Thời khắc lắng đọng của ngày đầu năm mới nhiều chuyên gia, doanh nghiệp vẫn tin tưởng và đưa ra những dự báo tích cực về bức tranh kinh tế của Việt Nam năm 2022. Đặc biệt, những dự báo của các tổ chức trong và ngoài nước khá gần với con số tăng trưởng GDP mà Chính phủ muốn, tức là tăng trưởng năm 2022 từ 6 – 6,5%, đã được Quốc hội thông qua cho thấy sự lạc quan về sức vươn mạnh mẽ của nền kinh tế Việt...
Nhiều dấu hiệu tích cực
Trao đổi với Tạp chí Kinh Doanh (VnBusiness) trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cấp cao Học viện Tài chính cho rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% đề ra cho năm 2022 là “khá thận trọng”, không cần phải có gói hỗ trợ lên tới hàng trăm nghìn tỷ như các đề xuất gần đây, chỉ cần thực hiện hiệu quả các gói hỗ trợ hiện có. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động, các ngành bị kìm nén khá lâu do dịch bệnh sẽ nhanh chóng “bật dậy”.
"Tôi tin rằng tăng trưởng GDP năm 2022 có thể lên tới 7% - 7,5%”, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh tỏ rõ sự lạc quan về “bức tranh” tăng trưởng trong năm 2022.
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang tận dụng rất tốt việc mở cửa của nền kinh tế để phục hồi sản xuất, kinh doanh trong năm 2022. (Ảnh: một xưởng may của công ty May 10) |
Mang sự kỳ vọng này đi hỏi một chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) chúng tôi không khỏi bất ngờ khi ông nhấn mạnh: “Với tình hình phục hồi như hiện nay, thì GDP quý I/2022 có thể tăng trưởng khoảng 6%, còn cả năm 2022 có thể đạt hơn 8% nhờ một số ngành trong năm 2022 sẽ phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là các ngành dịch vụ như: Du lịch, hàng không, nhà hàng, khách sạn... Bên cạnh đó, tăng trưởng GDP năm 2022 chỉ phải so với nền tăng trưởng thấp của năm 2021".
Với quan điểm thận trọng hơn, PGS.TS Vũ Sỹ Cường - Kinh tế trưởng Viện Công nghệ và Phát triển tài chính cho rằng, để tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu đề ra 6 – 6,5% trước những rủi ro rất lớn là Covid-19 vẫn chưa được khống chế, Việt Nam cần phải giải quyết rất nhiều “bài toán”. Đó là, bài toán về sự nhất quán trong chính sách chống dịch, gỡ những “nút thắt” về nguồn lao động do nguồn lao động di cư về quê không quay trở lại làm việc khiến cho doanh nghiệp thiếu lao động. Ngoài ra, việc thực hiện gói hỗ trợ phục hồi kinh tế cần được đẩy nhanh bởi nếu đến quý II/2022 mới triển khai, hiệu quả sẽ không đạt kỳ vọng.
Cũng cần phải nói thêm, dù trong bối cảnh đại dịch covid-19 hoành hành, Việt Nam cũng đạt được những tín hiệu tích cực. Chẳng hạn như về năng lực y tế, vắc xin đã tốt hơn, và quan trọng hơn nữa là cách ứng xử bình tĩnh hơn và phù hợp hơn dù đại dịch vẫn còn diễn biến khó lường. Việc chuyển hướng chiến lược trong phòng chống dịch là một điển hình.
Tiếp đó, đà phục hồi kinh tế thế giới vẫn tiếp tục dù rằng tốc độ tăng trưởng sẽ giảm – đây là yếu tố rất quan trọng đối với nền kinh tế mở như Việt Nam về thương mại, đầu tư, du lịch, dịch chuyển chuyên gia…
Không chỉ trong chống dịch, Việt Nam đã nhận thức và đang chuẩn bị số liệu cách thức cụ thể về chương trình, các biện pháp hỗ trợ đủ liều, đủ mạnh, đủ quyết liệt và cố gắng thực thi cho đúng, trúng, kịp thời và hiệu quả. Đó là tích cực.
Nếu nhìn ở cấp độ vi mô, người dân và doanh nghiệp qua trải nghiệm với đại dịch đã học được cách sống, cách làm ăn đảm bảo có khả năng sống sót, trụ lại và dần phục hồi. Không chỉ vậy, ít nhiều chúng ta đã bắt nhịp với những xu hướng phát triển mới đòi hỏi mới như: kinh tế xanh, tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thúc đẩy chuyển đổi số…
Nhiều động lực cho nền kinh tế
Bàn về động lực cho tăng trưởng năm 2022, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn – Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam cho biết, nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ vững chắc cho nền kinh tế Việt Nam trong năm này, mặc dù mức tăng trưởng không có nhiều đột phá, xoay quanh mức tăng khoảng 2-3%. Tuy nhiên, tăng trưởng của ngành nông nghiệp giúp đảm bảo cho hơn 30 triệu lao động, đảm bảo quốc kế dân sinh cho 60% dân số khu vực nông thôn và nền tảng cho quá trình đô thị hóa.
Về khả năng dẫn dắt đột phá, theo ông Tuấn ngành công nghiệp chế biến chế tạo là trụ cột. Theo đó, trong năm 2022, ngành công nghiệp chế biến chế tạo sẽ thúc đẩy được mạnh mẽ, cả từ phía cầu kéo cả phía cung (đây là điểm yếu của nền kinh tế trong năm 2021).
Ngoài ra, Việt Nam vẫn là điểm đến đáng tin cậy, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế. “Thời gian qua các chuyến công du của các lãnh đạo ra nước ngoài trong bối cảnh đại dịch, như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sang Mỹ, Thủ tướng sang châu Âu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sang Hàn Quốc hoặc Ấn Độ đã mang về rất nhiều cam kết đầu tư cho Việt Nam. Đó là niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế đối với Việt Nam”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Trong năm 2022, ông Tuấn cũng kỳ vọng Chính phủ và các địa phương sẽ thúc đẩy mạnh mẽ tái cấu trúc lại nền kinh tế. Từ đó, sẽ tạo ra các cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia vào quá trình tái cấu trúc đó và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Điều đó cũng sẽ thúc đẩy tăng trưởng không chỉ trong ngắn hạn mà còn tạo ra nền tảng có thể phục hồi bền vững hơn trong dài hạn.
Còn theo TS. Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nếu nhìn vào tổng cầu sẽ có 2 động lực cho phát triển kinh tế năm 2022. Thứ nhất là xuất khẩu, gắn với tăng trưởng của kinh tế thế giới, nhất là các đối tác của Việt Nam, đồng thời gắn với việc Việt Nam tận dụng tốt hơn việc mở cửa của nền kinh tế nước nhà.
Động lực thứ là hai là đầu tư công, tuy nhiên bài toán hiện nay vẫn là làm sao có thể đẩy nhanh được giải ngân đầu tư công, tăng hấp thụ của nền kinh tế.
“Nói như vậy không có nghĩa rằng chúng ta không quan tâm đến đầu tư tư nhân hay không quan tâm đến việc kích cầu tiêu dùng”, ông Thành nêu quan điểm.
Về phía cung, gắn với đầu tư công ngành xây dựng sẽ phát triển tốt, hay với tăng trưởng kinh tế hiện nay và nhu cầu càng thể hiện trong đại dịch là hàng nông sản, thủy sản – đó là những “đường dẫn” cho tăng trưởng kinh tế 2022.
"Thậm chí, nếu dẫn dắt khéo, những ngành khó khăn có thể có những bước đầu chập chững sẽ dần dần có bước phục hồi tốt hơn", ông Thành nói.
Các chuyên gia và lãnh đạo các công ty cho rằng năm mới Nhâm Dần 2022 vẫn còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng tin tưởng đất nước sẽ phát triển, đạt được những thành công mới.
Năm 2022 số tiền bán ròng sẽ quay lại thị trường
Điểm tích cực của năm 2021 đó là kinh tế phục hồi, mặc dù chậm nhưng phục hồi tương đối nhanh trong quý IV/2021 và sẽ tạo đà cho kinh tế phục hồi nhanh vào năm 2022. Một điểm ít người nhắc đến trong năm 2021 đó là dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đầu tư trực tiếp số lượng đăng ký tăng mặc dù số lượng giải ngân còn khiêm tốn trong năm 2021 (vốn đăng ký đạt 26,46 tỷ USD chỉ tăng nhẹ 0,1% nhưng ước thực hiện giảm 4,2%, đạt 17,1 tỷ USD trong 11 tháng). Đến nay đầu tư trực tiếp nước ngoài cả đăng ký và thực hiện có dấu hiệu phục hồi. Đây cũng là năm bán ròng của nhà đầu tư ngoại nhưng tiền không chuyển ra khỏi Việt Nam. Thế nên, chúng tôi kỳ vọng năm 2022 số tiền bán ròng sẽ quay lại thị trường. Ngân hàng luôn đồng hành với doanh nghiệp
Tôi ghi nhận một điểm rất sáng trong năm 2021 đó lạm phát thấp. Trong đó, một phần là do lực cầu yếu nhưng cũng phải công nhận một điều đó là sự phối hợp chính sách tốt hơn rất nhiều giữa tài khóa và tiền tệ. Với tiêu chí coi khách hàng là đối tác, trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài khiến doanh nghiệp rất khó khăn, ngành ngân hàng không đứng ngoài cuộc mà triển khai hàng loạt chính sách hỗ trợ chưa từng có tiền lệ. Chẳng hạn, liên tục ban hành Thông tư cho phép các ngân hàng cơ cấu nợ cho doanh nghiệp, hay như chính sách tài khóa cho phép dùng quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động… Về cơ bản, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước làm việc với nhau rất là nhịp nhàng so với trước. Vì vậy, lạm phát được kiểm soát tốt cũng là một điểm đáng được ghi nhận trong năm 2021. Cộng với việc kinh tế vĩ mô về cơ bản ổn định mặc dù tăng trưởng GDP ghi nhận mức thấp nhất kể từ khi đổi mới đến nay. Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ quay trở lại kinh doanh, sản xuất tích cực hơn
Việt Nam đã và đang sống trong bối cảnh “bình thường mới”, số lượng ca mắc Covid-19 vẫn có, nhưng độ bao phủ vắc xin đã ngày càng mở rộng, sẽ nhanh chóng tạo thành miễn dịch cộng đồng. Vì thế, các doanh nghiệp chắc chắn sẽ quay trở lại hoạt động, kinh doanh, sản xuất một cách tích cực hơn. Không phải tôi quá lạc quan về tình hình kinh tế trước khó khăn của dịch bệnh, nhưng đây là xuất phát từ đặc thù của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp này có sự hoạt động rất uyển chuyển, có thể chuyển ngành chuyển nghề rất nhanh, lại hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực nên nếu ngành này khó khăn, đóng cửa thì họ sẽ nhanh chóng chuyển sang lĩnh vực khác. Vì thế, Việt Nam có số lượng lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa, cộng thêm khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể sẽ tạo thành đà phục hồi nhanh chóng khi khối doanh nghiệp, hộ kinh doanh này đứng vững. Qua đó tạo sự ổn định cho kinh tế, an sinh xã hội, trong khi nếu một doanh nghiệp lớn “vỡ trận” thì nền kinh tế ngay lập tức sẽ chao đảo. Đặt niềm tin vào sự điều hành của Chính phủ
Với khoảng thời gian chịu tác động của dịch bệnh quá dài như vừa qua, chúng tôi cũng có niềm tin và lạc quan với sự điều hành của Chính phủ, đó là Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để chúng ta một mặt đảm bảo an toàn cho người dân, một mặt phục hồi "sức khỏe" của Doanh nghiệp. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, dòng tiền giống như luồng máu của doanh nghiệp, tôi hy vọng trong thời gian tới với chính sách điều hành linh hoạt, an toàn hiệu quả của Chính phủ thì cộng đồng doanh nghiệp cũng sẽ có niềm tin để có thể khôi phục sản xuất kinh doanh của mình. Đặc biệt, với các chính sách hỗ trợ như giảm lãi suất, bình ổn được lạm phát cũng như duy trì được tỷ giá hối đoái, sẽ giúp các doanh nghiệp có được nền tảng ổn định để thực hiện các kế hoạch của doanh nghiệp năm 2022. Mặc dù nhìn nhận định năm 2022 vẫn là một năm khó đoán, nhưng doanh nghiệp vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng trên 20% so với năm 2021. Thay đổi để thích nghi
Dịch Covid-19 ập đến gây nên nhiều xáo trộn, đặt mỗi doanh nhân vào tâm thế chống chịu, đối mặt và vượt qua. Năm 2021 là một năm rất khó khăn với chúng tôi mà còn với tất cả các doanh nghiệp trong ngành Bất động sản, xây dựng do dịch bệnh Covid 19 gây ra, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao. Tuy nhiên, điểm tích cực là, những tháng cuối năm tình hình kinh tế cũng đã phần nào được khắc phục và ổn định. Tâm lý của tất cả người làm kinh tế nói chung và làm bất động sản nói riêng, ai cũng tranh thủ ngay từ khi mở cửa trở lại để "chiến đấu", hồi phục kinh doanh sản xuất và đẩy mạnh tiếp thị bán hàng. Bước sang năm 2022, cộng đồng doanh nghiệp xác định thay đổi để thích nghi, cụ thể là điều chỉnh các hoạt động đầu tư, kinh doanh phù hợp với thực tế và xu thế của thị trường.Trên cơ sở phục hồi kinh tế với sản xuất là mũi nhọn, các nhu cầu của thị trường bất động sản cũng có cơ hội chuyển biến theo vì địa ốc liên quan đến hàng chục ngành nghề khác. Từ đó, làm bước đệm để hoàn thành tất cả những mục tiêu chưa đạt được trong năm vừa qua, phấn đấu đến những thành quả lớn lao hơn. |
Hoàng Hà