Trong khi các doanh nghiệp (DN) xăng dầu bán lẻ phản ánh họ đang ôm lỗ mỗi ngày, bỏ tiền túi mà vẫn lỗ; thì thương nhân phân phối, DN đầu mối cũng phản ánh họ đang gánh lỗ rất lớn, thậm chí vì nhiều nỗi khổ tâm mà lỗ cũng không dám nói.
‘Lỗ, không phải do chúng tôi không biết kinh doanh’
Mở đầu Hội nghị về Góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ - CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, ông Hà Thanh Tùng, đại diện Công ty TNHH TM Vận tải Hà Giang, cho hay nhóm DN bán lẻ xăng dầu hiện có 950 thành viên, có trên 9.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, chiếm 53% số cửa hàng bán lẻ trên cả nước (17.000 cửa hàng).
Các nhóm doanh nghiệp xăng dầu đồng loạt cho biết gặp khó khăn, thua lỗ nặng nề trong thời gian vừa qua. |
Theo ông Tùng, do không có chiết khấu, nên thời gian qua, DN bán lẻ thua lỗ nặng nề. Qua thống kê của cộng đồng DN bán lẻ, lúc cao điểm, các DN lỗ đến 900 tỷ đồng/tháng.
“Chúng tôi hiểu rằng kinh doanh có lúc này, lúc khác, khó khăn chia sẻ, nhưng việc đó diễn ra 1-2 tháng thì chấp nhận được, nay kéo dài cả năm thì không thể gồng được”, ông Tùng cho biết.
Ông Tùng cho rằng: Việc thua lỗ này không phải do DN bán lẻ không biết kinh doanh mà do cơ chế điều hành giá chưa phù hợp. Cũng là thương nhân kinh doanh xăng dầu, có thương nhân đầu mối sau khi được điều chỉnh chi phí, quý IV/2022 lãi lên đến gần nghìn tỷ đồng; Còn những thương nhân bán lẻ không được hỗ trợ, lỗ đến cả nghìn tỷ đồng, thậm chí đứng trước nguy cơ phải xin rút giấy phép kinh doanh, do không thể tiếp tục gồng mình chịu lỗ.
“Nếu tình trạng thua lỗ tiếp tục kéo dài, sức chịu đựng của DN bán lẻ có hạn. Toàn bộ 9.000 cửa hàng bán lẻ buộc phải xin rút giấy phép và ngừng kinh doanh, khi đó chuỗi cung ứng trên toàn quốc đứt gãy trên 50% sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế", ông nói.
Trước thực tế thua lỗ, ông Giang Chấn Tây, chủ một DN bán lẻ xăng dầu ở tỉnh Trà Vinh, đề nghị khi sửa đổi Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu cần xem chiết khấu như "phí xăng dầu" mà DN bán lẻ thu hộ, đồng thời là công cụ để DN bán lẻ xăng dầu hoạt động trong mọi tình huống biến động của giá dầu trên thị trường thế giới. Theo đó, cơ quan soạn thảo cần quy định chiết khấu tối thiểu không dưới 5-6%/giá bán lẻ.
Ở góc độ thương nhân phân phối, ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch HĐQT Công ty Dầu khí Đồng Nai, đề nghị, khi sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 nên đặt ngược vấn đề, tại sao trước đại dịch, thị trường xăng dầu hoạt động bình thường? Sau 2 năm dịch bệnh, tình hình thế giới bất ổn đã bộc lộ hạn chế của chính sách điều hành và cần nhìn nhận hạn chế này để sửa đổi.
“Điều lạ là chúng tôi lỗ phải bán nhưng không được quyền ra giá mà do người khác ra giá. Nếu định hướng tới thị trường, khi nhu cầu cung cầu biến động liên tục cần phải có điều chỉnh. Ban soạn thảo nên lắng nghe, chắt lọc điều doanh nghiệp kiến nghị để điều chỉnh hợp lý nhằm giúp DN có thể sống, phát triển và đóng góp”, ông Phụng kiến nghị.
Nên sớm để thị trường quyết định giá xăng
Trước những ý kiến bức xúc từ phía bán lẻ, phân phối; các đại diện DN đầu mối được ban tổ chức Hội nghị mời phát biểu để đối chất. Ông Phạm Văn Thoại, Chủ tịch HĐQT Saigon Petro, mong muốn các DN bán lẻ bình tĩnh để tìm giải pháp tháo gỡ, cũng như chia sẻ với chính nỗi khổ của DN đầu mối.
Ông Phạm Văn Thoại nói rằng, chưa bao giờ như giai đoạn tháng 7 - 8/2022 vừa qua, tình trạng lỗ đến mức DN suy sụp, phải tham gia gánh toàn bộ thị trường khi nhiều DN không thực hiện việc nhập khẩu.
Theo lãnh đạo Saigon Petro, hàng năm DN chỉ được đăng ký một lượng hàng nhất định với hai nhà máy lọc dầu trong nước, còn lại phải nhập khẩu - mà nhập khẩu không hề dễ, có thời điểm phải mua giá "trên trời".
"Chúng tôi nhập khẩu phải trả bằng USD nhưng khi về sẽ bán và thu bằng VND, do vậy riêng khoản chênh tỷ giá cũng khiến DN đủ khổ, nhiều khi cũng lỗ quá trời mà không dám nói. Tôi rất chia sẻ với DN bán lẻ khi thời gian qua khó khăn và mong muốn chiết khấu cao hơn. Thế nhưng chúng tôi phải có lãi thì mới chia được, bản thân chúng tôi cũng lỗ”, Lãnh đạo Saigon Petro nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Nam, Trưởng Ban Chính sách Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cho hay một ngày lỗ của DN đầu mối lớn hơn rất nhiều so với DN bán lẻ, vì lỗ nên không đủ nguồn lực chia sẻ lại chiết khấu cho bán lẻ.
Trước đề xuất quay lại thay đổi điều chỉnh giá 7 ngày hay 15 ngày, đại diện Petrolimex cho rằng không quan trọng bằng việc chu kỳ điều hành giá phải bao hàm được quy định dự trữ tồn kho của DN.
Về chi phí, đại diện Petrolimex cho hay, việc nhập khẩu xăng dầu về tốn rất nhiều công sức, đưa tàu sang mất 15 ngày mới đưa hàng về, đó là còn chưa kể tới bão lũ. Mỗi tháng, tập đoàn nhập khoảng 100 tàu, 1 tàu giá trị mấy chục triệu USD, nếu gặp phải sự cố trên thì càng khó khăn hơn.
"Nếu cho đại lý một mức chiết khấu ổn định, thì cũng cần đảm bảo cho thương nhân phân phối, đầu mối một phần chiết khấu cố định thì chúng tôi mới chia sẻ lại cho họ", đại diện Petrolimex cho biết.
Trước rất nhiều ý kiến trái chiều của các DN, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, thẳng thắn đánh giá vừa qua để đứt gãy thị trường quan trọng như xăng dầu, trái phiếu... thể hiện yếu kém trong quản lý nhà nước.
Ông Cung cho rằng, có nhiều người nói thị trường xăng dầu, trái phiếu đứt gãy, lỗi là do năm 2022 có dị biệt, có phát sinh tình huống như chiến sự Nga - Ukraine. Nhưng chúng ta đã qua nhiều chiến tranh rồi, chúng ta ứng phó trước nhiều tình huống nên đừng đổ lỗi cho ngoại cảnh.
“Trước kia, có những lúc dầu thô lên 140 USD/thùng chứ không phải năm 2022 mới cao. Tôi cho rằng thời gian vừa rồi, việc các bộ đổ lỗi lẫn nhau rất thiếu trách nhiệm”, TS. Nguyễn Đình Cung nói.
Ông Cung cho rằng các chính sách dù xây dựng mới xong chưa áp dụng bao lâu hoặc chưa “ngấm” đã sửa đổi, trong đó có Nghị định 65/2022 về trái phiếu DN, Nghị định 95/2021 về xăng dầu khiến ảnh hưởng rất lớn đến thị trường, DN và cho thấy rõ tầm nhìn chính sách hạn hẹp.
Tại dự thảo lần 2, Nghị định sửa đổi Nghị định kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương không chọn đề xuất cho doanh nghiệp tự định giá bán, theo TS Nguyễn Đình Cung, Bộ Công Thương cần giải thích tại sao không để thị trường quyết định giá.
“Nếu giá xăng dầu được tự do hóa theo thị trường thì tôi tin rằng cũng thành công như với gạo – một mặt hàng mà chúng ta cũng từng rất lo lắng. Nếu có lo thì lo nhóm đói nghèo, ở vùng khó khăn thì cấp trực tiếp cho người mua, đó là cách không làm méo mó thị trường, để Nhà nước quản giá lại bắt DN chịu, đó là vô lý”, ông Cung nhấn mạnh.
Ông Trần Duy Đông Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Bộ Công Thương chia sẻ khó khăn của DN kinh doanh xăng dầu ở tất cả các khâu. Đồng thời sẽ tiếp thu lắng nghe các ý kiến, góp phần sửa đổi bất cập của nghị định. Chúng tôi không nghe ý kiến một chiều mà phải sòng phẳng, lắng nghe ý kiến các bên. Nhất là các DN phản biện, để làm sao kinh doanh xăng dầu thấu tình đạt lý ở tất cả các khâu, từ nhập khẩu, phân phối, bán lẻ, tránh xáo trộn, đứt gãy cục bộ. Về dài hạn, tiến tới theo quy luật khách quan của thị trường, nhưng cần phải có thời gian. Ông Đậu Anh Tuấn Phó Tổng thư ký VCCI Sửa Nghị định kinh doanh xăng dầu tác động tới hàng chục ngàn DN trong chuỗi. Do vậy, cần nhất quán quan điểm về tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng, công khai minh bạch, đáp ứng yêu cầu của DN, nhà nước. Mệnh lệnh hành chính chỉ là giải pháp tình thế, xử lý nghiêm cây xăng đóng cửa thì chỉ là giải pháp tình thế, còn về lâu dài phải có giải pháp khác, nếu họ kinh doanh vẫn thua lỗ. Mệnh lệnh hành chính không bền vững bằng thị trường, làm sao DN kinh doanh bền vững. Ông Bùi Ngọc Bảo Chủ tịch Hội Xăng dầu Việt Nam Thẳng thắn mà nói, mức chiết khấu bao nhiêu không phải Nhà nước cho mà đó là sự phân phối giữa DN này với DN kia. Vì vậy, quy định mức chiết khấu trong công thức tính giá phải đủ cho cả hệ thống từ đầu mối, phân phối, tới bán lẻ. Nhà nước quản lý giá bằng công cụ, công thức tính giá cũng cần bắt kịp với diễn biến giá thế giới, còn chi phí của DN thì nên để người ta cộng vào đó, cho đủ chi phí của họ. |
Lê Thúy