Hồi cuối tháng 6/2022 vừa qua, Nhà máy Linh kiện Nhựa thuộc Tổng công ty cơ khí và công nghiệp hỗ trợ (Thaco Industries) đã xuất khẩu (XK) lô 5.600 bồn nhựa sang Mỹ. Dự kiến cả năm 2022, nhà máy sẽ xuất sang thị trường này tổng cộng 25.200 bồn nhựa, tăng 50% so với năm 2021.
Tín hiệu khả quan
Ngoài ra, cũng trong tháng qua, một đơn vị khác thuộc Thaco Industries là Công ty sản xuất Phụ tùng ô tô (Autocom) đã XK gần 8.000 bộ áo ghế xe Kia Bongo cho công ty Cellmech International Vina (Hàn Quốc).
Dự kiến cả năm 2022, nhà máy Autocom sẽ XK 107.000 bộ áo ghế xe Kia Bongo (tăng 18,5% so với năm 2021), đồng thời cung cấp nhiều sản phẩm khác như: Bọc cần số, áo ghế Kia Rio, áo ghế Hyundai i30, áo ghế Hyundai AX... cho đối tác này.
Điểm yếu của các công ty nội địa trong mảng linh phụ kiện là mới chỉ dừng lại ở việc sản xuất ra những linh kiện đơn chiếc cho các ngành ở “hạ nguồn” chứ chưa thể làm được nhiều cụm linh kiện ở mức cao hơn. |
Hoặc như hồi tháng 4/2022, nhà máy linh kiện thân vỏ ô tô (thuộc Thaco Industries) đã XK lô hơn 700 bộ cốp xe KIA Carnival sang Malaysia, đánh dấu bước phát triển mới trong hoạt động sản xuất kinh doanh, bởi đây là sản phẩm đầu tiên của nhà máy được XK sang thị trường nước ngoài.
Có thể thấy đó là tín hiệu khả quan về mặt XK linh phụ kiện ở một doanh nghiệp (DN) nội trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Điều quan trọng là DN này đang có hướng đi đúng khi biết cách đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất theo hướng tự động hoá và đẩy mạnh hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển) nhằm đa dạng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu riêng biệt của khách hàng.
Ngoài ra, đánh giá mới đây của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cũng cho thấy một số DN sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt tại những lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa - cao su kỹ thuật; săm lốp các loại. Các sản phẩm này đã đáp ứng được nhu cầu trong nước và được XK tới nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo bà Trương Thị Chí Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), trong 5 năm trở lại đây, từ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trở nên căng thẳng thì việc những nhà thu mua toàn cầu tìm kiếm các nhà cung cấp linh phụ kiện tại Việt Nam đã tăng cả về chiều sâu và chiều rộng.
Và nếu các nhà cung cấp nội địa đáp ứng được các yêu cầu của nhà thu mua toàn cầu về mẫu mã, chất lượng, giá cạnh tranh thì sẽ dễ dàng nhận được đơn hàng lớn.
Tuy vậy, bà Bình lưu ý điểm yếu của các công ty nội địa trong mảng linh phụ kiện là mới chỉ dừng lại ở việc sản xuất ra những linh kiện đơn chiếc cho các ngành ở “hạ nguồn” chứ chưa thể làm được nhiều cụm linh kiện ở mức cao hơn.
Phải gia tăng năng lực sản xuất
“Cho nên, chúng tôi đang tìm kiếm các giải pháp nhằm hỗ trợ DN nội địa tiến lên trong chuỗi cung ứng linh phụ kiện, phải đi sâu hơn nữa và tập trung vào khu vực công nghiệp chế tạo. Mặt khác, cũng thừa nhận là có một số mặt khá hơn của khối nội trong máy móc chế tạo. Như trong ngành xây dựng thì công ty nội địa có thể cung cấp được cụm linh kiện hoặc các giải pháp, sản phẩm hoàn chỉnh”, Tổng thư ký VASI nói.
Bà Bình nhận định tác động của việc dịch chuyển chuỗi cung ứng giúp cho những đơn hàng linh phụ kiện dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam lớn hơn rất nhiều so với những đơn hàng mà hiện giờ các DN Việt đang sản xuất và cung cấp trong nước hoặc XK.
Nhờ thế, các DN nội địa trong mảng linh phụ kiện sẽ cần phải gia tăng năng lực sản xuất để đáp ứng sự chuyển dịch đơn hàng này. Và họ cần phải nghĩ đến việc tập hợp những nhóm DN để có thể sản xuất được sâu hơn, đặc biệt là những cụm linh kiện hoặc những sản phẩm tương đối hoàn chỉnh để có thể XK trực tiếp cho khách hàng trên toàn cầu.
Giới chuyên gia cho rằng, các DN nội địa trong mảng linh phụ kiện nên linh hoạt sản xuất để có nhiều đơn hàng mới, nhất là hoàn thành được nhiều đơn hàng khó, số lượng lớn trong thời gian ngắn.
Ngoài ra, trong bối cảnh thị trường nội địa và XK đều rộng mở, các DN nên tìm nguồn nguyên liệu trong nước để rút ngắn thời gian, chi phí vận chuyển và chủ động được sản xuất linh phụ kiện.
Còn trên thực tế, việc phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu sẽ khiến cho khối nội đánh mất đi lợi thế cạnh tranh của mình khi XK linh phụ kiện.
Chẳng hạn như mảng sản xuất linh phụ kiện nhựa, chi phí cho nguyên liệu chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu chi phí. Tuy nhiên, các công ty nội địa chuyên sản xuất linh phụ kiện nhựa không thể chủ động nguồn cung cấp trong nước, phải nhập khẩu đến 80% nguyên liệu đầu vào.
Tình trạng này dẫn đến việc các công ty phải duy trì tồn kho nguyên liệu lớn để đảm bảo không gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh, kéo theo đó là chi phí tài chính gia tăng, cộng thêm rủi ro về thay đổi tỷ giá và giá dầu thế giới.
Trong khi đó, theo ông Akutsu Michio, chuyên gia Hiệp hội Cố vấn thương mại Nhật Bản, các DN Việt trong mảng linh phụ kiện vẫn còn thiếu thông tin của các nhà cung cấp nguyên vật liệu chất lượng và giá rẻ ở nước ngoài.
Ông Akutsu Michio cho rằng, các DN Việt có thể sử dụng các công ty thương mại để cung cấp nguyên liệu với giá cạnh tranh, hỗ trợ thực hiện thủ tục hải quan, đề xuất phương thức sản xuất mới, cơ giới hoá và tự động hóa cho DN sản xuất lắp ráp.
Thế Vinh