Nhờ báo chí phản ánh nên tuần trước, Tổng cục Hải quan đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố về việc nhập khẩu (NK) hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhằm tháo gỡ vướng mắc cho DN.
Còn bất cập là còn tốn chi phí
Trước đó, khá nhiều doanh nghiệp nhập khẩu (DNNK) các loại nguyên liệu thực vật đã không thể làm thủ tục thông quan từ tháng 10 đến tháng 12/2020 do Bộ Y tế đưa gừng, đậu, rau thơm và nhiều mặt hàng thực vật khác vào danh mục dược liệu tại Thông tư số 48/2018/TT-BYT, dẫn đến khó khăn cho DN NK.
Cắt giảm thời gian kiểm tra nguyên liệu thực phẩm NK sẽ giúp các DN tiết kiệm chi phí 881 tỷ đồng/năm. |
Theo đó, có đến 177 dược liệu thường sử dụng làm thực phẩm thông thường có liên quan đến thông tư này (đơn cử như: Đậu ván trắng, cà gai leo, bạc hà, đậu xanh, diếp cá, gừng, gấc, hạt vừng đen, hạt bí ngô, hạt tiêu, húng quế, hương nhu, sắn dây, kinh giới, lá lốt, lá xoài, hạt sen, hạt cải củ, long nhãn, mạch nha, nhân trần, nghệ, ngải cứu…)
Từ vướng mắc nêu trên, phía Tổng cục Hải quan có lưu ý là trường hợp DN khai báo NK hàng hóa dùng làm dược liệu thường sử dụng cho mục đích làm thực phẩm thông thường thì được thực hiện theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm và Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
Có thể nói, đó là một dẫn chứng điển hình về những vướng mắc, bất cập ở khâu thủ tục kiểm tra nguyên liệu NK phục vụ cho ngành thực phẩm. Do chậm trễ tháo gỡ các khúc mắc như vậy đã làm phát sinh nhiều chi phí cho DN khi chậm thông quan hàng hoá.
Vài năm trước, luật sư Nakagawa Motohisa, đại diện pháp lý cho một số DN thực phẩm Nhật Bản ở Tp.HCM, cũng từng đưa các khuyến nghị là khâu thủ tục khai báo, kiểm dịch nguyên liệu thực phẩm NK ở Việt Nam cần được rút ngắn thời gian hơn nữa vì so với thủ tục của Nhật và các nước khác thì thời gian này là khá dài.
Theo luật sư Nakagawa, do thủ tục kéo dài và quá nhiều thủ tục dẫn đến vừa làm mất tính an toàn của nguyên liệu thực phẩm NK vừa khiến cho DN tốn kém thêm khá nhiều chi phí.
Nói về việc phát sinh chi phí trong việc chậm trễ làm thủ tục kiểm tra, kiểm dịch NK nguyên liệu thực phẩm, một chủ DN cho biết ngoài việc phải chịu thêm thời gian chờ kết quả kiểm nghiệm phát sinh thì còn phải thêm tiền cắm điện, lưu kho, lưu bãi rất cao, chưa kể chi phí đi lại, tiếp kiểm tra viên, chi phí khác…Và dù các phí này cũng rất cao nhưng DN cũng phải trả và đưa vào chi phí cấu thành nên giá thành sản phẩm.
Hồi năm ngoái, các DN trong ngành chế biến thuỷ sản cũng phản ánh còn vướng mắc về kiểm tra đối với nguyên liệu thủy sản NK khiến DN khó giảm được chi phí.
Giảm thời gian, tiết kiệm 881 tỷ đồng/năm
Chẳng hạn như sản phẩm thủy sản nhập vào kho ngoại quan thì thủ tục qua nhiều công đoạn (nhập từ cảng về kho ngoại quan, từ kho ngoại quan xuất ra cho DN), mỗi công đoạn đều phải làm thủ tục lập lại cho cùng một lô hàng nên mất nhiều thời gian và chi phí. Nếu xuất cùng một loại hình nhưng nhiều lần thì chi phí càng nhiều hơn.
Trước những thực trạng bất cập ở khâu thủ tục kiểm tra nguyên liệu thực phẩm như trên thì việc cải cách, đơn giản hoá thủ tục là điều mà các DN thực phẩm mong đợi nhằm kéo giảm được chi phí.
Chính vì vậy, đầu tháng 1/2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định phê duyệt Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”.
Một trong những điểm đáng chú ý của đề án chính là cắt giảm chi phí, cắt giảm thời gian thông quan hàng hóa NK thực phẩm. Và một trong những cải cách là đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chất lượng, thực hiện kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cho biết đề án này hướng đến cải cách toàn diện các quy định về hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa NK, giảm đầu mối tiếp xúc giữa DN với các cơ quan.
Theo ông Thành, sẽ phải tổ chức lại mô hình hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng đơn giản, hiệu quả, rõ ràng, minh bạch.
Với đề án mới nêu trên, trong đánh giá độc lập của Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ cho biết, sẽ tiết kiệm cắt giảm thời gian và tiết kiệm chi phí cho DN.
Cụ thể, tỷ lệ số tờ khai kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm trong một năm cắt giảm được theo mô hình mới so với mô hình hiện tại khoảng 54,4%. Tổng số ngày kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm DN tiết kiệm được khi áp dụng mô hình mới so với mô hình hiện tại trong 1 năm là 2.484.038 ngày.
Và, chi phí tiết kiệm được cho DN trong 1 năm nhờ số ngày cắt giảm là hơn 881 tỷ đồng (xấp xỉ 37,8 triệu USD Mỹ). Ước tính giá trị tiết kiệm cho nền kinh tế khi áp dụng mô hình mới lên đến 399 triệu USD mỗi năm.
Thế Vinh