Tại Tp.HCM, số liệu thống kê mới công bố cho thấy có những tín hiệu tích cực trong bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm 2023. Chẳng hạn như từ mức 0,7% của quý đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn Tp.HCM (GRDP) trong quý 2/2023 tăng lên 5,87%, giúp tốc độ tăng trưởng 6 tháng qua ở mức khả quan.
Nhìn từ tín hiệu tích cực ở Tp.HCM
Hoặc như doanh thu bán lẻ hàng hoá trong nửa năm qua tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2022; đặc biệt là doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 36,2%.
Và, một trong những điểm sáng tích cực là số dự án có vốn nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư ở Tp.HCM trong 6 tháng qua tăng tới 69,1%; số vốn góp, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp gấp 3,6 lần. Tính chung, nửa năm qua, tổng vốn đầu tư của các dự án có vốn nước ngoài tại Tp.HCM đã tăng 30,7%.
Để các DN sản xuất thoát khỏi “nốt trầm” đang đòi hỏi tinh thần công vụ cần tích cực hơn trong thời gian tới nhằm giải quyết các ách tắc cho DN. |
Tuy nhiên, bên cạnh một vài con số sáng sủa như vậy cũng cần để ý đến phát biểu mới đây của ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Tp.HCM, đó là các đơn hàng của DN tại TP.HCM giảm trung bình 30% đến 50%.
Bên cạnh việc nỗ lực hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn thông qua chương trình kích cầu nhằm duy trì sản xuất, theo ông Mãi, thời gian tới, thành phố sẽ khởi động lại chương trình kích cầu.
Trao đổi với VnBusiness, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng nhận định, với việc Quốc hội vừa thông qua nhiều cơ chế thí điểm đặc thù cho Tp.HCM thì hy vọng trong quý 3/2023, kinh tế ở thành phố này sẽ tháo gỡ được các điểm nghẽn, giúp bắt nhịp nhanh hơn và các DN sản xuất có thể được hưởng lợi.
Đặc biệt khi Tp.HCM là trung tâm kinh tế của quốc gia, là “đầu tàu” của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Lĩnh vực sản xuất công nghiệp ở thành phố này nếu được tăng trưởng tốt trong thời gian tới sẽ là sức kéo cho kinh tế ở các địa phương khác cùng đi lên.
“Tôi tin là thời gian tới, GRDP của Tp.HCM sẽ tăng trưởng tốt hơn nữa. “Sức khỏe” của các DN tại đây cũng sẽ được cải thiện. Có thể sức mua trên thị trường thành phố trong quý 3/2023 chưa tăng đột phá, nhưng GRDP sẽ tăng khi có “cửa sáng” về xuất khẩu, qua đó giúp thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp và một số lĩnh vực mũi nhọn trong mảng thương mại dịch vụ, bán lẻ”, ông Dũng chia sẻ.
Còn đứng ở góc độ DN, ông Phạm Văn Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan Tp.HCM, thừa nhận khó khăn vẫn còn quá nhiều, đơn hàng của các DN trong ngành dệt may thành phố vào quý 2/2023 đã sụt giảm trung bình 20 - 25%. Với quý 3/2023, các DN hy vọng đơn hàng sẽ nhích lên 20%.
“Tình hình của các DN hiện tại đã rất khó, lại thêm áp lực về các tiêu chuẩn, chứng nhận xanh. Tuy nhiên, điều quan tâm nhất với các DN trong quý 3/2023 là thị trường, là đơn hàng”, ông Hồng nói.
Đừng để doanh nghiệp “tự bơi”
Nhìn từ bức tranh kinh tế ở Tp.HCM cũng để kỳ vọng các DN sản xuất tại các địa phương khác trong cả nước sẽ thoát khỏi khó khăn trong giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, tính chất lạc quan trong giai đoạn tới của các DN vẫn còn có một giới hạn nhất định.
Như dữ liệu công bố vào ngày 29/6 của Tổng cục Thống kê cho thấy dự kiến quý 3/2023, chỉ có 34,3% số DN đánh giá xu hướng kinh doanh sẽ tốt lên so với quý 2/2023. Còn trong quý 2 vừa qua, chỉ có 27,5% số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý 1/2023.
Ngoài ra, cũng nên lưu ý thêm là trong tháng 6/2023, cả nước có 13,9 nghìn DN thành lập mới, tăng 14,9% so với tháng trước và tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, có 7,1 nghìn DN quay trở lại hoạt động, tăng 19,3% và gấp 3,2 lần. Đó là một tín hiệu tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong tháng cuối cùng của quý 2/2023.
Tuy vậy, “nốt trầm” thì vẫn còn đó. Như trong tháng 6 có tới 5.749 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 21,9% so với tháng trước và tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2022. Mặt khác, còn có 1.482 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 21,2% so với tháng trước.
Và tính chung trong 6 tháng đầu năm nay, có tổng cộng 60,2 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 31 nghìn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9%; 8,8 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 2,8%.
Theo chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng, để các DN thoát khỏi “nốt trầm” trong thời gian tới đang rất cần tinh thần công vụ của của các cơ quan nhà nước sẽ tiếp tục tích cực hơn trong giải quyết những ách tắc của DN.
Trong đó, thứ nhất là vấn đề về vốn liếng, rất cần tiếp tục thúc đẩy các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, giảm các loại phí và tăng tinh thần tiếp cận vốn cho DN. Một khi được tiếp cận vốn thuận lợi, dễ dàng hơn từ khâu thủ tục cho đến giải ngân thì khó khăn của DN trong sản xuất kinh doanh sẽ khơi thông được phần nào.
Thứ hai là phải nâng cao công vụ trong việc chuyển đổi số để giải quyết những vấn đề phát sinh của DN. Chỉ có chuyển đổi số một cách xuyên suốt từ Trung ương cho tới địa phương thì phía DN mới có thể tháo gỡ được những khó khăn từ xa và nhanh nhất có thể.
Thứ ba là những vấn đề ách tắc về xuất khẩu đòi hỏi các cơ quan quản lý cần chủ động đồng hành. Bởi lẽ lâu nay, nhiều DN vẫn phải “tự bơi” giữa khó khăn về mặt thị trường. Điều mà DN đang rất cần trong thời gian tới là sự đồng hành từ những cơ quan công vụ có liên quan để cùng đi tìm thị trường, đi tìm đơn hàng…
Thế Vinh