Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định điều này khi phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 diễn ra chiều 2/5, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội.
Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng nhắc lại chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước là xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần. Mỗi một thành phần kinh tế đều đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế của nước ta.
![]() |
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tạo đột phá về môi trường kinh doanh |
Qua 30 năm đổi mới, chúng ta cùng nhau chứng kiến những thành quả phát triển kinh tế tích cực. Đặc biệt, năm 2018 là năm thứ 4 liên tiếp cả nước có số doanh nghiệp (DN) thành lập mới và số vốn đăng ký kỷ lục. Trong thành công này, kinh tế tư nhân nổi lên là lực lượng quan trọng phát triển kinh tế đất nước, chiếm hơn 40% GDP. Nhiều DN tư nhân khẳng định giá trị thương hiệu của mình và được người dân trong nước tin tưởng.
Tuy vậy, Thủ tướng đánh giá những kết quả này vẫn còn thấp so với mức tiềm năng. Từ thực tiễn các nước, khu vực kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, vì vậy các ngành, các cấp cần tìm cách kích hoạt để khu vực này có điều kiện phát triển tốt hơn nữa.
Thủ tướng tin rằng nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể hùng mạnh khi có những DN tư nhân có thể cạnh tranh ở thị trường toàn cầu. Vì vậy, chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật, tìm ra giải pháp để DN Việt có thể cạnh tranh quốc tế, có thương hiệu toàn cầu. Hàng triệu hộ kinh doanh cá thể chuyển thành DN, đóng góp cho xã hội...
![]() |
Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 diễn ra ngày 2.5.2019 tại Hà Nội |
Theo Thủ tướng, đây là những vấn đề khó... Tuy vậy, nếu chúng ta có khát vọng vươn ra biển lớn, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo sẽ là chìa khoá để thành công.
Ở thời điểm này, Thủ tướng nhấn mạnh đổi mới sáng tạo không chỉ liên quan tới công nghệ mà còn nhiều lĩnh vực khác.
Nhìn về quá khứ, nếu tính tổng các nguồn lực, Việt Nam đều thua các đối thủ nhưng chúng ta đều chiến thắng nhờ sử dụng tài tình nguồn lực, phát huy điểm mạnh của mình.
Do vậy, Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục tạo đột phá về môi trường kinh doanh. Hiện nay, môi trường kinh doanh còn nhiều rào cản, đôi khi thể chế chính sách còn chưa theo kịp sự phát triển của DN.
"Hơn ai hết, DN là người lăn lộn thực tế, thấy rõ những nút thắt đang cản trở. Chúng tôi tới đây để lắng nghe ý kiến của doanh nhân", Thủ tướng cho biết.
Cùng với đó, Thủ tướng cũng đề cập tới tinh thần doanh nghiệp, đó là chí tiến thủ của nhà doanh nghiệp, không bằng lòng với hoàn cảnh đang có, nỗ lực tiềm kiếm công nghệ, thị trường mới; Doanh nhân cần kinh doanh liêm chính, tìm kiếm lợi nhuận chân chính; Tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội và đạo đức kinh doanh. "Các DN tạo ra sản phẩm có thương hiệu, cạnh tranh là góp phần làm hình ảnh Việt Nam sáng chói trên vũ đài quốc tế. Trong thời đại hội nhập, lãnh đạo DN ở một nước phải có tinh thần dân tộc và yêu nước", Thủ tướng yêu cầu.
Lê Thúy