Tháng 6 vừa qua, chính quyền TP Đà Nẵng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 3 khu công nghiệp (KCN) mới trên địa bàn Đà Nẵng (gồm KCN Hòa Cầm giai đoạn 2, KCN Hòa Nhơn và KCN Hòa Ninh với tổng giá trị đầu tư khoảng 14.000 tỷ đồng) nhằm đón đầu xu hướng chuyển dịch của các tập đoàn kinh tế thế giới giai đoạn hậu Covid-19.
Giá thuê đất công nghiệp tiếp tục tăng
Nếu thêm 3 KCN này, Đà Nẵng sẽ có tổng cộng 10 KCN với tổng diện tích khoảng 2.202 ha. Với quỹ đất công nghiệp như vậy, trong thời gian tới, thành phố này sẽ thừa sức để kêu gọi, thu hút vốn đầu tư.
Việc kết nối hạ tầng cảng biển, cao tốc và sân bay được ví như “đòn bẩy” cho các khu công nghiệp trong thời gian tới. |
Việc Đà Nẵng chuyển đổi Khu phụ trợ Khu công nghệ cao thành KCN hỗ trợ Khu công nghệ cao cũng là lợi thế để thu hút vốn đầu tư. Đặc biệt là khu công nghệ này (đang có những dự án nhà xưởng xây sẵn) hội tụ các yếu tố thuận lợi như nằm trên vệt cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; liên hoàn, kết nối hạ tầng kỹ thuật trực tiếp với Khu công nghệ thông tin tập trung; cách cảng Tiên Sa 25km, trung tâm thành phố 22km và sân bay quốc tế Đà Nẵng 17km.
Trong việc phát triển KCN ở Đà Nẵng hay các địa phương khác như hiện nay, theo giới chuyên gia, nếu tình hình dịch bênh được kiểm soát và thị trường hồi phục trở lại, thì giá thuê đất công nghiệp ở Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.
Kể cả trong giai đoạn dịch bệnh như thời gian qua, việc đầu tư vào các KCN vẫn có sự tăng trưởng tốt. Như tại Bình Dương, theo Ban quản lý các KCN tỉnh, ước 6 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp (DN) đạt hơn 1,1 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 78% kế hoạch năm.
Còn ở Đồng Nai, năm 2021, tỉnh đặt kế hoạch sẽ thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 700 triệu USD, nhưng đến cuối tháng 6 đã đạt 764,2 triệu USD, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm trước và vượt kế hoạch năm.
Tính đến hết tháng 6/2021, các KCN của Đồng Nai đã cho thuê được 5.938ha, đạt 84% diện tích đất cho thuê. Diện tích đất chưa cho các DN thuê phần lớn là đang trong quá trình giải phóng mặt bằng, chưa có đất sạch giao cho các chủ đầu tư để xây dựng hạ tầng KCN rồi cho thuê.
Trên thực tế là có nhiều DN FDI đang muốn thuê diện tích đất lớn trong các KCN của Đồng Nai từ 8-10ha trở lên để xây dựng nhà máy sản xuất, nhưng hầu hết các KCN không đáp ứng được.
Theo nhận định mới đây từ Công ty nghiên cứu thị trường JLL, trong quý II/2021 các chủ đầu tư KCN tại phía Nam đã thiết lập đỉnh giá trung bình mới là 113 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi thế kết nối hạ tầng
Xét về triển vọng thị trường, theo JLL, cơ sở hạ tầng hoàn thiện sẽ thúc đẩy giá thuê đất công nghiệp tiếp tục gia tăng. Bởi cho tới thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn được ghi nhận là quốc gia thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19, điều này càng củng cố niềm tin của các nhà đầu tư đối với môi trường kinh doanh tiền năng của Việt Nam.
Như tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, chính quyền các tỉnh không ngừng liên tục cải thiện và xây dựng mới hệ thống cơ sở hạ tầng, điển hình các dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Bến Lức - Long Thành, tất cả đều nằm ở các thị trường công nghiệp chủ lực xung quanh TP.HCM. Nhờ đó, giá thuê đất công nghiệp tại miền Nam dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Còn tại các tỉnh phía Bắc, tuy thời gian qua có bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng tỷ lệ lấp đầy ở các KCN cũng được cho là vẫn ổn định, duy trì ở mức 75%.
Ở các tỉnh ở khu vực Đồng bằng sông Hồng, các tỉnh ở vùng Đông Bắc như Bắc Giang, Quảng Ninh, Thái Nguyên đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư với lợi thế về giá thuê, và hạ tầng KCN ngày càng được hoàn thiện. Giá đất công nghiệp ở các khu vực này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 8-10% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, việc hút vốn ngoại vào các KCN trong cả nước như hiện nay được cho là đến từ các DN trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Đây là lĩnh vực đang dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 6,98 tỷ USD (chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư đăng ký trong tổng số 18 ngành nghề thu hút FDI trong 6 tháng đầu năm 2021). Tiếp theo là ngành sản xuất, phân phối, với tổng vốn đầu tư 5,34 tỷ USD, chiếm gần 35% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Theo giới chuyên gia, việc kết nối hạ tầng cảng biển, cao tốc và sân bay sẽ là lợi thế lớn cho các KCN trong thời gian tới nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của các nhà sản xuất lớn.
Với các KCN ở miền Bắc thì đó là hệ thống đường cao tốc kết nối các thành phố lớn, có cụm cảng Hải Phòng (chiếm khoảng 23% tổng lưu lượng container cảng của Việt Nam) và Cảng hàng không quốc tế tại Hà Nội và Hải Phòng.
Còn “đòn bẩy” cho các KCN ở miền Nam, bên cạnh việc hình thành các tuyến cao tốc thì các cụm cảng biển tại TP.HCM và khu vực Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) đang có mức độ phát triển tốt, kết nối các tuyến hàng hải Việt Nam với EU và Mỹ, chiếm 72% tổng lượng container qua cảng của Việt Nam. Đặc biệt là vai trò của Cảng hàng không Tân Sơn Nhất trong hiện tại và sân bay quốc tế Long Thành trong tương lai.
Thế Vinh