Nhìn vào sự bùng nổ của bán lẻ trực tuyến hiện nay ở Việt Nam, bên cạnh yếu tố tích cực là đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, thì tình trạng hàng giả, chất lượng nguồn hàng hóa còn bỏ ngỏ, trốn tránh thuế, chuyển ngoại tệ trái phép… được cho là thấp thoáng yếu tố kinh tế ngầm có thể ảnh hưởng đến hàng Việt sản xuất chân chính.
Trong khi đó, theo dự báo doanh số thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam trong hai năm tới sẽ đạt 10 tỷ USD với khoảng 30% dân số sẽ mua sắm trực tuyến.
Rủi ro từ bán lẻ trực tuyến
Trong các giao dịch TMĐT, thanh toán tiền mặt khi nhận hàng (COD) vẫn là phương thức thanh toán phổ biến được người tiêu dùng lựa chọn (năm 2013 là 74%, năm 2017 là 82%).
Việc thanh toán bằng tiền mặt có liên quan kinh tế ngầm làm ảnh hưởng đến các nhà sản xuất chân chính ở Việt Nam là vấn đề được bà Manjit Kaur, Giám đốc phụ trách mảng chính sách công của Tập đoàn Visa (Mỹ) lưu ý tại hội thảo về thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam diễn ra ở Tp.HCM ngày 19/9.
Theo bà Manjit, một nền kinh tế nếu để tồn tại hoạt động kinh tế ngầm là điều không tốt vì có những loại hàng hóa tìm mọi cách không phải trả thuế. Điều này một mặt khiến Nhà nước giảm thu, mặt khác làm ảnh hưởng đến hàng hóa của những doanh nghiệp (DN) sản xuất chân chính, sẽ khiến cho các DN trong nước đối mặt tình trạng lỗ lã, mất thị phần…
"Đây là vấn đề đầy thách thức vì những đối tượng hoạt động trong kinh tế ngầm đa phần sử dụng bằng tiền mặt khi giao dịch hàng hóa và hạn chế sử dụng công cụ thanh toán điện tử nhằm tránh bị phát hiện", bà Manjit nhấn mạnh.
Một cách để giảm thiểu kinh tế ngầm tại Việt Nam, theo bà Manjit, là cần sử dụng kỹ thuật số trong thanh toán nhằm giúp Nhà nước tránh thất thu thuế và hỗ trợ được các ngành sản xuất chân chính trong nước, việc cạnh tranh trên thị trường được công bằng hơn.
Những số liệu từ một công ty cung cấp dịch vụ thanh toán kỹ thuật số hàng đầu thế giới cho thấy sự tăng trưởng vượt bậc trong mảng chi tiêu TMĐT tại Việt Nam với số lượng giao dịch tăng đến 44%.
Mặc dù vậy, việc trốn tránh thuế như trong kinh tế ngầm vẫn là nỗi ám ảnh với cơ quan quản lý nếu như việc thanh toán bằng tiền mặt chưa giảm.
Chẳng hạn như khoảng 27.000 tài khoản bán hàng qua Facebook (con số thực có thể lên đến cả triệu) ở Hà Nội và Tp.HCM được cơ quan quản lý thuế lọc ra hồi năm ngoái, theo giới chuyên gia, để kiểm soát được cần chuyển trả tiền mua hàng hóa và dịch vụ qua tài khoản ngân hàng, các ví điện tử chứ không phải là sử dụng tiền mặt.
Vẫn có ý kiến cho rằng kinh tế ngầm không phải là một thành phần xấu, chỉ đơn giản là kinh tế không chính thức, trong đó bao gồm các hoạt động giao dịch giữa người dân với nhau, giao dịch giữa các hộ kinh doanh cá thể, giữa các DN nhỏ với nhau…
Các giao dịch này chủ yếu sử dụng tiền mặt trực tiếp, không được ghi nhận bằng hóa đơn, chứng từ mà giao dịch thông qua các thỏa thuận riêng được thống nhất từ trước.
Chi tiêu thương mại điện tử tại Việt Nam với số lượng giao dịch tăng đến 44% |
Hạn chế thanh toán tiền mặt?
Như nhận định của bà Manjit Kaur, kinh tế ngầm sẽ tác động tiêu cực đến GDP. Chỉ có cách giảm thanh toán bằng tiền mặt và tăng thanh toán kỹ thuật số thì mới đảm bảo sự phát triển dài hạn cho nền kinh tế Việt Nam.
Có thể thấy tình trạng hàng giả là một hình thức của kinh tế ngầm đang gây hại cho hàng Việt. Theo thống kê, hàng năm, cơ quan quản lý thị trường cả nước phát hiện và xử lý trên 100.000 vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong đó sản phẩm dệt may, thời trang chiếm phần lớn.
Theo giới chuyên gia, việc bị làm giả, làm nhái các thương hiệu nổi tiếng như vậy đã làm xấu hình ảnh thương hiệu hàng Việt. Điều này khiến các DN trong nước bị kìm hãm sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh yếu và khó bảo vệ thương hiệu, sản phẩm của mình.
Một nghiên cứu từng chỉ rõ nền kinh tế ngầm tại Việt Nam chiếm đáng kể trong GDP. Điều này sẽ tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng, không đáng tin cậy, bất lợi cho người kinh doanh trung thực, bất lợi cho khu vực chính quy. Đồng thời không khuyến khích và thúc đẩy tính sáng tạo, không khuyến khích đầu tư dài hạn, đầu tư quy mô lớn, đầu tư phát triển nguồn nhân lực…
Ở một diễn biến khác liên quan đến việc hạn chế tiền mặt nhằm tránh nhũng nhiễu hoặc "đi đêm" với DN (một hình thức của kinh tế ngầm – PV), Tổng cục Hải quan mới đây đã ban hành công văn hướng dẫn các Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện việc thu nộp phí, lệ phí hải quan có yêu cầu các đơn vị tuyên truyền, vận động các DN làm thủ tục xuất nhập khẩu thực hiện nộp phí, lệ phí hải quan qua ngân hàng thương mại, Kho bạc Nhà nước theo quy định.
Động thái này nhằm hạn chế tối đa việc thu phí và lệ phí hải quan bằng tiền mặt trực tiếp tại cơ quan hải quan. Tổng cục Hải quan yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố tăng cường các biện pháp quản lý chặt chẽ, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng việc thu phí, lệ phí bằng tiền mặt để gây khó khăn, phiền hà cho DN làm thủ tục hải quan.
Thế Vinh