phân tích của Yuanta Việt Nam Xung đột Nga - Ukraine sẽ là chất xúc tác để nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh dịch chuyển đến những địa điểm đầu tư an toàn, hấp dẫn. Qua những câu chuyện căng thẳng chính trị, rất có thể nhà đầu tư sẽ thúc đẩy chuyển dịch sớm hơn thay vì như dự kiến trước đó có thể là mất một thời gian. Như vậy, nếu điều này xảy ra, trong dài hạn, rất có khả năng Việt Nam sẽ có phần lợi trong việc đón làn sóng đầu tư mới. |
Lê Thúy