Ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Tp.HCM, cho biết khi được hỏi về nhu cầu thu mua nguyên vật liệu và linh kiện, 86% các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đã trả lời rằng có dự định mở rộng nội địa hóa việc thu mua.
Cơ hội kinh doanh rõ rệt
Khoảng 88% trong số đó trả lời là sẽ lựa chọn thu mua từ các DN của nước sở tại, cao hơn rất nhiều so với con số 32% trả lời là sẽ mở rộng thu mua từ các công ty Nhật Bản.
Theo ông Matsumoto, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản từ hồi năm ngoái đã thực hiện chính sách viện trợ như việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng tại nước ngoài. Qua 5 đợt tuyển chọn dự án viện trợ, nếu tính số lượng dự án theo từng quốc gia thì trong 103 dự án được chọn, Việt Nam chiếm số lượng nhiều nhất với 41 dự án. Điều này đã thể hiện được mức độ quan tâm đến Việt Nam cao thế nào.
Để tăng sức mạnh cho các DN phụ trợ Việt, quan trọng là cần hình thành hệ sinh thái nhằm giúp các DN tăng cường kết nối, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. |
Vị trưởng đại diện của Jetro tại Tp.HCM có lưu ý sự hợp tác trong ngành công nghiệp hỗ trợ là một điểm quan trọng việc tăng cường mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa Nhật Bản và Việt Nam. Thế nhưng qua khảo sát các DN Nhật thì thấy một số vấn đề như chất lượng sản phẩm, kỹ thuật chưa hoàn thiện dẫn đến trở ngại cho việc thu mua linh kiện, nguyên vật liệu tại Việt Nam.
Trên thực tế, khả năng cung ứng vật liệu linh kiện của Việt Nam so với các nước trong khu vực chỉ chiếm 39,6%. Trong khi đó, khả năng cung ứng của Trung Quốc chiếm 59,5%; Malaysia chiếm 49,3%; Indonesia chiếm 44,8% và Thái Lan chiếm 41,7%.
Ngoài việc các DN Nhật vẫn mong tăng khả năng thu mua các sản phẩm phụ trợ của Việt Nam, theo ông Vũ Trọng Tài, Tổng giám đốc Công ty RX Tradex Việt Nam, số lượng khách hàng Mỹ và EU vào Việt Nam tìm kiếm nguồn cung ứng mới cũng ngày một nhiều hơn, đa dạng hơn, mang lại các cơ hội kinh doanh rõ rệt cho các DN phụ trợ Việt.
Chia sẻ tại buổi họp báo ở Tp.HCM cuối tuần qua nhằm giới thiệu triển lãm Công nghiệp Hỗ trợ - Metalex Vietnam 2022, ông Tài cho rằng Việt Nam tương lai trở thành trung tâm sản xuất để hỗ trợ sự tăng trưởng và phát triển của ASEAN. Cần cùng nhau nỗ lực làm việc để giúp ngành công nghiệp sản xuất và công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam trở thành một ngành phát triển mạnh trong khu vực.
“Do đó, ngoài việc gỡ các nút thắt về kỹ năng nhân công, cơ sở hạ tầng, Việt Nam cần phải phát triển hơn hệ thống công nghiệp với chất lượng và năng suất cạnh tranh toàn cầu. Giữ đà tăng trưởng của dòng vốn FDI, tăng tỷ lệ nội địa hóa, đồng thời thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ bao phủ toàn bộ chuỗi giá trị tương ứng”, ông Tài nói.
Cần liên kết chặt, tạo những cú hích để đột phá
Vị tổng giám đốc của RX Tradex Việt Nam cũng nhận định gần đây Việt Nam đã nổi lên với vai trò như một trung tâm sản xuất mới, trong chuỗi cung ứng toàn cầu với sự góp mặt của một số tên tuổi sáng giá trong lĩnh vực chế tạo, công nghệ cao như Samsung, Intel, LG, Foxconn… Đây đều là những tập đoàn lớn, nổi tiếng trên thế giới, kéo theo sau họ là mạng lưới các công ty vệ tinh cung cấp linh kiện và các sản phẩm hỗ trợ.
“Những tập đoàn, công ty nói trên vẫn đang tiếp tục nghiên cứu khả năng mở rộng đầu tư, gia tăng năng lực sản xuất, gia công linh kiện điện tử, thiết bị di động chất lượng cao, phục vụ xuất khẩu (XK) ra thị trường toàn cầu”, ông Tài chia sẻ thêm.
Riêng với mảng cơ khí phụ trợ của các DN Việt, để ngày càng “sáng sủa” trong chuỗi cung ứng toàn cầu như kỳ vọng, theo giới chuyên gia, điều này đòi hỏi ngành này cần phát triển tương xứng với vai trò “xương sống” của nền kinh tế. Lĩnh vực này cần những cú hích để đột phá, mà cốt lõi phải có những DN lớn làm trụ cột liên kết các DN nhỏ để gia tăng năng lực cạnh tranh.
Nhất là khi xu hướng dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu giai đoạn hậu Covid-19 sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành cơ khí phụ trợ. Tuy vậy, mặt hạn chế là phần lớn các DN Việt vẫn tập trung vào một vài công đoạn trong lĩnh vực này mà thiếu đi những DN phát triển được chuỗi giá trị.
Chẳng hạn trường hợp hiếm hoi như Thaco Industries được xem là điển hình của mảng cơ khí phụ trợ, từ việc cung cấp vật tư, gia công, xử lý bề mặt đến sản phẩm hoàn thiện, cung ứng trong nước và XK.
Hiện nay, DN này đã thâm nhập vào nhiều thị trường lớn như Mỹ, Australia, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản…và khả năng năm nay sẽ đạt kim ngạch XK 165 triệu USD.
Để tăng sức mạnh cho các DN phụ trợ Việt, giới chuyên gia cho rằng thay đổi tất yếu là cần hình thành hệ sinh thái thông qua liên kết với đối tác trong và ngoài nước để sản xuất kinh doanh sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Việc hình thành hệ sinh thái sẽ giúp các DN Việt tăng cường kết nối, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trong chuỗi giá trị toàn cầu. Một khi tạo ra “hệ sinh thái công nghiệp” và “xã hội sản xuất” đủ mạnh, khi đó công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam sẽ bứt phá.
Điều này đòi hỏi các DN phụ trợ Việt cần liên kết, hợp tác sản xuất chặt chẽ giữa DN vừa và nhỏ (SME) với “trụ cột” là các DN lớn. Đơn cử như các SME sản xuất, gia công sản phẩm cho DN lớn. Hoặc là các SME thực hiện nghiên cứu và phát triển (R&D), còn DN lớn sẽ sản xuất, gia công toàn bộ hoặc một phần sản phẩm. Ngoài ra, với các SME có thị trường kinh doanh thì DN lớn sẽ đảm nhận R&D, sản xuất, gia công, cung ứng sản phẩm…
Thế Vinh