Tổng cục Thống kê cho biết, GDP năm 2023 ước tính tăng 5,05% so với năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng trưởng của các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023.
Điểm sáng về tăng trưởng khu vực và thế giới
“Trong bối cảnh hầu hết các tổ chức quốc tế đánh giá năm nay, tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm hơn năm trước, ở mức dưới 3%, GDP của Việt Nam vẫn đạt được tăng trưởng 5,05%. Đây được xem là điểm sáng về tăng trưởng của khu vực và thế giới”, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá.
Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Việt Nam sẽ đạt được những kết quả như kỳ vọng. |
Một trong những con số ấn tượng về chỉ số kinh tế 2023 là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện là con số thật của các tập đoàn lớn quốc tế tin tưởng đầu tư vào Việt Nam với hơn 23 tỷ USD trong năm 2023.
Theo bà Hương, đây là mức đầu tư cao nhất trong vòng 5 năm qua. Bên cạnh đó, khách du lịch đến Việt Nam trong năm nay khoảng 12,6 triệu lượt người, vượt mục tiêu ban đầu là 8 triệu và đạt cả mục tiêu thay đổi là 12,5 triệu người. Điều này thể hiện Việt Nam là môi trường hấp dẫn không chỉ với các tập đoàn mà còn của cả người dân trên thế giới.
Cũng theo khảo sát từ Tổng cục Thống kê đối với các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, hoạt động sản xuất kinh doanh quý IV/2023 tích cực hơn quý III/2023 với 69,6% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý IV/2023 so với quý III/2023 tốt hơn và giữ ổn định (31,7% tốt hơn và 37,9% giữ ổn định), 30,4% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn.
Dự báo quý I/2024 khả quan hơn quý IV/2023 với 71,6% doanh nghiệp dự báo hoạt động sản xuất kinh doanh quý I/2024 so với quý IV/2023 tốt hơn và giữ ổn định (31,6% tốt hơn, 40,0% giữ ổn định), 28,4% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn.
Theo kết quả khảo sát quý IV/2023, có 68,9% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng mới tăng và giữ nguyên so với quý III/2023 (29,2% tăng, 39,7% giữ nguyên). Dự báo số lượng đơn đặt hàng mới quý I/2024 so với quý IV/2023 tăng với 72,7% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên (29,3% tăng, 43,4% giữ nguyên), 27,3% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng mới giảm.
Các doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý I/2024 khả quan hơn với 71,4% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên so với quý IV/2023 (24,6% tăng, 46,8% giữ nguyên); 28,6% doanh nghiệp dự báo giảm.
Những tín hiệu tích cực về phát triển kinh tế 2024 cho thấy nhiều kỳ vọng, song bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cũng nhìn nhận dự báo các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Niềm tin của người dân, nhà đầu tư trong và ngoài nước
Dự báo năm 2024 kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tác động từ sự suy giảm của nền kinh tế thế giới dồn nén từ thời đại dịch tới nay nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục tác động đến nền kinh tế Việt Nam ít nhất trong nửa đầu năm 2024, trước khi đón nhận những dấu hiệu tích cực, khả quan hơn.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế các quý, năm 2024, Tổng cục Thống kê cho rằng phải ổn định tình hình kinh tế – chính trị – xã hội, tạo niềm tin cho nhà đầu tư; kiểm soát tốt lạm phát.
Cùng với đó, phát huy hiệu quả các chính sách tài khóa; chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng; chính sách thúc đẩy đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các thị trường đất đai, bất động sản, xây dựng, du lịch, vốn… Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, ưu tiên các dự án sắp hoàn thành; sớm đưa vào sử dụng các dự án có quy mô, có tiềm năng nhằm duy trì và mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh…
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhìn nhận, năm 2024 vẫn rất khó khăn, nhưng Việt Nam có hướng đi rõ, ở lợi thế mà các tổ chức trong nước và thế giới đều dự báo Việt Nam cũng như một số nước trong khu vực sẽ có mức tăng trưởng khá hơn năm 2023. “Lý do chúng ta đang có đà tăng, có niềm tin của người dân, doanh nghiệp trong nước và thế giới; đây là một trong những lợi thế mà không phải quốc gia nào cũng có”, bà Hương nói.
Thêm vào đó, bà Hương dẫn chứng, Việt Nam đang tập trung đầu tư vào hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, quyết liệt cải cách thể chế theo đúng định hướng của Chính phủ. “Đây là lợi thế không phải quốc gia nào cũng có, ngoài câu chuyện Việt Nam có hệ thống chính trị, an sinh xã hội ổn định, an toàn thân thiện, đây là điểm hấp dẫn đối với bạn bè quốc tế”, bà Hương nhấn mạnh.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Andrea Coppola đã mô tả Việt Nam trong năm 2023 là "kiên cường", đồng thời cho rằng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, Việt Nam vẫn có thể duy trì tốc độ tăng trưởng mà nhiều quốc gia khác trên thế giới kỳ vọng.
Ông Coppola nhấn mạnh, Việt Nam được coi là một trong những nền kinh tế cởi mở nhất thế giới. Mối quan hệ thương mại mạnh mẽ của nước này với phần còn lại của thế giới là nguồn sức mạnh và thành công. Hiệu quả kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 là tích cực khi xét đến bối cảnh toàn cầu đầy thách thức.
Theo chuyên gia kinh tế, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế vì sự ổn định về kinh tế, chính trị và khả năng hội nhập nền kinh tế toàn cầu. Ông nhấn mạnh rằng trong bối cảnh như vậy, điều quan trọng là phải tiếp tục củng cố môi trường kinh doanh và thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư tư nhân để tận dụng tối đa tác động của diễn biến địa chính trị toàn cầu đối với đầu tư và thương mại quốc tế.
Lê Thúy