Qua tổng kết 10 năm thực hiện công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam cho thấy, các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của Chính phủ cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu thực tế, tạo điều kiện cho công dân ra nước ngoài công tác, học tập, lao động, du lịch, khám chữa bệnh, thăm thân...
Người dân đang làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay Quốc tế Nội Bài. (Ảnh: Internet) |
Tuy nhiên, chia sẻ bền hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng, để phù hợp với xu thế hiện nay, nhất là áp dụng sự tiến bộ của khoa học, công nghệ trong việc cấp giấy tờ, kiểm soát xuất nhập cảnh công dân ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước và để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan thì việc xây dựng và ban hành Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam là cần thiết.
Các đại biểu lưu ý, những quy định trong Luật cần đơn giản hóa về thủ tục hành chính trong hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh, đồng thời phải chặt chẽ trong công tác quản lý để bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (đoàn Sóc Trăng) đánh giá, trước hết phải nói việc áp dụng công nghệ internet vào quản lý xuất nhập cảnh nói riêng và quản lý hành chính nói chung trong 3 năm qua đang được Chính phủ triển khai rất rốt ráo.
Ở góc độ ứng dụng công nghệ trong việc cấp thị thực cho du khách đến Việt Nam, ông Kiên lưu ý việc tạo điều kiện thuận lợi cho những người du lịch đến Việt Nam và phát triển ngành du lịch nhưng vẫn phải đảm bảo công tác quản lý, không vì chạy theo số lượng khách du lịch mà không quản lý được.
Tuy nhiên, trước ý kiến cho rằng, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực xuất nhập cảnh ở Việt Nam so với các nước trong khu vực đang còn hạn chế và cần phải đẩy mạnh để bắt kịp với các nước như Brunei, Singapore.
Đại biểu Kiên cho rằng, hiện nay một số nước trong khu vực như Brunay chưa đến 1 triệu dân , Singapore có khoảng 3,5 triệu dân và vị trí địa lý của họ rất nhỏ, chỉ có 1 cửa khẩu. Trong khi đó, ở Việt Nam có nhiều cửa khẩu nên cách quản lý của mình cũng phải tương thích với điều kiện địa lý, điều kiện kinh tế xã hội của đất nước.
Do đó, ông Kiên cho rằng, vấn đề đầu tiên là phải nối mạng ở tất cả các cửa khẩu bao gồm đường bộ, hàng không và cửa khẩu đường biển để kiểm soát tốt lượng khách vào – ra, nhằm đảm bảo hỗ trợ khách du lịch đến đúng nơi họ muốn, ở đúng nơi đăng ký.
Ngoài ra, cũng sẽ đảm bảo an ninh cho du khách. Chẳng hạn, sẽ hạn chế được tình trạng có một số doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh có muốn "chặt chém" khách du lịch thì qua phản ánh của du khách có thể rà soát và xử lý được để tạo nên hình ảnh đẹp của Việt Nam trong mắt du khách.
Hoàng Hà