Nhằm tạo sức hút mới về đầu tư nước ngoài trong năm 2022 này, tỉnh Bình Dương đang tập trung ưu tiên phát triển các khu công nghiệp chất lượng cao để hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi sản xuất, cũng như tạo sự chuyển biến tích cực, thực chất hơn, chọn lọc hơn theo hướng chuyên biệt, sinh thái, thông minh.
Chủ động tạo sức hút mới
Hiện nay, Bình Dương chú trọng thu hút các nhà đầu tư có hàm lượng công nghệ cao vào khu công nghiệp khoa học công nghệ trên địa bàn huyện Bàu Bàng. Theo ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, quỹ đất hiện tại của các khu công nghiệp trong tỉnh đã đạt tỷ lệ lấp đầy khá cao. Nnăm 2021 vừa qua, dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 nhưng thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của tỉnh vẫn lên tới 1,7 tỷ USD, đạt 141,65% kế hoạch.
![]() |
Nhiều địa phương trọng điểm kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục chảy mạnh vào mảng công nghệ cao trong năm 2022. |
Chính quyền tỉnh Bình Dương ngày càng chú trọng hợp tác chiến lược với một số đối tác quốc tế để tăng sức hút đầu tư. Mới nhất, ngày 6/1/2022, Bình Dương đã ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược với quận Gangnam – Seoul (Hàn Quốc) nhằm đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp (DN) từ Hàn Quốc.
Còn tại tỉnh Đồng Nai, việc thu hút FDI với dòng vốn lớn vào lĩnh vực công nghệ cao được kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc trong năm 2022, dự tính sẽ thu hút vốn FDI vào các lĩnh vực vượt 1 tỷ USD so với năm trước.
Lãnh đạo tỉnh này cho biết năm nay sẽ ưu tiên thu hút dự án công nghiệp phục vụ phát triển chiều sâu các ngành công nghiệp mũi nhọn như: Cơ khí chế tạo, điện điện tử, các dự án công nghiệp có tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm cao…
Ông Robert Greenan, quyền Tổng lãnh sự Mỹ tại Tp.HCM cho biết, mới đây có một DN Mỹ chuyên sản xuất linh kiện ô tô tại Đồng Nai đã nâng vốn đầu tư thêm 50 triệu USD để tăng công suất cung ứng cho các nhãn hàng tại Việt Nam và xuất khẩu.
Theo nhận định của ông Greenan, những năm tới, Đồng Nai sẽ là điểm đến được nhiều DN Mỹ lựa chọn. Các nhà đầu tư từ Mỹ sẽ xây dựng nhà máy sản xuất trên địa bàn tỉnh này để rút ngắn thời gian vận chuyển, mở rộng thị trường tiêu thụ khi đây là nơi nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Mỹ.
Trong khi đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2022 sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư vốn FDI theo hướng tạo chuyển biến về chất lượng tăng trưởng ngành công nghiệp. Trong đó, tập trung ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ gắn với mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị.
Như chia sẻ của giám đốc nhân sự một DN Hàn Quốc chuyên về sản xuất linh kiện điện tử ở khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 (thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu), trong những ngày đầu năm, công ty đã có đơn hàng xuất khẩu đến tháng 8/2022. Ngoài ra, theo kế hoạch sản xuất năm 2022, công ty sẽ gia công khoảng 2 triệu sản phẩm là linh kiện điện tử cho Tập đoàn Samsung.
Chớp cơ hội trước đà số hoá
Với những “cửa sáng” như trên, để kịp thời đáp ứng tiến độ đơn hàng cho đối tác, nhà đầu tư Hàn Quốc này đang có kế hoạch đầu tư thêm máy móc tự động hóa trong hệ thống dây chuyền sản xuất để tăng công suất, chất lượng.
Trong việc hút vốn ngoại vào lĩnh vực công nghệ cao, giới chuyên gia cho rằng từ nay đến năm 2025, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam có thể mở rộng lên 52 tỷ USD. Cho nên, các phân ngành của nền kinh tế kỹ thuật số sẽ được các nhà đầu tư ngoại tiếp tục nhắm đến và Việt Nam sẽ tiếp tục đón nhận dòng vốn lớn.
Mặt khác, trong khi người tiêu dùng Việt Nam vẫn là một phần động lực của FDI, thì có thể lộ trình các DN nước ngoài cần thực hiện để tiếp cận người tiêu dùng cũng có thể thay đổi theo chiều hướng tích cực khi tiến sâu hơn vào công nghệ cao.
Bất chấp tác động của dịch Covid-19, nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao vẫn luôn có cái nhìn lạc quan về môi trường đầu tư ở Việt Nam với vị thế là trung tâm sản xuất trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Không những vậy, mục tiêu của Việt Nam đến năm 2025 có 70.000 công ty công nghệ số với 1,2 triệu nhân lực, cũng là yếu tố hấp dẫn cho dòng vốn ngoại tiếp tục đổ vào lĩnh vực này.
Cần ghi nhận có những DN FDI đang chớp cơ hội trước đà số hoá ở Việt Nam, cũng như tái khẳng định vị thế trung tâm sản xuất của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Điển hình như Công ty Công nghệ Phần mềm Toàn cầu Bosch (BGSV) dự kiến trong tháng 2 tới sẽ thành lập thêm một trung tâm phát triển công nghệ cao tại Hà Nội. Đây sẽ là trung tâm thứ 2 của DN này ở Việt Nam với cùng mục tiêu phát triển thành trung tâm công nghệ hàng đầu với tổng cộng 6.000 kỹ sư.
BGSV cũng là tên gọi kể từ tháng 1/2022 của Trung tâm nghiên cứu & phát triển (R&D) Công nghệ và các giải pháp DN Bosch tại Việt Nam, nằm trong chiến lược mở rộng quy mô, thích ứng với sự thay đổi không ngừng của thị trường, nhằm tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong lĩnh vực cung cấp các giải pháp phần mềm hàng đầu thế giới.
Chia sẻ về chiến lược mở rộng hoạt động tại Việt Nam, ông Dattatreya Gaur, Giám đốc điều hành Công ty Công nghệ Phần mềm Toàn cầu Bosch (của Đức) cho biết: "Đây là cơ hội tuyệt vời để tận dụng sự hiện diện toàn cầu nhằm phục vụ nhu cầu số hóa ngày càng thiết yếu trong lĩnh vực công nghệ".
Thế Vinh